Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nuôi tôm sinh thái dưới rừng ngập mặn

Tạp Chí Giáo Dục

Người nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau bây giờ lo bảo vệ rừng để bảo vệ sinh kế của mình. Bởi lẽ, rừng và tôm trong mô hình nuôi trồng này là sự cộng sinh không thể tách rời, làm nên thương hiệu tôm hữu cơ độc nhất tại Việt Nam…
Cà Mau có gần 35.000 ha diện tích nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Năm Căn và Ngọc Hiển – nơi tận cùng cực Nam Tổ quốc. Trong đó, hơn 22.000 ha được công nhận nuôi tôm sinh thái với gần 5.000 hộ nuôi. Đây cũng là nơi duy nhất trong nước được chứng nhận tôm nuôi hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế (Nanurland) với gần 7.000 ha ở huyện Ngọc Hiển.
Tôm nuôi sinh thái dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau
Vừa lợi kinh tế vừa bảo vệ rừng
Mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng xuất hiện ở vùng đất ngập mặn Cà Mau cách đây khoảng 21 năm. Những năm đầu, người nuôi tôm trúng đậm, lãi to nên có suy nghĩ phải mở rộng diện tích nuôi để tăng thêm lợi nhuận. Họ cho rằng cây rừng chiếm nhiều đất sống của con tôm nên nghĩ mọi cách để thu hẹp diện tích rừng. Rất ít người khi đó nghĩ rằng họ trúng tôm là nhờ hệ sinh thái rừng.
Khi không được nhà nước cho phép mở rộng diện tích thả tôm, thu hẹp diện tích rừng mà phải bảo đảm tỉ lệ rừng che phủ trên 40%, nhiều người nuôi tôm đã nghĩ ra nhiều "độc chiêu" bức tử rừng. Đáng kể nhất là việc đập dập vỏ cây đước để cây mất dinh dưỡng mà chết dần, rồi đổ do chuột cắn. Thời điểm đó, hàng loạt diện tích rừng chết bất thường theo cách ấy khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra nguyên nhân và cuối cùng cũng xác định được thủ phạm là do… con người.
Kể từ đó, tôm nuôi trên diện tích rừng ngập mặn liên tục thất bát, người nuôi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Qua tuyên truyền của ngành chức năng và tình hình thực tế, nhiều người dần nhận ra nguyên nhân chính làm tôm chết là do thiếu độ che phủ của rừng. Người nuôi tôm bắt đầu bắt tay hợp tác với cơ quan chức năng để trồng lại rừng, sửa chữa sai lầm.
Để được chứng nhận nuôi tôm sinh thái, hộ nuôi phải tuân thủ các nguyên tắc khuyến cáo của ngành chuyên môn về môi trường nước, con giống, cây rừng, bảo vệ động thực vật có trong Sách Đỏ.
Ngoài việc tôm sinh thái được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bao tiêu sản phẩm và mua với giá cao hơn thị trường, những hộ được chứng nhận nuôi sinh thái còn được hỗ trợ con giống chất lượng, được thụ hưởng chính sách bảo vệ rừng hằng năm.
"Những năm qua, các công ty chế biến thủy sản thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ được cấp chứng nhận nuôi tôm sinh thái, tổng số tiền 6,7 tỉ đồng. Ngành chức năng cũng đang ra sức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc trồng rừng, hiểu rõ được lợi ích của việc trồng rừng gắn với nuôi tôm sinh thái; bà con cũng rất tích cực tham gia thực hiện" – ông Tạ Minh Mẫn, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðất Mũi, cho hay.
Quy định nuôi tôm sinh thái phải bảo đảm diện tích trồng rừng từ 40% trở lên vừa giúp tăng lợi nhuận cho hộ nuôi vừa giúp bảo vệ và phát triển rừng. 3Huyện Ngọc Hiển là địa phương có diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn lớn nhất tỉnh Cà Mau, đến nay đã phát triển hơn 19.400 ha với 4.313 hộ nuôi.
Mô hình rừng ngập mặn nuôi tôm sinh thái ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Làm nên thương hiệu độc đáo
"Tôm sinh thái" là tôm lớn lên trong thiên nhiên, sống với bản năng tự nhiên nên có nhiều đặc điểm giống như tôm trong thiên nhiên. Tôm sinh thái được thả nuôi trên mặt nước có độ che phủ của rừng tự nhiên đạt 50% diện tích. Tôm sống sinh thái không sợ hạn – mặn, cũng không sợ mưa mùa như tôm nuôi công nghiệp. 
Chỉ cần nguồn nước thủy triều tự nhiên, không nhiễm bẩn, con tôm tự kiếm ăn trong nước tự nhiên; nước thủy triều ra vào hằng ngày đủ mang thức ăn đến cho chúng. Tôm nuôi sinh thái chỉ khác tôm tự nhiên ở chỗ phải chọn giống để thả nuôi và nuôi theo những quy ước bó buộc về diện tích tán rừng, diện tích mặt nước và chăm sóc vệ sinh giữ nguồn nước không bị ô nhiễm.
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc nhìn nhận năng suất tôm sinh thái của địa phương tăng rõ rệt qua từng năm. Cụ thể: Năm 2017, bình quân năng suất nuôi tôm sinh thái là 180 kg/ha; năm 2020 năng suất 230 kg/ha; những tháng đầu năm 2021, nhiều diện tích nuôi tôm sinh thái trúng vụ đạt từ 230-250 kg/ha.
Đến nay, huyện Ngọc Hiển xây dựng được 3 xã trọng điểm về nuôi tôm sinh thái: Viên An Ðông, Viên An và Ðất Mũi. Ðặc biệt, tại xã Viên An Ðông, 500 hộ nuôi tôm sinh thái đầu tiên đã đạt chuẩn xanh của tổ chức Seafood Watch (Mỹ). Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái, đồng thời xây dựng 2 trạm thu mua tôm sinh thái tại xã Viên An Ðông và Tam Giang Tây, tạo điều kiện thuận lợi đầu ra cho người nuôi.
"Mô hình nuôi tôm sinh thái mở ra cơ hội mới để người nuôi tôm Ngọc Hiển bứt phá đi lên, tạo ra nguồn nguyên liệu tôm hữu cơ cho thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao vị thế, giá trị kinh tế và khẳng định uy tín tôm sạch Cà Mau trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, những vuông tôm sinh thái cần bảo đảm tỉ lệ tán rừng trên 40%, góp phần thúc đẩy người dân trồng rừng và tự giác bảo vệ rừng. Đây là mô hình nuôi tôm được cho là bền vững nhất, vừa bảo đảm giá trị kinh tế vừa góp phần bảo vệ rừng hiệu quả" – ông Lạc tâm đắc.
Mặt hàng xuất khẩu giá trị cao
Sản phẩm tôm sinh thái đang được bán cho những thị trường khó tính nhất: Mỹ, Nhật hay khối EU. Giá bán của tôm sinh thái thường gấp đôi hoặc gấp ba lần so với giá tôm nuôi bằng thức ăn công nghiệp thông thường.
Ông Ngô Dũng Liêm, nguyên Giám đốc Lâm Ngư trường 184 (huyện Ngọc Hiển), cho biết: "Tôm sinh thái bén duyên với thị trường nước ngoài từ năm 1999, khi đoàn khách của Đại sứ quán Thụy Sĩ do Bộ Thủy sản dẫn đi thăm Cà Mau và Kiên Giang. Trong bữa cơm dưới tán rừng đước, con tôm Cà Mau được chài lên đãi khách. Sau chuyến thăm đó, tôm sinh thái được cấp giấy chứng nhận và bắt đầu hành trình xuất ngoại".
 

Duy Nhân (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)