Một vụ nổ do bom sót lại từ chiến tranh đã cướp đi của em một mắt, một chân và cánh tay. Nhưng không vì thế mà em đầu hàng số phận. Em đã cố gắng học tốt, nỗ lực hết mình để nuôi ước mơ vào giảng đường đại học.
Đó là hoàn cảnh của cậu học trò tật nguyền Hồ Văn Lai, học sinh lớp 11B3 Trường THPT Lê Lợi (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).
Tuổi thơ và nỗi đau từ chiến tranh để lại
Hồ Văn Lai là con thứ tư trong gia đình năm anh em tại vùng quê nghèo vùng biển thuộc thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bố làm đánh bắt cá thuê cho một chủ tàu ở gần nhà. Mẹ ở nhà nội trợ, tranh thủ thời gian rỗi, bà hay đan lưới kiếm thêm đồng ra vào. Cuộc sống khó khăn khiến 3 người anh đầu phải từ bỏ ước mơ đến trường ở nhà phụ giúp bố mẹ.
Chiến tranh đã qua đi nhưng những tàn dư và hậu quả của nó vẫn còn đó. Có biết bao nhiêu người sống giữa thời bình đã bị chết hay tàn phế cũng bởi trong lúc lao động gặp phải bom mìn nổ. Câu chuyện mà Lai kể cho chúng tôi nghe như một cơn ác mộng ám ảnh em đến tận bây giờ.
Hồ Văn Lai, cậu học trò tàn tật do đạp phải bom đã
quyết không chịu đầu hàng số phận.
Số phận oan nghiệt đến với Lai vào một trưa mùa hè oi bức trên mảnh đất Quảng Trị vào mùa hè năm lớp 4 khi đó Lai mới 10 tuổi.
“Được nghỉ hè nên thường qua ngoại chơi hôm đó em cùng với 3 đứa em nhà chú cùng qua nhà bà chơi. Lúc đang nô đùa ngoài vườn sau bỗng em nghe bên tai chát chúa một tiếng nổ lớn. Sau đó em bất tỉnh không biết gì nữa”, Lai nhớ lại.
Nghe tiếng nổ, mọi người trong nhà chạy ra đưa Lai vào bênh viện đa khoa Quảng Trị cấp cứu. Do vết thương nặng quá, em được chuyển tiếp vào bệnh viện Trung ương Huế điều trị.
“Tỉnh dậy em mới biết một mắt bị mất, chân phải đứt ngang đùi, chân trái mất bàn, một tay đứt ngang khuỷu, tay trái mất ngón cái. Nhưng đau đớn hơn là 3 đứa em đã chết tại chỗ sau tiếng nỗ oan nghiệt đó. Sau này Lai mới biết tiếng nổ đó là của quả đạn M79 nằm sót lại trên bãi cát mà một trong 3 đứa em của Lai giẫm phải” – Lai bàng hoàng kể lại.
Trong lúc nói chuyện với chúng tôi thỉnh thoảng giọng Lai nghẹn lại, rưng rưng nước mắt nghĩ về quá khứ kinh hoàng mà em và người thân phải gánh chịu.
Nghị lực vượt lên số phận
Bị thương nặng xuất viện với tình trạng sức khỏe mất 86%, Lai phải nghỉ học một năm nhưng bằng nghị lực, ham học em đã năn nỉ xin bố mẹ cho đi học bằng được.
Để đến lớp không có bố mẹ, việc đầu tiên là Lai phải tập đi bằng chân gỗ. Qua nhiều tháng luyện tập Lai đã tự mình đi những bước đi đầu tiên của cuộc đời trên cái chân giả. “Ban đầu đi khó lắm, toàn bị vấp té mãi, riết rồi em tập mãi cũng quen” Lai tâm sự.
Rồi đến việc học cũng không hề đơn giản chút nào, tay phải em đã không còn nên phải tập viết bằng tay trái. Có nhiều lúc cô giáo đọc nhanh, các bạn viết được nhưng Lai thì rớm nước mắt vì tay trái tê cứng không viết kịp.
Lai viết bài bằng bàn tay trái đã mất một ngón cái.
Thêm vào đó, em chỉ đọc sách bằng một con mắt nên tiếp thu bài hơi chậm. “Giờ mỗi lúc đọc sách vở, nhìn lên bảng rất khó khăn, nhiều lúc đọc mắt em lại cay xòe và nhức nhối”, Lai kể. Hiện, con mắt sáng đó cũng đang mờ dần do ảnh hưởng của vụ nổ.
Nhưng nỗi đau vẫn chưa dừng lại ở đó, những lúc trái gió trở trời vết thương lại đau nhói, đôi mắt như có cái gì bên trong rất khó chịu.
Tưởng nỗi đau về thể chất và tinh thần sẽ làm em chùn bước, nhưng bằng nghị lực Lai đã làm cho bố mẹ thầy cô bạn bè ngạc nhiên.
Bị tật nguyền không theo học được với các bạn bình thường, Lai được bố mẹ cho theo học lớp 5 tại Trường khuyết tật Nguyễn Đinh Chiểu (TP Đông Hà). Thời gian đầu bạn bè nhìn em với ánh mắt kỳ thị, Lai thấy buồn. Những lúc như vây em chỉ biết khóc và lao đầu vào học cho tốt. Bằng nghị lực phi thường, cố gắng bản thân Lai đạt học sinh tiên tiến 5 năm liền. Riêng năm lớp 6 em đạt học sinh giỏi.
Tốt nghiệp cấp II, Lai thi đậu vào Trường THPT Lê Lợi (TP Đông Hà). Do trường cách nhà xa cả 30km nên Lai phải ở trọ lại. Cuộc sống nhà trọ vất vả xa người thân nên em phải tự mình xoay sở. Nhiều khi em thấy chán nản, nhưng bố mẹ, bạn bè, thầy cô đã động viên, khích lệ đã giúp em để tiếp thêm nghị lực vượt qua khó khăn.
Kết quả năm học lớp 10, Lai có tổng điểm 7,6, kỳ I lớp 11 là 7,3. Với số điểm trên nếu với người bình thường thì không có gì là nổi bật, nhưng lại là sự nỗ lực, cố gắng không nhỏ đối với cậu học trò bị tật nguyền như Lai.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Khuyên, phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi: “Chúng tôi rất khâm phục nghị lực cố gắng học tập của em. Trên lớp, Lai luôn nỗ lực học tập là tấm gương sáng cho các bạn học tập. Trong các cuộc thi Rung chuông vàng, Chinh phục tri thức trẻ do nhà trường tổ chức, Lai luôn là đại diện xuất sắc của lớp đi tham dự. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn lại ham học tập nên chúng tôi cố gắng tạo điều kiện như xin học bổng để cho em có điều kiện tiếp tục đến trường thực hiện ước mơ”.
Trong lúc nói chuyện Lai luôn hỏi chúng tôi nhiều câu hỏi như "Rằng sau này học xong lớp 12 có được thi đại học không?”, “Có trường đại học, cao đẳng nào dạy em không?”, “Ra trường có ai nhận em làm không?” Những tâm sự chân tình của Lai cho thấy em rất lo lắng cho tương lai đầy thử thách đang chờ em ở phía trước.
Chia sẻ về ước mơ, Lai tâm sự: “Tương lai em muốn trở thành một người giỏi về máy tính nhưng đôi mắt của em ngày một nhìn không rõ nữa. Nếu có một điều ước em chỉ mong mình có một đôi mắt sáng để em tiếp tục tiếp tục đến trường”.
Doãn Công – Đại Dương / Dan tri
Bình luận (0)