Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nuôi vịt trời

Tạp Chí Giáo Dục

Ban đầu chỉ là “nuôi chơi” vài chục con vịt trời, nhưng thấy hiệu quả kinh tế cao nên anh Hà Sơn ở Tiền Giang đã nhân rộng ra, đến nay lên gần 2.000 con, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Trang trại chuyên thuần dưỡng và nhân giống vịt trời của anh Hà Sơn rộng 1,2 ha, tọa lạc ấp Tân Lập, xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành (Tiền Giang), nằm cặp đường dân sinh dọc theo đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM. Chủ trang trại giao cho chị Nguyễn Thị Thanh Trúc cùng với một kỹ sư là anh Võ Thành Dân, quản lý và theo dõi, chăm sóc đàn vịt trời. Việc mở trang trại cũng là sự ngẫu nhiên. Theo chị Trúc, lúc đầu từ vài chục con giống của một người bạn ở Nam Định cho vào cuối năm 2013, anh Sơn đem về nuôi chơi, thấy đàn vịt phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao nên tiếp tục nhân rộng ra. Đến nay, tổng đàn vịt trời của trang trại đã lên gần 2.000 con, trong đó có khoảng 500 con đẻ trứng, còn lại là vịt thịt với nhiều lứa.

Trang trại vịt trời của anh Hà Sơn  /// Ảnh: Bảo Trâm
Trang trại vịt trời của anh Hà Sơn Ảnh: Bảo Trâm

Chị Trúc cho biết kỹ thuật nuôi vịt trời không khác mấy so với vịt thường nhưng đòi hỏi chăm sóc khá kỹ và tốn công nhiều hơn. “Điều quan trọng nhất là phải chủng ngừa đầy đủ theo lịch khi vịt mới nở, 7 ngày, 21 ngày, rồi 27 ngày… Tổng cộng phải chủng ngừa 7 lần, kể cả ngừa H5N1. Thức ăn chính của vịt trời là lúa, rau, lục bình trộn với cám. Ngay sau khi nở, vịt có thể tự ăn được, bắt đầu từ tấm, cám, sau đó chuyển qua cho ăn thức ăn viên, rồi gạo, lúa. Riêng đối với vịt đẻ thì bổ sung thêm cám, thêm rau hoặc thêm vài vị thuốc nam…”, chị Trúc chia sẻ. Đối với vịt thịt, thời gian nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán được, trung bình mỗi con nặng chừng 1 kg. Nếu để vịt đẻ thì cần thời gian dài hơn, khoảng 7 tháng. Chị nói: “Lúc đầu chúng tôi nghĩ chỉ nuôi chơi và lấy trứng ăn thôi nhưng vịt đẻ liên tục, nhiều quá, ăn không hết nên phải mua máy về ấp cho nở con rồi nuôi tiếp. Cứ thế mà đàn vịt tăng dần lên”. Trung bình, mỗi ngày đàn vịt đẻ của trang trại cho từ 600 – 700 trứng. Sau khi tuyển lựa, cho vào máy ấp, thời gian khoảng từ 20 – 30 ngày thì trứng nở con. Hiện trang trại có 3 máy ấp trứng. Vì đàn vịt được nhốt trong chuồng, chăn thả theo kiểu bán tự nhiên nên cũng không tốn nhiều công lao động. Hằng ngày chỉ cần một người theo dõi, chăm sóc, mà chủ yếu là cho vịt ăn. Đối với vịt trời đã được thuần hóa thì chuồng trại không cần phải bao lưới bên trên, vì vịt không còn bay. Nhưng cần có mái che cho vịt ngủ vào ban đêm và ao đìa cho vịt bơi lội, mò cua, ốc vào ban ngày.
Mặc dù nói là “nuôi chơi” nhưng chỉ 4 tháng trở lại đây, trang trại đã xuất bán được hơn 1.000 con vịt thịt, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng tại Tiền Giang và TP.HCM. Vịt trời bán chỉ tính bằng con chứ không tính ký. Với đơn giá từ 160.000 – 180.000 đồng/con, tính ra giá vịt trời cao hơn gấp đôi so với vịt thường, nhưng mức đầu tư và công chăm sóc cũng không khác nhiều so với nuôi vịt thường. Riêng vịt giống được bán với giá khoảng 50.000 đồng/con (từ 2 – 3 tuần tuổi).
Chị Trúc cho biết hiện đã có người ký thỏa thuận tiêu thụ vịt trời của trang trại, thời gian đầu trung bình mỗi tháng là 200 con vịt thịt, không kể số khách hàng cũ lâu nay. Ngoài ra, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thịt gia cầm tươi sống và đông lạnh cũng đang thương lượng với chủ trang trại để ký hợp đồng cung cấp với số lượng lớn vịt trời làm sẵn mỗi ngày. Trang trại cũng đã ký hợp đồng với HTX chăn nuôi – thủy sản Gò Công (Tiền Giang) để thực hiện khâu gia công giết mổ, đóng gói (hút chân không) và giao đến tận địa chỉ theo yêu cầu của khách hàng. Bạn đọc quan tâm, muốn tìm hiểu kinh nghiệm nuôi vịt trời, có thể liên hệ chị Nguyễn Thị Thanh Trúc. Điện thoại: 01698716236.

Bảo Trâm (TNO)

 

Bình luận (0)