Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Nút thắt cổ chai” ngành bán lẻ online

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm online tăng cao bất thường nhưng các dịch vụ logistics chưa theo kịp…
Nhìn nhận khâu giao nhận hàng hiện nay là "nút thắt cổ chai" trong phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại TP HCM, ông Trần Ngọc Thái Sơn – Tổng Giám đốc Công ty CP Tiki – nhấn mạnh hình thức vận chuyển dựa vào phương tiện xe máy mang tính đơn lẻ, chưa thực sự hiệu quả và lãng phí.
Hạ tầng hụt hơi
Ông Trần Ngọc Thái Sơn dẫn mô hình logistics của Amazon (Mỹ), Coupang (Hàn Quốc) cho thấy thay vì tập hợp hàng trăm đơn hàng để giao từ điểm A đến điểm B thì các nền tảng trên tập trung hàng tại các kho bãi được quy hoạch cụ thể với diện tích lớn. Bằng cách này, 100 đơn hàng có thể tối ưu hóa để giảm chỉ còn 20 chuyến hàng.
"Logistics là xương sống của nền kinh tế và là ngành công nghiệp hàng trăm tỉ USD ở Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Tuy nhiên, logistics tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, với một đơn hàng có giá trị 10 đồng, chi phí logistics có thể lên đến 2,5 đồng. Vì vậy, để logistics trong TMĐT hiệu quả hơn, không chỉ áp dụng công nghệ mà còn cần xây dựng và phát triển kho bãi, từ đó cắt giảm các lớp trung gian, đẩy nhanh thời gian xử lý hàng hóa, giảm chi phí logistics" – đại diện Tiki nói.
Nút thắt cổ chai ngành bán lẻ online - Ảnh 1.
Một kho hàng của Shopee tại TP HCM 

Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Facific Foods (sở hữu thương hiệu nước mắm Mami đứng tốp 1 thế giới trên kênh Amazon), cho hay từ kinh nghiệm bán hàng trên Amazon có thể rút ra 2 điểm yếu của TMĐT Việt Nam là "giao hàng chậm và sản phẩm còn thiếu xác thực" (không đúng như người bán giới thiệu – PV).
"Giao hàng chậm là do hệ thống logistics chưa theo kịp nhu cầu, đặc biệt là hệ thống kho hàng. Chẳng hạn, người dùng ở Đà Nẵng đặt hàng, muốn giao nhanh thì hàng phải có sẵn hàng tại chỗ, còn chuyển từ kho ở TP HCM ra thì không thể nhanh được. Trong khi đó, người dùng hiện nay muốn được giao nhanh và đúng giờ, tốt nhất là trong vòng 24 giờ và tối đa là 2 ngày. Nếu thời gian giao hàng kéo dài 3-4 ngày, chắc chắn sự hài lòng của khách hàng sẽ giảm. Tuy vậy, để đầu tư được hệ thống kho bãi rộng khắp các địa phương cần vốn lớn nên không phải muốn là làm được ngay" – ông Linh phân tích.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) cung cấp chuỗi logistics lạnh cũng xác nhận mảng logistics lạnh đang "rất nóng", các kho thường xuyên trong tình trạng hết chỗ. DN vận hành kho phải rất khéo léo trong việc lưu chuyển hàng. "Mảng thực phẩm tươi sống với yêu cầu bảo quản lạnh ở kênh phân phối hiện đại hiện tăng trưởng rất nóng. Các hệ thống này cũng đang tích cực bán hàng online nên những đơn vị cung ứng như chúng tôi cũng tăng sản lượng" – đại diện DN này cho hay.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, không chỉ riêng Việt Nam, xu hướng tiêu dùng chuyển sang "đi chợ" trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng – phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở tất cả các nước trên thế giới. Ngay tại châu Á, dân số nói chung và khu vực trung lưu nói riêng tăng nhanh thúc đẩy nhu cầu mua thực phẩm tươi ngon cũng là nguyên nhân chính khiến nhu cầu về kho lạnh tăng cao, tạo cơ hội lớn cho DN đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh.
Cần đầu tư lớn
Thị trường TMĐT của Việt Nam đã đi vào quỹ đạo của sự tăng trưởng nhanh chóng. Các DN TMĐT lớn đang đối mặt với áp lực phải đáp ứng nhu cầu mua hàng cực kỳ đa dạng của người tiêu dùng. "Đơn hàng trên sàn TMĐT rất đa dạng về chủng loại lẫn kích thước. Việc xử lý và giao hàng đối với đơn hàng sách khác hẳn so với giao hàng và lắp đặt một thiết bị điện gia dụng như tủ lạnh, máy giặt.
Chính vì vậy, hệ thống logistics cần được xây dựng và phát triển theo nhu cầu đa dạng trong xử lý và giao vận hàng hóa. Các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam đã dần hướng đến đầu tư vào không chỉ là kho hàng – nơi lưu trữ hàng hóa đơn thuần mà còn cả quy trình, thiết bị và công nghệ để phân loại, xử lý, vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba cũng đang tích cực đầu tư vào kho bãi và đội vận chuyển" – đại diện Tiki cho hay.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cũng thừa nhận trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường, mạng lưới kho vận trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu đối với ngành TMĐT. Trong đó, quá trình giao nhận và hệ thống kho hàng là những mắt xích quan trọng nhất nhằm bảo đảm dòng chảy hàng hóa online.
Trước đòi hỏi quá lớn của thị trường, nhất là bối cảnh dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm qua, Shopee đã triển khai không ít giải pháp nhằm có thể đưa hàng đến người giao hàng một cách hợp lý nhất, tiết kiệm thời gian chờ và chi phí vận hành. Trong năm 2020, Shopee đã đưa vào hoạt động gần 10 kho mới bên cạnh việc nâng cấp những kho hàng cũ. Dự kiến, sàn bán lẻ trực tuyến này sẽ hợp tác chặt chẽ với hơn 100 đối tác hậu cần ở Đông Nam Á và Đài Loan (Trung Quốc) để nâng cao năng lực giao nhận. Với những hạng mục đầu tư đó, Shopee có thể đã phải bỏ ra số tiền khổng lồ.
Với DN nhỏ tham gia TMĐT, việc xử lý điểm nghẽn trong logistics lại càng khó khăn hơn. Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp TMĐT và bán lẻ), cho hay TMĐT Việt Nam phát triển chưa lâu, tỉ lệ người mua hàng không nhận khá cao, khoảng 4%-5% đối với gian hàng của các thương hiệu uy tín và 15% với những gian hàng còn lại. Mỗi đơn hàng hoàn lại đều là đơn hàng lỗ bởi phát sinh nhiều chi phí để xử lý sau đó.
Trong khi đó, ở điều kiện bình thường, các đơn vị giao hàng thường chỉ dự trù tình huống tăng đơn hàng khoảng 20%, không đáp ứng nổi nhu cầu tăng cao đột biến đến 2-3 lần trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Nếu đầu tư đội ngũ lớn hơn, khi nhu cầu trở lại bình thường thì chi phí "nuôi quân" sẽ rất lớn. "Một số đơn vị thời gian qua đầu tư thêm điểm nhận (nơi gửi hàng, khách tự đến lấy – PV) nhằm giúp khách hàng có thể chọn lựa, có trải nghiệm tốt hơn nhưng cũng không thật sự hiệu quả" – ông Tấn cho biết.
Các chuyên gia về TMĐT lưu ý DN logistics tại Việt Nam phải chuyển đổi, phát triển trên nền tảng chuyển đổi số, đầu tư lớn về mặt công nghệ. Bởi với các giải pháp truyền thống, việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường là không thể.
Doanh nghiệp sản xuất tự lo bài toán logistics
Ông Lê Bá Linh cho biết do chi phí logistics lớn nên DN của ông khi đưa hàng lên sàn cũng phải cải tiến liên tục về mẫu mã, thiết kế nhằm tối ưu chi phí. "Ban đầu chúng tôi đưa nước mắm chai lớn, 700 ml/chai nhưng kích cỡ này thì chi phí vận chuyển gấp mấy lần so với chai dưới 400 ml nên chúng tôi phải làm lại bao bì" – ông Linh dẫn chứng.
 
Phương Nhung (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)