Ngày 22/3, Nvidia ra mắt siêu máy tính mới có tên “Eos”, hệ thống trí tuệ nhân tạo (A.I) nhanh nhất thế giới sẽ hoạt động vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, công ty cũng hé lộ về các vi xử lý và công nghệ mới mà hãng cho là sẽ nâng cao sức mạnh điện toán cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo ngày càng phức tạp. Cụ thể là các chip đồ hoạ (GPU) mới, “trái tim” của cơ sở hạ tầng A.I: H100 và Grace CPU Superchip dựa trên công nghệ của ARM. Đây là vi xử lý dựa trên ARM đầu tiên kể từ khi thương vụ Nvidia mua lại hãng chip này thất bại.
“Các trung tâm dữ liệu đang trở thành những công xưởng A.I – xử lý và tinh chỉnh hàng núi dữ liệu để trích xuất các thông tin quan trọng”, Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia nói trong buổi hội thảo online dành cho các nhà phát triển A.I, đồng thời gọi H100 là “động cơ” của nền tảng A.I.
Nvidia cho biết các công nghệ mới sẽ cùng nhau giúp giảm thời gian xử lý điện toán từ hàng tuần xuống chỉ còn vài ngày đối với một số công việc liên quan tới huấn luyện mô hình A.I.
Các công ty đang sử dụng A.I và máy học (machine-learning) trong nhiều lĩnh vực, từ việc đề xuất video tiếp theo trên TV và điện thoại cho tới nghiên cứu dược phẩm mới.
“Rõ ràng những tuyên bố mới nhất của Nvidia cho thấy hãng này đang trở thành 1 mối đe dọa đối với Intel và AMD trong thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây”, Bob O’Donnell, Giám đốc phân tích tại TECHnalysis Research, nhận định.
Intel đang là nhà sản xuất chip lớn nhất cho các trung tâm dữ liệu, nhưng lĩnh vực màu mỡ này đang cho thấy sự cạnh tranh ngày càng tăng.
Vlad Galabov, Trưởng nhóm nghiên cứu ứng dụng đám mây và dữ liệu tại công ty nghiên cứu Omdia cho biết ông lo ngại về mức độ tiêu thụ điện năng của H100 và có thể nó sẽ làm giảm bớt độ hấp dẫn của dòng chip này trên thị trường.
Colette Kress, Giám đốc tài chính Nvidia nói rằng các vi xử lý mới giúp thúc đẩy A.I phát triển và thị trường cơ hội của công ty được ước tính 1 nghìn tỷ USD, từ máy chơi game cho tới các hệ thống doanh nghiệp.
Một trong động lực thúc đẩy các công ty sử dụng vi xử lý của Nvidia là do hãng này sử dụng các phần mềm mã nguồn mở. Tuy nhiên, Nvidia cho biết công ty sẽ hướng tới thương mại hoá mảng kinh doanh phần mềm nhiều hơn trong tương lai.
“Mảng kinh doanh phần mềm của chúng tôi đã đạt vài trăm triệu USD và chúng tôi tin cơ hội tăng trưởng là vẫn còn”, Kress nói, đồng thời cho biết kinh doanh phần mềm sẽ giúp Nvidia bù đắp chi phí tăng do thiếu hụt nguồn cung linh kiện chip.
Lãnh đạo Nvidia cũng cho biết phần mềm cho thị trường ô tô cũng sẽ là động lực chính trong tương lai: “Lĩnh vực này đang trở thành mảng kinh doanh hàng tỷ USD kế tiếp của chúng tôi”.
Trong tháng này, công ty dự kiến sẽ giao lô hàng “Drive Orin”, chip dành cho xe tự hành, tới khách hàng là BYD, hãng sản xuất xe điện Trung Quốc. Lucid Motors, nhà sản xuất xe điện hạng sang cũng được cho là sẽ sử dụng Nvidia Drive trong các sản phẩm thế hệ tiếp theo.
Vinh Ngô (theo vietnamnet)
Bình luận (0)