Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ồ ạt nhập hàng điện tử

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiến lược xây dựng ngành công nghiệp điện tử đứng trước nguy cơ phá sản khi hàng nhập khẩu đang ồ ạt tuồn vào thị trường Việt Nam.

Nhiều hãng điện tử quy mô lớn cũng đã và đang chuyển hướng từ sản xuất, lắp ráp sang nhập khẩu hàng nguyên chiếc. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ trong tháng 5, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đã hơn 500 triệu USD, tăng hơn 20% so với tháng 4 vừa qua.
Đua nhau nhập
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy 4 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử lên đến 1,76 tỉ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 567 triệu USD (tăng 20,6%), Hàn Quốc 462 triệu USD (tăng gấp 3 lần), Malaysia 118 triệu USD (tăng 9,4%)…

Tivi nhập khẩu tràn ngập các trung tâm điện máy ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng điện máy, điện tử cho biết sở dĩ nhập khẩu 5 tháng đầu năm tăng cao là do thời điểm này, các hãng điện tử trên thế giới tung ra nhiều sản phẩm mới cho năm 2011. Hơn nữa, trong hơn tháng qua, tình hình tỉ giá USD đã trở nên “dễ chịu”, việc mua USD cũng thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng bán USD cho doanh nghiệp còn thấp hơn so với giá niêm yết… nên nhiều doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng. Nhiều nhà phân phối còn dự báo thị trường năm nay vẫn có sức tăng trưởng cao, nhất là các mặt hàng máy tính, điện lạnh… nên cũng tăng cường nhập…
Riêng mặt hàng máy lạnh, cuộc đua đang hết sức quyết liệt. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhập khẩu số lượng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do mùa hè năm ngoái, mặt hàng này tiêu thụ rất mạnh, nhiều thương hiệu bị “cháy” hàng. Năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng hy vọng sức mua tăng cao nên thi nhau nhập.
Hàng trong nước teo tóp
Ông Bùi Tấn Cường, Giám đốc Kinh doanh Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, cho biết trước đây, hàng điện tử, điện máy sản xuất, lắp ráp trong nước bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy thường chiếm tỉ lệ 70% – 80% thì nay, hàng nhập khẩu đang chiếm ưu thế. Chẳng hạn mặt hàng tivi, trước đây hàng sản xuất trong nước chiếm 70%- 80% thị trường thì nay hàng nhập khẩu nguyên chiếc đã chiếm hơn 60%. Các mặt hàng tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt nhập khẩu nguyên chiếc cũng đã chiếm trên 50%. Hàng điện gia dụng nhập khẩu chiếm hơn 80%. Riêng các mặt hàng kỹ thuật số gần như nhập khẩu 100%…
Theo giới kinh doanh hàng điện tử tại TPHCM, thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử từ khu vực AFTA hiện chỉ còn khoảng 5%, sắp tới sẽ còn tiếp tục giảm theo lộ trình cũng là lý do khiến hàng nhập khẩu về nhiều. Sắp tới, các khu vực khác cũng sẽ có mức thuế giảm mạnh khiến hàng sản xuất trong nước ngày càng khó cạnh tranh. Đây là lý do khiến các hãng điện tử tại Việt Nam đang rút dần khỏi lĩnh vực sản xuất, lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu, phân phối. Đầu tiên là hãng Sony đã ngưng sản xuất, lắp ráp từ năm 2008 và từ đầu năm nay đến lượt JVC Việt Nam cũng đã tạm ngưng sản xuất…
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc kinh doanh Toshiba Việt Nam, cho biết từ cuối năm ngoái, Toshiba ngưng lắp ráp tivi LCD tại Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu mặt hàng này hoàn toàn. Gần đây, đến lượt các hãng điện tử khác cũng đang giảm dần sản xuất, lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu. Hiện nhiều hãng điện tử nhập khẩu với lượng hàng gấp 3- 4 lần so với lượng hàng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Phó Tổng Giám đốc JVC Việt Nam, giải thích việc tạm ngưng sản xuất của JVC là do lượng hàng tồn quá nhiều (có thể tiêu thụ cho cả tháng 6 tới). Hiện JVC đang quan sát thị trường cũng như động thái từ các hãng điện tử khác để cân nhắc tính toán có nên tiếp tục sản xuất lại hay chuyển hẳn sang nhập khẩu hàng nguyên chiếc về bán. Cũng theo ông Duy, hiện thuế nhập khẩu thành phẩm từ khu vực AFTA tiếp tục giảm là áp lực rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam; chưa kể hàng hóa từ Trung Quốc, với mức giá rẻ mà không ở đâu có được, sắp tới cũng sẽ có mức thuế giảm theo lộ trình có thể sẽ ồ ạt đổ về.
Mất lợi thế cạnh tranh
Theo giới chuyên môn, hầu hết các hãng điện tử nổi tiếng đều đã có sẵn nhà máy sản xuất tại các nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.
Vì vậy, khi thuế suất nhập khẩu giữa các nước không còn là rào cản nữa, họ sẽ “kéo quân” về nhà máy lớn đã có sẵn, với lợi thế đã khấu hao xong, để sản xuất hàng có giá thành rẻ.
Trong khi các nhà máy ở Việt Nam, kể cả các nhà máy của chính họ, lâu nay chủ yếu là những nhà máy lắp ráp, sẽ không còn lợi thế cạnh tranh.
NGUYỄN HẢI / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)