Gần đây, đời sống của nhiều gia đình được cải thiện, nhu cầu chơi hoa kiểng tăng cao, trong khi năng lực sản xuất trong nước có hạn nên nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt nhập hoa kiểng ngoại về Việt Nam.
Lan Trung Quốc ướp thuốc bảo vệ thực vật
Theo Bộ NN-PTNT, hiện tại Việt Nam đang phải nhập khẩu hoa kiểng, nhất là các loại hoa tươi có giá trị lớn như hoa lan từ nhiều nước, như Thái Lan, Malaysia… Song khoảng thời gian gần đây, theo khảo sát của PV Báo SGGP, nguồn hoa lan được nhập về Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu ở miền Bắc như Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma (Lạng Sơn) và Cao Bằng…
Có mặt tại chợ hoa kiểng Quảng Bá (Tây Hồ – Hà Nội) – chợ đầu mối về hoa kiểng ở miền Bắc, chúng tôi gặp hàng chục xe tải chở hoa các loại từ khắp nẻo đổ về, trong đó có hoa từ hai vựa hoa Mê Linh và Tây Tựu – Tân Lập (Hà Nội), từ Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số tỉnh miền Nam chở ra, từ Sa Pa (Lào Cai) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc) xuống… nhưng chiếm tỷ lệ lớn vẫn là hoa từ Trung Quốc từ Lạng Sơn đưa về.
Hoa lan được bày bán tại chợ hoa kiểng Vạn Phúc, Hà Đông – Hà Nội chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc.
Theo anh Thanh, một tiểu thương chuyên về hoa tươi ở Văn Lâm (Hưng Yên) cho biết, các loại hoa do Việt Nam trồng đưa về chợ Quảng Bá chủ yếu là cúc và hồng, có giá bán không cao, chỉ vài ngàn đồng một bông, trong khi hoa lan có giá bán cao, nhiều người chơi, lợi nhuận lớn nên nhiều doanh nghiệp, tiểu thương đổ xô nhập khẩu.
Hoa lan Trung Quốc sau khi nhập về chợ Quảng Bá sẽ được chuyển đi các chợ hoa kiểng bán lẻ cho khách chơi tại Hà Nội như chợ hoa Hoàng Hoa Thám, chợ hoa Vạn Phúc – Hà Đông và hàng ngàn quầy kinh doanh hoa tươi trên địa bàn, số còn lại chở vào miền Trung và miền Nam.
Theo chị Hà, một tiểu thương buôn hoa lan tại chợ Hoàng Hoa Thám, do lan có thể để được cả 2-3 tháng nên có thể đưa đi khắp các tỉnh tiêu thụ. Một giỏ nhỏ lan Hồ Điệp có giá bán khoảng 180.000 – 200.000 đồng, nhưng giá nhập từ Trung Quốc giá chỉ khoảng 60.000 – 120.000 đồng. Buôn hoa lan thực sự lãi lớn. Tuy nhiên, câu chuyện muốn nói ở đây không chỉ là việc thị trường nội địa tràn ngập hoa kiểng ngoại nhập, trong đó có hoa lan Trung Quốc mà vấn đề đáng báo động cần đặt ra là hiện nay nguồn hoa kiểng từ Trung Quốc đang bị lạm dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo tiết lộ của chị Nguyễn Thị Sâm, một tiểu thương ở xã Đông La (Hoài Đức – Hà Nội), nơi có truyền thống trồng và kinh doanh phong lan, địa lan nổi tiếng từ hàng chục năm nay thì để có những giò phong lan hoặc địa lan đẹp, người dân Trung Quốc và sau đó là các tư thương đã quá lạm dụng thuốc trừ sâu bệnh và thuốc kích thích. “Mỗi lần chúng tôi nhập hàng, khi mở thùng xe đều sực mùi hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích…”, chị Sâm kể. Nhiều tiểu thương và các chủ trại hoa lan khác cũng nói rằng, nếu không lạm dụng hóa chất kích thích, lan không thể ra nhiều hoa được.
Mặc dù hoa kiểng không phải là thực phẩm song theo TS Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, chúng sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi mua hoa kiểng về chơi và để trong nhà, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. “Lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật trên hoa kiểng và cây trồng là điều mà từ lâu chúng tôi đã đưa ra lời cảnh báo”, TS Nguyễn Thị Hoa nói.
Phụ thuộc nhiều vào nguồn ngoại nhập
Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, hoa lan cũng như nhiều loại hoa kiểng nhập về Việt Nam không chỉ từ Trung Quốc mà còn nhiều nước khác, đều trong danh mục được phép nhập khẩu và theo quy định đều phải kiểm tra kiểm dịch bình thường. Tuy nhiên do hoa lan không phải là thực phẩm nên chỉ kiểm dịch chứ không kiểm tra thêm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm như thực phẩm.
Đứng ở góc độ thị trường, ông Hoàng Trung cũng cho rằng về lâu dài chúng ta phải tính tới bài toán chủ động được nguồn hoa kiểng sản xuất trong nước. Hiện nay, nguồn cung cho tiêu dùng trong nước chưa đủ, phải phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu chứ chưa nói tới mục tiêu xuất khẩu. Theo ông Hoàng Trung, hiện nay cả nước mới chỉ có một vài doanh nghiệp ở Đà Lạt, Lâm Đồng có hoa tươi xuất khẩu, còn lại chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước, và chất lượng hoa của Việt Nam còn khá thấp nên doanh nghiệp và tư thương buộc phải nhập khẩu hoa ngoại vì chất lượng đẹp hơn, giá rẻ hơn.
GS-TS Nguyễn Quốc Vọng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, hiện ở Việt Nam mới chỉ có một diện tích nhỏ khoảng 15.000ha dành cho hoa kiểng. Hoa ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Ninh và ở Hóc Môn, Củ Chi (TPHCM), Lâm Đồng chỉ đủ cung ứng cho khoảng 65% nhu cầu của Hà Nội và TPHCM. Do đó, hoa kiểng phải nhập khẩu từ nhiều nước khác.
PHÚC HẬU
(SGGP)
Bình luận (0)