Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ồ ạt trồng cam trên đất lúa

Tạp Chí Giáo Dục

Vài năm gần đây, tại Vĩnh Long xuất hiện tình trạng nông dân ồ ạt trồng cam trên đất lúa theo kiểu 'mì ăn liền' bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Phong trào trồng cam trên đất ruộng đang phát triển mạnh ở Vĩnh Long /// Ảnh: Thanh Đức
Phong trào trồng cam trên đất ruộng đang phát triển mạnh ở Vĩnh Long
ẢNH: THANH ĐỨC
Thu tiền tỉ chỉ với vài công đất ruộng
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có 7.903 ha cam tập trung nhiều ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm… Riêng từ năm 2012 đến nay, diện tích trồng cam trên đất ruộng là 2.027 ha. Còn 6 tháng đầu năm 2016, diện tích đất lúa lên vườn trồng cam sành là 702 ha, tăng 678% so cùng kỳ, trong đó các huyện Tam Bình tăng 90 ha, Trà Ôn tăng 484 ha, Vũng Liêm tăng 126 ha… 

TS Đoàn Hữu Tiến, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết tổng diện tích cam, quýt cả nước là 75.600 ha, đạt sản lượng 736.100 tấn/năm; trong đó, ĐBSCL có 39.200 ha với tổng sản lượng 495.900 tấn/năm. Hầu hết sản lượng cam sành ở ĐBSCL tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, 5 tháng đầu năm 2016, cả nước nhập khẩu cam trị giá 6,84 triệu USD và quýt là 3,14 triệu USD, so cùng kỳ năm 2015 nhập khẩu cam tăng 60,5% và nhập khẩu quýt tăng 10%. Điều này cho thấy chất lượng cam ở nước ta vẫn chưa đạt theo yêu cầu xuất khẩu.

Qua kết quả điều tra của ngành chức năng cho thấy gần 86% diện tích trồng cam trên đất ruộng, còn lại là đất vườn. Lợi nhuận trung bình mà nông dân thu được khi trồng cam trên nền đất ruộng cao hơn 1,5 lần so với trồng cam trên đất vườn, bởi vì mật độ trồng rất dày lên đến 5.000 cây/ha, thậm chí có trường hợp trồng 7.000 – 8.000 cây/ha. Theo ông Huỳnh Văn Sang (ở xã Vĩnh Xuân, H.Trà Ôn), 1 công đất ruộng đầu tư tiền thuê đất, lên liếp và cây giống (khoảng 500 cây/công) tốn khoảng 50 triệu đồng và sẽ thu hồi vốn ở vụ thu hoạch đầu tiên.
Vụ thứ 2, nếu cam đạt năng suất 8 tấn/công, bán giá 30.000 đồng/kg sẽ thu về trên 200 triệu đồng và lời chắc 150 triệu đồng/công. “Bây giờ, sâu bệnh tấn công rất nhanh, nếu trồng cam thưa theo kiểu truyền thống từ 4 – 5 năm mới thu hoạch sẽ thiệt hại rất nặng. Để tránh tình trạng này, nhà vườn trồng cam theo kiểu “mì ăn liền” sẽ ăn chắc hơn, sâu hại chưa kịp tấn công thì đã thu lợi”, ông Sang khẳng định.
Một lãnh đạo xã Hiếu Nghĩa (H.Vũng Liêm) thừa nhận nông dân trồng cam trên đất ruộng ở địa phương khoảng 4 năm nay đều đạt hiệu quả cao, nhiều hộ thu tiền tỉ với chỉ có vài công đất ruộng. Tuy trồng mật độ dày nhưng chưa thấy dịch hại gì. Hiện toàn xã có trên 350 ha cam trồng theo kiểu này và vẫn đang được nông dân phát triển thêm diện tích.
Phun thuốc 45 lần/vụ
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, nông dân trồng cam phải sử dụng thuốc bảo vệ rất nhiều, tổng số lần phun gồm thuốc cỏ, trừ sâu, nhện, bệnh và thuốc xử lý ra hoa cho cây cam ít nhất là 1 lần và cao nhất là 5 lần/tháng. Một vụ cam từ thời điểm bắt đầu xử lý ra hoa đến khi thu hoạch (khoảng 8 tháng), tổng số lần phun thuốc trong một vụ cao nhất là 45 lần, thấp nhất là 11 lần, trung bình 25 lần/vụ.
Theo cơ quan chức năng, tuy tốc độ tăng diện tích đất trồng cam rất nhanh nhưng chất lượng cây giống không được nông dân chú ý nhiều. Thực tế cho thấy có trên 50% hộ nông dân đã chọn mua cây cam giống do các hộ nông dân khác sản xuất. Trong khi đó, số lượng cây cam được cung cấp từ các cơ sở chuyên sản xuất kinh doanh giống chỉ chiếm 12%. Đặc biệt, số lượng cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ chiếm 36%.
Theo PGS-TS Trần Văn Hâu, Trường ĐH Cần Thơ, ĐBSCL hiện có 29.531 ha trồng cam, đạt sản lượng 356.936 tấn/năm, chiếm 54,8% về diện tích và 67% về sản lượng của cả nước. Nhiều nhà vườn sản xuất theo kiểu “cam sành rau” hay còn gọi là “rẫy cam” do những người thuê đất trồng với mục đích ăn mau, lấy vốn lẹ nên trồng với mật độ quá dày. Thường họ chỉ thuê đất trong vòng 5 năm và sau 2 năm trồng cho thu hoạch, chính điều này sẽ làm cây mau suy, dịch bệnh hoành hành và sử dụng nhiều thuốc hóa học gây tồn dư trong đất, ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, việc trồng dày thường xảy ra bệnh nên phải đốn bỏ sau 3 – 4 năm, sau khi đốn bỏ trồng lại thường gặp thất bại liên tiếp. Giải pháp trồng cam bền vững là phải sử dụng giống sạch bệnh, thiết kế vườn đạt tiêu chuẩn, trồng cây che mát, chắn gió, cây trồng xen và sử dụng phân hữu cơ…
Còn thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết việc trồng cam trên đất ruộng với mật độ dày giúp nhà vườn có thu nhập khá cao nhưng các địa phương nên phát triển đúng quy hoạch và theo hướng bền vững.
Thanh Đức/TNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)