Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ồ ạt xuất lậu khoáng sản

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 21.3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2011, triển khai kế hoạch 2012.

Cấm vẫn xuất

Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) cho biết: Trong năm 2011, toàn quốc nổi lên hiện tượng khai thác, chế biến và xuất lậu các loại quặng diễn ra rất phổ biến. Điều này có nguyên nhân không nhỏ từ cấp phép tràn lan trong khai thác quặng, khoáng sản núp bóng khai thác tận thu tại các địa phương, dẫn đến thả nổi mất kiểm soát. Các DN khi được cấp phép đều không đầu tư công nghệ để chế biến sâu, mà tìm mọi cách XK thô với thủ đoạn là câu kết với khách hàng để tuồn khoáng sản thô sang Trung Quốc. Thủ đoạn phổ biến của loại tội phạm này là DN chế biến móc nối với DN vận tải nội địa xuất hóa đơn vận chuyển hàng ra Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… nhưng thực chất là vận chuyển sang Trung Quốc. Sau một thời gian dài tạm lắng, tình trạng XK than lậu qua cửa khẩu Vạn Gia (Quảng Ninh) lại trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 3 đầu cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ảnh: báo Công Thương
Ông Nguyễn Sinh Xô – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cũng cho biết: Gần đây nổi lên cả hiện tượng XK titan ở khu vực miền Trung trở vào thuộc địa bàn các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bà Rịa – Vũng Tàu cũng hết sức nhức nhối. Đặc biệt là khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận – nơi có các mỏ titan giàu quặng và chất lượng tốt, cũng bị nhiều đối tượng không có giấy phép hoạt động XK lậu. Do nhu cầu tiêu thụ khoáng sản của Trung Quốc rất cao, nên khi Trung Quốc tăng giá mua than, quặng titan thì các DN VN ào ào xuất sang. Có thời điểm, Trung Quốc hạ giá mua than thì hoạt động xuất lậu lại chùng xuống. Dù Chính phủ đã chủ trương cấm XK quặng thô để chế biến sâu, nhưng nạn buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Đó là chưa kể thời gian qua các đối tượng buôn lậu còn không từ thủ đoạn nào để làm nhụt ý chí của các cơ quan chức năng, thậm chí khi bị phát hiện thì chống đối quyết liệt, manh động.
Hàng tạm nhập tái xuất cũng hoành hành
Đại diện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) nêu thực trạng phổ biến thời gian gần đây là lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, các đối tượng buôn lậu đã không bỏ lỡ cơ hội để thẩm thấu lượng hàng này vào nội địa. Điển hình là Tổng cục Hải quan chỉ trong thời gian ngắn đã xử lý 300 container hàng tạm nhập tái xuất, buộc tái xuất về nước XK hoặc chuyển đi nước thứ 3. Gần đây nhất, đầu tháng 11.2011, Hải quan Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ vụ 19 container khai là vận chuyển bột mì, bột khoai tây, nhưng thực chất là đường tinh luyện do Hàn Quốc sản xuất, trị giá 8 tỉ đồng. Hay vụ Hải quan Móng Cái phát hiện hơn 1.000kg ngà voi buôn lậu, với trị giá lô hàng hơn 30 tỉ đồng… Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, khó khăn nhất hiện nay về hàng tạm nhập tái xuất hiện chưa có quy định pháp luật ràng buộc trách nhiệm của đơn vị vận chuyển là các hãng tàu, đại lý vận tải đối với việc khắc phục hậu quả. Đến khi hàng bị xử lý thì hầu như không ai chịu trách nhiệm như trường hợp các container rác thải phế liệu được nhập về VN, hay kể cả các lô hàng động vật quý hiếm, ngà voi… chủ hàng cũng… vô thừa nhận.
Theo Ban chỉ đạo 127 T.Ư, 3 lĩnh vực thường xuyên bị các đối tượng lợi dụng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi là gồm các mặt hàng: Xăng dầu, gia súc, gia cầm; ma túy, ngoại tệ, vàng, rượu, thuốc lá… Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong năm nay, lực lượng biên phòng sẽ tập trung 4 chuyên đề chống buôn lậu bức xúc hiện nay là buôn lậu xăng dầu, than – khoáng sản, tạm nhập tái xuất, buôn lậu gỗ qua biên giới Việt – Lào. Với mỗi chuyên đề đều có sự phối hợp với hải quan, biên phòng 2 tuyến biên giới VN và các nước bạn để xử lý tận gốc nguy cơ nhập hàng lậu.
Hồng Quân
Theo Lao Động

Bình luận (0)