Đủ loại rác ngập ngụa mặt kênh, vừa mất mỹ quan đô thị vừa là tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết, dịch tả, đe dọa đến tính mạng của người dân (ảnh chụp tại kênh Lò Gốm) |
Những con kênh đen ngòm, ngập rác và chất thải công nghiệp độc hại chính là “ổ bệnh” tiềm ẩn sự đe dọa đến sức khỏe của rất nhiều người.
Những “ổ bệnh” tiềm ẩn
Có thể nói, hiện nay, kênh Lò Gốm (quận 6) là mầm bệnh thật sự đối với người dân ở đây. Nước kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối, nồng nặc. Cả trăm loại rác nổi lềnh bềnh, kết thành bè ngập cả mặt kênh. Ruồi nhặng, ấu trùng, lăng quăng bám đầy mặt kênh đen kịt. Đến con kênh “chết” này vào một buổi trưa nắng gắt cuối tháng 4-2010 mới thấy hết tình trạng ô nhiễm kinh khủng của nó, cũng như nỗi khổ mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Nhà dân nằm san sát hai bên bờ kênh. Chẳng những không ý thức bảo vệ môi trường, người dân ở đây còn thoải mái xả rác, phóng uế xuống kênh. Bao nhiêu rác, từ rác thải sinh hoạt cho đến rác công nghiệp (nhớt xe, lốp cao su…) đều bị người dân tuồn xuống kênh một cách vô tội vạ. Rác đọng lại, phân hủy, bốc mùi tanh hôi không chịu nổi. Một người dân lớn tuổi tại phường 5, quận 6 nói: “Người dân mạnh ai nấy đổ rác xuống kênh gây hôi thối, dơ bẩn. Chính họ cũng phải gánh chịu hậu quả do những hành vi của mình gây ra khi tình trạng kênh Lò Gốm ngày càng mất vệ sinh, ô nhiễm trầm trọng. Nếu để tình trạng này kéo dài thì cư dân sống ở hai bờ kênh này làm sao tránh khỏi bệnh?”.
Ở TP.HCM có một con kênh “chết” khác cũng “nổi tiếng” không kém, đó là kênh Nước Đen (quận Bình Tân). Cũng như kênh Lò Gốm, nước kênh này cũng đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Đặc biệt là đoạn kênh chạy qua phường Bình Hưng Hòa A, có thời điểm rác tràn ngập, che kín mặt kênh, vừa mất vệ sinh vừa mất mỹ quan đô thị. Đoạn đường Tân Kỳ – Tân Quý băng qua kênh Nước Đen này là điểm tập kết hàng chục quán ăn, quán nhậu. Hằng đêm, người bán và cả khách “vô tư” xả rác xuống kênh. Đã nhiều lần ghé qua khu này, nhưng chúng tôi không hề thấy lực lượng chức năng xử phạt hay có biện pháp buộc những người xả rác, phóng uế và người bán hàng quán ở đây dọn dẹp vệ sinh nơi họ kinh doanh. Một điểm đáng chú ý khác, trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa, có hàng trăm cơ sở dệt may, nhuộm vải, tái chế phế liệu… xả thẳng nước thải rất độc hại, phế phẩm xuống kênh, khiến nước kênh ô nhiễm nặng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân nơi đây. Nếu như rác gây mất mỹ quan đô thị, là mầm mống cho bệnh sốt xuất huyết, dịch tả… thì nước thải công nghiệp từ các cơ sở, xưởng dệt may, nhuộm… có thể là thủ phạm gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho nhiều người.
Tương tự, kênh Suối Cái (quận Thủ Đức) cũng là “điểm chết” về môi trường. Đoạn kênh ngang qua khu phố 1, phường Linh Trung bị nước thải công nghiệp bủa vây. Dưới cầu Suối Cái (gần Công ty Dệt may Việt Thắng và Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức), nước thải công nghiệp nổi bọt trắng xóa như bọt xà phòng và bốc mùi tanh hôi. Tuy vậy, nhiều hộ dân ở đây vẫn dùng nước giếng khoan có nguy cơ ô nhiễm rất nặng để sinh hoạt.
“Đối xử” tệ với môi trường!
Ý thức người dân trong việc giữ gìn môi trường là điều đáng báo động. Thỉnh thoảng kênh Nhiêu Lộc cũng được nạo vét, vớt rác nhưng ngay sau đó lại bị “rác tặc” tấn công. Đủ loại rác, từ túi ni lông, hộp xốp cho đến giấy vụn, vỏ trái cây, xác động vật… đều bị người dân quẳng xuống kênh. Dọc hai bờ kênh có nhiều quán nhậu, vào buổi tối, mấy “đệ tử lưu linh” vô tư “trút bầu tâm sự” xuống kênh. Kênh Nhiêu Lộc ngày càng nhiều rác thải, môi trường vì thế cũng ô nhiễm nặng. Tình trạng này cũng lặp lại ở kênh Nước Đen. Dù trụ sở UBND phường Bình Hưng Hòa rất gần kênh này, nhưng chỉ vài ngày sau khi có đợt ra quân vớt rác, làm sạch kênh, tình trạng xả rác, phóng uế, thải nước thải công nghiệp… thì đâu lại vào đấy. Thỉnh thoảng hoặc khi báo chí thông tin, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mới vào cuộc vớt rác, làm vệ sinh kênh rạch nhưng lại “lãng quên” ngay sau khi chiến dịch kết thúc. Người dân mạnh ai nấy đổ rác, chẳng thèm quan tâm đến môi trường sống của mình. Các công trình xử lý nước thải vẫn ì ạch. Phải chăng, đợi đến lúc các con kênh đen này “chết” rồi thì các công trình kia mới chịu đưa vào hoạt động một cách hiệu quả?
Bài, ảnh: Công Việt
Bình luận (0)