Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ở chòi, học bài bằng đèn pin

Tạp Chí Giáo Dục

Hai chị em Hờ Nga và Hờ Mí đang sống trong chòi trên rẫy

“Mấy rày nó bảo sẽ nghỉ học để quần áo cho con Hờ Mí mặc. Hai chị em có hai bộ đồng phục cũ người ta cho, thay nhau mặc đi học. Tui năn nỉ nó đi học, tui dốt không biết chữ nên giờ hận lắm, chỉ muốn con biết chữ chứ đừng như mình”.

Em là Hờ Nga, học sinh lớp 7A Trường THCS – THPT Võ Văn Kiệt (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), nhà ở thôn Suối Biểu – thôn nhỏ, phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống. Nhà Hờ Nga có bốn chị em, em là chị cả. Đứng trước ngôi nhà ọp ẹp, xiêu vẹo, tôi sững sờ chưa kịp hỏi thì em rớm nước mắt nói lí nhí: “Nó vẹo từ ba năm trước, sợ sập đè nên cả nhà em đâu có dám ở nữa!”. Tôi hỏi lại: “Vậy hiện giờ cả nhà em ở đâu?”. Em đưa tay chỉ lên núi: “Cả nhà vô cái chòi trong rẫy ở!”.

Nhìn cảnh sống cơ cực của em và gia đình, xót lòng, tôi buột miệng: “Nếu cho hai em một điều ước, hai em sẽ ước gì?”. Cả hai em đều dõng dạc nói: “Đi học thôi cô, không ước gì!”.

Phía trước gian nhà sắp sập là con suối nhỏ và con đường lên núi, tôi quyết định gửi xe vô nhà dân, xăn quần cùng Hờ Nga lên rẫy, phải lội sình tới nửa ống chân, đi như thế khoảng 3km mới tới nơi. Tôi không tin vào mắt mình, không tin đây là nơi có sáu con người đang sinh sống. Đó là một căn lều che nắng chứ không thể che gió che mưa. Bốn phía trống trơn. Nồi niêu, chén bát bỏ ngổn ngang trên miếng gỗ cũ. Một chiếc giường gồm mấy miếng ván mỏng ghép lại với chiếc mền mỏng tang là chỗ ngủ cho năm mẹ con. Chỉ vào miếng gỗ riêng bên cạnh, Hờ Nga nói đây là chỗ ngủ của bố. Gió chiều lạnh buốt, nhìn cảnh sống cơ cực của cô học trò nhỏ, tôi ứa nước mắt.

Vừa lúc đó, tôi thấy một phụ nữ trẻ tuổi gầy gò, bụng to sắp đẻ đang khệ nệ kéo buồng chuối nhỏ vô lều. Biết chị là mẹ Hờ Nga, tôi trình bày việc cháu đi bộ, vừa đi vừa khóc thì chị Lành – mẹ Hờ Nga – bảo: “Bà ngoại nó đi bán vé số ở Phan Thiết, xin người ta được chiếc xe đạp cũ cho đi học. Giờ chiếc xe hư, đi sửa cũng không được. Nó phải theo xe bạn đi học, có hôm theo được có hôm không. Còn quần áo thì mấy chị em chỉ mặc đồ cũ của bà con xung quanh cho. Xưa giờ toàn mang dép lê to đùng đi học, hôm nào lễ nghĩa quan trọng thì chị em nó mượn giày mà mang”.

Tôi hỏi thăm về sinh hoạt ở nhà của Hờ Nga, chị Lành nói: “Đi học thì thôi, về nhà là nó toay toáy làm như người lớn. Ba nó đi núi suốt, tui thì sắp đẻ nên việc nhà hầu như chỉ nó làm. Chăm chỉ học lắm, trên lều có cây pin (đèn đội trên đầu dùng để đi bắt ếch ban đêm), chiều ăn cơm xong thì hai chị em treo cây pin lên rồi học bài. Để có ánh sáng học, mỗi ngày hai chị em đều cầm pin xuống nhà người dân sạc ké. Thấy hai đứa chăm nên người xung quanh họ thương, nhưng ai cũng khổ hết thế là có gì họ cho nấy”. (Em gái Hờ Nga là Hờ Mí đang học lớp 5B Trường Tiểu học Sơn Giang). Đang nói bỗng chị dừng lại, lấy tay quẹt nước mắt rồi nói tiếp: “Nhà nghèo, muốn lo cho các con cũng không lo nổi, vợ chồng làm chỉ đủ cơm ăn, thịt cá không có, thì mơ gì đến đầy đủ sách vở áo quần cho con. Ban đêm nhìn con chong cây pin cặm cụi học, thiệt đứt ruột đứt gan”.

Vừa lúc ấy thì Hờ Mí từ ngoài rẫy chui vô uống nước. Tôi hỏi nãy giờ em làm gì ngoài rẫy, đưa tay lau mồ hôi, Hờ Mí thưa: “Dạ, em đi mót mì”. Người mướt mồ hôi nhưng em vẫn nhoẻn miệng cười bảo: “Bình quân mỗi buổi em mót được một bao mì, nếu là hai chị em cùng mót thì có khi hơn”.

Nhìn cảnh sống cơ cực của em và gia đình, xót lòng, tôi buột miệng: “Nếu cho hai em một điều ước, hai em sẽ ước gì?”. Cả hai em đều dõng dạc nói: “Đi học thôi cô, không ước gì!”.

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS – THPT 
Võ Văn Kiệt, Phú Yên)

Bình luận (0)