Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Ở Đà Lạt mà nhớ… Đà Lạt

Tạp Chí Giáo Dục

Chim đỗ quyên hót/ ở Kinh đô/ mà nhớ Kinh đô” – một bài haiku trong vắt như tiếng chim vút lên bầu trời, những câu thơ hoài niệm về một Tokyo lắng sâu trong ký ức – của Matsuo Basho cách nay hơn 300 năm bỗng gieo vào tim tôi nỗi bâng khuâng. Tôi đang ở Đà Lạt, mà sao nhớ Đà Lạt đến thế…

Đà Lạt ngày xưa…

Bên đồi thông - Ảnh: TTOTừ tháng 6-2007 đến nay, tôi lên thành phố này bốn lần: phiêu linh nhân Ngày nhà báo Việt Nam (mùa hè), lãng du cùng bạn bè – “những con chim trốn tuyết” từ Canada về với festival hoa Đà Lạt (cuối đông), đi trong đoàn tham quan của học viên cao học văn hóa văn nghệ K.13 (đầu xuân) và bây giờ là mùa thu! Mùa nào cũng thừa nhộn nhịp!

“Đà Lạt sẽ là đô thị loại 1” (khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân); “Tầm nhìn quy hoạch phát triển TP Đà Lạt hướng đến đô thị hiện đại và có bản sắc” (tên cuộc hội thảo vừa tổ chức tại TP Đà Lạt ngày 27-8-2008)… Những từ ngữ ấy chỉ gợi cho tôi nỗi lo về diện mạo tương lai của một trong những thành phố đẹp nhất châu Á. Cái đẹp rất “bản sắc” hơn 100 năm qua đang bị tàn phá chẳng phải do thời gian khắc nghiệt mà do suy nghĩ “hiện đại” theo nghĩa thực dụng, “ăn xổi ở thì” của con người!

Đà Lạt ngày xưa nhắm mắt lại cũng nghe tiếng thông reo, tiếng chuông nhà thờ thanh thoát, tiếng chuông chùa trầm ngâm – một thành phố ở trong rừng! Mùa hè, nhiệt độ Đà Lạt lúc mặt trời đứng bóng chỉ khoảng 18oC, suốt ngày từ rét đến se lạnh khiến con gái miền Tây Nam bộ da ngăm nắng gió phù sa mà mấy ngày lên đây đôi má cũng đỏ hây hây.

Đà Lạt ngày xưa có những con đường nhỏ màu đất đỏ bazan dẫn vào các biệt thự và nhà dân lẫn trong rừng thông, ven đường mọc rất nhiều hoa hồng, hoa lyz, hoa sim, hoa cúc… Chúng tôi chỉ đi một nhoáng là trở về khách sạn với những bó hoa hoang dại, mặt đứa nào cũng ngây ngất hạnh phúc!

Đà Lạt ngày xưa có nhiều nơi – đồi Cù, thung lũng Tình Yêu; rừng thông quanh hồ Than Thở… và nhiều, nhiều nữa – để trẻ em, nam nữ thanh niên dựng lều, thả sức cười nói, hát vang, đùa giỡn mà không sợ bị ai rầy rà, không ngại làm phiền sự yên tĩnh cần được tôn trọng của người khác vì những âm thanh vui tươi ấy đều trở nên nhỏ nhoi, lẫn trong thông reo, hòa trong gió và thiên nhiên bao la của Đà Lạt.

Đà Lạt ngày xưa rất “chung” vì thiên nhiên tươi đẹp là tài sản của tất cả mọi người. Đà Lạt ngày xưa rất “riêng” vì khi được hòa với thiên nhiên thì cũng chính là lúc con người có những khoảnh khắc ngẫm ngợi, mơ mộng trong không gian trầm tư, man mác buồn. Cái đẹp Đà Lạt ngày xưa lạ lắm! Nó làm người đang yêu thêm khát khao chia sẻ nồng nàn và người chưa yêu chợt cười, chợt mắt rươm rướm như đang ôm… khối tình si!

Thà rằng “công chúa hãy ngủ đi…!”

Ngày xưa ấy nào có xa xôi, chỉ 15 năm về trước!

Đà Lạt bây giờ ít sương mù, thiếu cái lạnh se sắt, mất hẳn mùi hương cỏ hoa bảng lảng trong không gian. Hàng vạn cây thông đã bị đốn hạ để nhường chỗ cho khách sạn, nhà hàng, nhà ở… – “ tiền trảm” (chặt thông, chiếm đất), “hậu tấu” (hợp thức hóa) có; phá rừng thông, thu hẹp đất trồng hoa, rau để mở rộng đô thị theo quy hoạch, có!

Danh thắng đồi Cù từng đi vào tranh, ảnh, văn chương và ký ức của hàng triệu người đã bị cách ly hoàn toàn với tài sản thiên nhiên chung của Đà Lạt – của mọi người – để thành một sân golf cho một nhúm người giàu có. Tôi hết sức buồn khi đứng bên hồ Xuân Hương, đưa cho con gái tôi tấm ảnh và chỉ vào cái hàng rào kín bưng chạy hút tầm mắt và nói: “Trong kia là đồi Cù, còn đây là ảnh của mẹ chụp ở nơi đó, ngày xưa…”.

Danh thắng nào có thể “bán vé thu tiền” là người ta tận thu – điều này có thể cảm thông nếu đối xử với danh thắng như một di sản thiên nhiên – văn hóa đáng kính trọng. Hồ Than Thở thiếu nước nằm hấp hối giữa rừng thông lưa thưa. Thác Cam Ly đã “làm” được khá nhiều tiền sao vẫn bốc mùi hôi thối. Nơi đứng nhìn xuống thung lũng Tình Yêu ngày xưa bạt ngàn thông nắm tay nhau chạy xuống đáy thung giờ bị “xé nhỏ” thành những kiosque, những mảng bêtông hóa, những cụm hoa như mọi công viên…, còn “nhân vật chính” là thung lũng Tình Yêu” thì phơi đáy, trơ trọi, với dấu tích bị đào xới lấy quặng titan còn đó.

Du khách không có gì để nhìn ngắm vẻ đẹp thiên nhiên đúng nghĩa mà cứ chạy từ chỗ này sang chỗ kia để chụp hình, để lấy cho được chữ “Thung lũng Tình yêu” – những tấm hình mà có phóng “đại cỡ” cũng không thấy đâu thực là… thung lũng!

Trúc Lâm thiền viện vốn uy nghi với đường lên khúc khuỷu, du khách tạm gác lại thất tình lục dục dưới chân đồi để tìm đến chốn thanh cao nơi cửa Phật. Bây giờ đường nhựa chạy đến tận cổng, rồi cáp treo, du thuyền, các dịch vụ khác chào mời khách, đến nỗi vào tận Phật đường nghiêng ngả để chụp hình (!?). Thiền môn ngày nào cũng náo động. Thiếu Lâm Tự (Trung Quốc), Nhà thờ thánh Phêrô (Rome), khu lưu niệm L.Tolstoi… đón hàng chục triệu lượt khách/năm mà người đến người đi đều nhẹ nhàng trong tiếng chuông, tiếng cầu kinh thì thầm, tiếng lá xào xạc trên cây sồi đại thụ. Có đâu mà…

Đà Lạt sẽ “hiện đại” như thế nào? Chắc chắn sẽ đông dân hơn, nhiều công trình xây dựng có quy mô và đẳng cấp hơn, tốc độ đô thị hóa – thương mại hóa Đà Lạt sẽ tăng với tốc độ chóng mặt vì bảng lảng trong không gian thành phố cao nguyên này ngay bây giờ không phải là mùi cỏ hoa mà “mùi tiền”.

Giá bất động sản nhảy múa, ngày càng nhiều đại gia lăm le nhảy vào “hiện đại hóa” Đà Lạt… Và dù có “cơi nới” Đà Lạt về hướng nào, “sáp” vào Đà Lạt thêm huyện nào thì diện tích rừng, số làng rau, làng hoa cũng co rút lại! Nếu người ta đã bỏ ngoài tai công luận để “rào” cả một đồi Cù rộng lớn cạnh hồ Xuân Hương ngay trung tâm thành phố làm sân golf, từng cho nuôi cá tầm trên hồ Tuyền Lâm… thì việc xóa sổ một ít làng rau, làng hoa sinh lợi kém và không hiện đại cùng một ít rừng… có gì mà không thể!

Chợt nhớ ngày khôi phục sân ga Đà Lạt, một bài báo viết: “Đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng!”. Thà rằng công chúa cứ ngủ tiếp, “thức” kiểu này, buồn lắm!

Matsuo Basho ơi, ở Đà Lạt mà nhớ Đà Lạt!

Theo NGUYỄN THỊ KỲ – Sài Gòn Giải Phóng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)