Dù đã về hưu nhưng cô Hoàng Thị Thu Hiền (cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) vẫn tiếp tục lèo lái “con thuyền tri thức” đến với học sinh. Con thuyền ấy không đơn thuần chỉ là giảng dạy mà là “chở” sách đến mọi miền Tổ quốc qua dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học”.
Một số thành viên tham gia dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học”
“Trèo đèo, lội suối” trao sách
Là một giáo viên ngữ văn, hơn 35 năm công tác, cô Hiền luôn hoàn thành nhiệm vụ, đưa biết bao “chuyến đò tri thức” sang sông. Những “vị khách” ấy đều đã thành đạt, nên người, đóng góp rất nhiều cho xã hội. Khi đã hết tuổi đứng trên bục giảng, thay vì được an phận, tận hưởng cuộc sống an nhàn thì cô Hiền lại tự nguyện “tạo việc” cho mình bằng dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học”. Năm 2016, dự án chính thức ra đời chỉ một thành viên duy nhất là cô. Nhưng bằng bằng tấm lòng của mình, sức lan tỏa của dự án, cô đã có thêm nhiều đồng đội hỗ trợ.
Dự án không giới hạn phạm vi hoạt động, bất cứ ở đâu có học sinh nghèo, khó khăn, không đủ sách để đọc là cô Hiền và đồng đội đều tìm đến. Có những chuyến vượt hàng ngàn cây số, đi bằng đủ các phương tiện: máy bay, ô tô, xe máy và cả đi bộ ba, bốn cây số đường núi mới tới nhưng các thành viên đều hết mình. “Chúng tôi đã đến Lũng Cú – Hà Giang cực bắc của Tổ quốc, ra tận đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi rồi đến Mũi Điện Vạn Ninh – Khánh Hòa – nơi đón nhận ánh bình minh đầu tiên ở đất liền của đất nước. Và đã vào tận đất mũi Cà Mau – nơi bãi bồi phù sa của cực Nam thân thương để mang những cuốn sách của muôn vạn tấm lòng đến với học sinh và thầy cô nơi ấy”, cô Hiền cho biết.
Để thực hiện dự án, có những nơi cô Hiền và đồng đội phải rời nhà từ lúc 3 giờ sáng, khi trở về đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm. Chợp mắt được một chút, sáng hôm sau mọi người vẫn phải đi làm bình thường như bao người khác để mưu sinh. “Chúng tôi từng đi xuyên đêm đường rừng hàng trăm cây số vắng tanh không bóng người, không ánh điện, không có xóm thôn làng bản. Đến vùng núi xa xôi hẻo lánh, nơi ấy lại không có nhà nghỉ, vắng nhà dân. Muốn tìm chỗ ăn cũng không có quán xá, phải xin thầy cô ngủ nhờ phòng nội trú ở trường. Có những chuyến đi, tôi và đồng đội phải sợ hãi vì tưởng không thể trở về nhưng vẫn đi vì tương lai của các em nhỏ”, cô Hiền tâm sự.
Cô Hiền đang chia sẻ về lợi ích của sách cho học sinh tiểu học
Mỗi chuyến đi đối với cô Hiền cũng như đồng đội đều là một kỷ niệm. Cô nhớ nhất là chuyến đưa sách đến học sinh ở đảo Lý Sơn. Để đến được nơi, các thành viên phải đi bằng tàu vượt trùng dương trong ngày biển động. Cả đoàn ai cũng bị sóng vùi dập tơi tả. Lên bờ bước loạng choạng, có người đi không nổi, bước không vững phải nằm bẹp xuống đất. Nhưng sáng hôm sau lại say sưa hết mình với thầy cô và các em học sinh nơi đó. Hay chuyến đi tới mũi Cà Mau. Khi đến nơi, các thành viên đưa tay hốt nắm đất phù sa ở đất mũi mà mắt ngân ngấn lệ bởi quá đỗi thiêng liêng.
Gian nan, vất vả nhưng bản thân cô Hiền và đồng đội chưa bao giờ có ý định từ bỏ dự án. Với niềm yêu trẻ, “say sách”, họ đã quên đi sự mệt mỏi, quên đi công việc riêng, quên cả việc nhà để làm sao đưa sách đến học sinh ngày càng nhiều hơn. Niềm vui của học sinh khi được nhận sách, được đọc sách hay là niềm vui, niềm hạnh phúc từ mọi nẻo đường đất nước theo các thành viên dự án về trong mỗi chuyến đi.
Hàng trăm ngàn đầu sách đến học sinh
Sau 5 năm hoạt động, dự án đã mang sách tới 79 quận, huyện thuộc 27 tỉnh, thành trong cả nước. Tính theo số lượng đã lên tới 449.250 đầu sách và tạp chí cho học sinh ở 2.000 trường tiểu học.
Số lượng thành viên tham gia dự án cũng ngày càng nhiều, hiện tại đã có hơn 20 thành viên, trẻ nhất là 25 tuổi và người lớn nhất 70 tuổi. Điều đặc biệt, các thành viên đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Có cả nguyên hiệu trưởng, giáo viên trường chuyên, trường quốc tế, trường chuẩn quốc gia. Thậm chí còn có những giám đốc trẻ tài năng, có người tốt nghiệp trường đại học danh tiếng ở Mỹ, người làm trong ngành kiến trúc, ngân hàng, truyền thông, ngoại thương. Nhưng nhiều nhất vẫn là giáo viên.
“Chúng tôi đã đưa sách đến gần hết các huyện vùng biên của đất nước, dù xa dù sâu, dù khổ chúng tôi vẫn muốn góp sức mình. Đến những bản làng cheo leo heo hút không điện, không tivi, không internet, không có đường giao thông, nơi ấy chỉ có những học sinh nhỏ bé, thơ ngây với biết bao khát khao hoài bão”, cô Hiền bày tỏ. |
Trong hơn 5 năm qua, nếu đi đủ các chuyến thì số tiền mà một cá nhân phải tự bỏ ra lên đến cả 100 triệu để tự túc. Đó là sự xả thân vì khát vọng, vì hoài bảo. “Lúc mới thành lập, tôi nghĩ chắc mình đi được 5 chuyến là thành công lắm rồi. Nhưng đến thời điểm này dự án đã vượt quá sức mong đợi. Hiện tại, mỗi năm, dự án đi được hơn 15 chuyến”, cô Hiền cho biết.
Theo cô Hiền, trong tương lai các thành viên có suy nghĩ phát triển dự án lâu dài hơn. “Cụ thể, nếu như xin được tài trợ, các bản làng có nhà văn hóa có thể xây dựng thư viện cho nhà văn hóa đó. Vừa qua, tôi đã xin tài trợ lắp đèn năng lượng mặt trời cho nhà văn hóa ở xã An Khương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Bản này rất đặc biệt là không điện, không wifi, không đường, đi bằng thuyền mấy tiếng mới tới, sau đó đi đường rừng, một bản bị cô lập trên đỉnh núi, nên ngoài việc có sách cho học sinh thì dự án còn xây dựng bản, đưa đến đồng phục, áo ấm, sách vở, xe đạp, học bổng cho học sinh khó khăn”, cô Hiền chia sẻ.
Hồ Hậu Giang
Bình luận (0)