Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ở đâu có người Thầy, ở đó có sự sáng tạo…

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới phương pháp – điều tưởng đơn giản nhưng ngành giáo dục đã mất hàng chục năm để tìm “lối đi” đúng. Như nhận xét của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: “Đổi mới phương pháp dạy học có từ lâu nhưng chưa có mô hình hay phổ biến rộng rãi”.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhìn nhận ra rằng cũng như mọi đổi mới, sáng tạo luôn là yếu tố quyết định sự thành công. Đó cũng chính là lý do ra đời của cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” cấp THCS vào trung tuần tháng 11 vừa qua.

Nội dung cuộc thi là đề xuất các giải pháp có tính sáng tạo, khả thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cấp THCS. Thành công ở cấp THCS, các mô hình sẽ được nhân rộng trong cả hệ thống giáo dục.

Nhiệt huyết + Tài năng = Sáng tạo

Thế nào được gọi là đổi mới phương pháp dạy học? Theo thầy Nguyễn Việt Bắc – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn: “Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là thay đổi cách giảng dạy này bằng cách giảng dạy khác mà là sử dụng những phương pháp giảng dạy hiện tại như thế nào để tạo ra những giờ học hiệu quả”.

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà, giáo viên trường THCS Đống Đa thì “hiến kế”: “Sáng tạo trong giáo dục bắt đầu đơn giản từ việc mang đến cho học sinh nụ cười trong những giờ học khô khan. Sáng tạo trong giáo dục là trò chuyện với các em về lòng trắc ẩn sau những bài giảng về đạo đức. Sáng tạo trong giáo dục là làm sao để thầy cô trở thành người bạn của mỗi học sinh, để bài giảng kiến thức trở thành niềm vui khám phá”.

Một cách thật giản dị, cô giáo Trần Thị Thu Hiền, GV toán trường THCS Khắc Niệm (Bắc Ninh) 10 năm liền là giáo viên dạy giỏi cho rằng sáng tạo thì phải cho các em ý thức tự học, tự rèn. Cô cũng có hai phương pháp dạy khác nhau đối với học sinh giỏi và học sinh kém. Đối với học sinh giỏi, cô thường dạy các em cách giải ngắn gọn nhất, hay nhất, khai thác thêm nhiều phương pháp giải khác nhau. Đối với học sinh yếu kém, cô luôn gần gũi, hướng dẫn tỉ mẩn, tận tình.

Hay Th.S. Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, sống hết lòng, tất cả vì học sinh thân yêu. Vốn là giáo viên dạy Hoá, thầy tìm nhiều cách giải bài tập hoá khác nhau và tìm ra phương pháp “Công thức trung bình” từ năm 1977. Bắt đầu từ năm 1976, phương pháp “Công thức trung bình” được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, được coi là “một chìa khoá vàng” để HS bộc lộ, phát huy tài năng Hoá học…

Tạo cho mỗi quan hệ giữa cô và trò một sự gần gũi, tin tưởng chính là một trong những phương pháp giáo dục mà cô giáo Hoàng Thị Hoà (nguyên GV trường Tiểu học Kim Liên) đã áp dụng thành công. Mặt khác khi dù dạy môn nào cô cũng áp dụng phương pháp dạy từ dễ đến khó, phát huy tối đa sự chủ động, sáng tạo của HS trong giờ học. Cô Hoàng Thị Hoà quan niệm không có HS nào kém mà quan trọng là phải có phương pháp giáo dục đúng.

Thầy Hoàng Ngọc Cảnh, trường THPT Năng khiếu Hà Tĩnh sau mười mấy năm lăn lộn với công tác dạy học sinh giỏi đúc kết: “Người thầy phải tạo được niềm tin cho học sinh; Người thầy phải có lòng nhiệt tình, sự say mê sáng tạo và đức hi sinh”.
 

Sáng tạo trong giáo dục là làm sao để thầy cô trở thành người bạn của mỗi học sinh.

 
Học là chơi, chơi là học = Sáng tạo

Trong một buổi trò chuyện với các học sinh trường THCS Đống Đa, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm các thầy cô giáo ở đây “nín thở” khi ông khuyến khích các học sinh: Đã là học sinh là phải thích chơi chứ! Nhưng ngay sau đó, Phó Thủ tướng đã giải thích: Chơi là học, học cũng là chơi và sự sáng tạo cũng từ đó được hình thành. Vì thế, Bộ mới có chủ trương đưa các trò chơi dân gian vào trong nhà trường.

Ở “Lớp học 5 trong 1” tại trường tiểu học An Cựu (phường An Cựu, TP Huế) giúp các em học sinh nghèo ở các lớp học tình thương phấn chấn tinh thần trước mỗi buổi học và sẽ thấy bớt thiệt thòi về tinh thần hơn so với các bạn cùng trạng lứa, các thầy cô giáo ngoài việc dạy chữ, cứ cách vài hôm lại đến sớm hơn một chút, tổ chức những trò chơi, kể những câu chuyện vui hay tổ chức những buổi văn nghệ ngay tại sân trường.

Còn Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa Trần Thị Kim Liên đã thường xuyên tổ chức cho học sinh của mình những cuộc thi nấu ăn ngon, thi cắm hoa nghệ thuật, thi vẽ… để kèm theo thuyết trình để rèn luyện khả năng ngôn ngữ, rồi thi hùng biện, tiểu phẩm.

Một cách thật đặc biệt, thầy giáo Trần Tuấn Anh(Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TPHCM) đã làm cho nhiều học sinh của mình khóc vì cảm động trong những giờ học tưởng như khô khan nhất: Giờ học giáo dục công dân. Với óc sáng tạo cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn nội dung chương trình SGK với các giáo cụ trực quan sinh động, phương pháp dạy học của thầy Tuấn Anh hết sức sáng tạo, đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Ngoài việc sử dụng những hình ảnh rất đời thường minh hoạ cho tiết học của mình thầy còn sáng tạo ra hàng loạt phương pháp truyền đạt mới như cho các em đóng kịch (gọi điện thoại nói chuyện với nhau) khi giảng về nội dung lịch sự, tế nhị nơi công cộng, hay thầy cho HS xem những hình ảnh, kết hợp nghe những đoạn nhạc (như “bài quê em mùa nước lũ”, “lòng mẹ”) để giáo dục các em tinh thần tương thân tương ái, lối sống chan hoà, bao dung với mọi người.

"Không có HS nào kém mà quan trọng là phải có phương pháp giáo dục đúng".

Và muôn vàn cách để sáng tạo…

Thầy Nguyễn Đức Huy, GV Trung tâm GDTX Q4, TPHCM đưa chương trình giảng dạy môn Văn lên Internet. Thầy cho HS viết blog, soạn giáo án điện tử. HS được tổ chức thành những nhóm nhỏ hoạt độc một cách độc lập. Khi học sinh nhuần nhuyễn chương trình, các em tiếp tục học nâng cao lên như làm thơ văn, viết nhật kí và soạn giáo án điện tử. Thầy Huy đã tự mình mày mò nghiên cứu sách vở, chuẩn bị tư liệu, soạn giáo án và đưa vào phương pháp dạy học môn Văn bằng bản đồ tư duy.

Thầy giáo Thái Văn Toàn, trường THPT Thành Sen – TP Hà Hĩnh đã ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn Sinh học.

Thầy giáo Lê Thế Lữ (Trường THCS Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) với bộ lắp ghép hình học lớp 7, 8 và mô hình trục số động đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kĩ thuật lần thứ nhất của tỉnh Quảng Bình. Tại hội thi sáng tạo kĩ thuật lần thứ hai (2006-2007) với “Bảng nam châm và bộ lắp ghép dạy môn toán THCS” thầy Lữ đã đoạt giải ba…

Đâu đâu ở khắp mọi miền đất nước, gắn với hình ảnh của người thầy luôn là sự sáng tạo và nhiệt tình giảng dạy. Đúng như niềm tin và niềm tự hào của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Chúng ta đã thấy ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn những tấm gương thầy cô giáo tận tụy với nghề, miệt mài sáng tạo để việc dạy và học hiệu quả hơn, để các em học sinh nhanh chóng trưởng thành, trở thành công dân tốt của nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập với thế giới. Tương lai của dân tộc Việt Nam trong thể kỉ XXI là nằm ở khối óc và trái tim của các thầy cô giáo”.

Bài và ảnh: Lê Châu

Bình luận (0)