Trong hai ngày 16 và 17 – 8 (thứ bảy và chủ nhật), Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP, TTYTDP Q.Thủ Đức phối hợp cùng Viện Pasteur TP.HCM đã tổ chức phun thuốc xịt muỗi, diệt lăng quăng trong toàn quận. Đây là đợt 1 trong ba đợt Q.Thủ Đức ra quân khống chế dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh trên địa bàn.
Bệnh lan xuống từng tổ dân phố
Từ đầu năm đến nay, toàn Q.Thủ Đức có khoảng 700 ca SXH nhập viện, chiếm 11,5% so với số ca nhập viện của cả thành phố (6.112 ca). Q.Thủ Đức hiện đứng thứ hai, sau Q.8 về số ca SXH nhập viện.
Những ngày đầu tháng 8, Thủ Đức có 47 ca SXH, trong đó số ca bệnh ở P.Linh Trung và P.Linh Xuân chiếm 50%. Đây là hai điểm nóng về SXH của Q.Thủ Đức nói riêng và thành phố nói chung.
Một bác sĩ ở TTYTDP Q.Thủ Đức cho biết: “Từ đầu năm đến nay, TTYTDP quận đã tổ chức phun xịt 3 lần ở P.Linh Xuân nhưng chỉ sau 2 – 3 ngày phun là muỗi lại xuất hiện. Hiện nay ở Linh Xuân, Linh Trung hầu như tổ dân phố nào cũng có ca bệnh, thậm chí có tổ có tới 2 – 3 ca…”.
Giải thích về nguyên nhân bùng phát muỗi và SXH trên địa bàn P.Linh Xuân, P.Linh Trung, đại diện Phòng Y tế Q.Thủ Đức cho biết: “Đây là 2 phường tập trung nhiều công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần, Khu chế xuất Linh Trung, sinh viên ở làng đại học nên việc ăn ở và sinh hoạt không được đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra ở P.Linh Trung có nghĩa trang Thành phố với hàng ngàn chậu hoa không có lỗ thoát nước mưa nên khi mưa xuống, nước bị đọng lại tạo điều kiện cho muỗi phát sinh. Về vấn đề này, UBND quận đã chỉ đạo người dân dùng túi ni lông bịt kín các chậu hoa không để cho nước mưa ngấm vào…”.
Cũng như nhiều quận, huyện khác, Thủ Đức hiện đang tồn tại nhiều công trình xây dựng với những hố nước tồn đọng lâu ngày, cây cối và rác um tùm. Mặt khác, ở Thủ Đức còn có hàng ngàn ao trồng rau muống nước đèn sì cũng là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi…
Ngay sau buổi làm việc với Q.Thủ Đức về phòng chống SXH, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo TTYTDP TP, TTYTDP Q.Thủ Đức ra quân dập dịch. Theo đó, Thủ Đức sẽ phun xịt liên tiếp trong 3 đợt, đặc biệt là P.Linh Trung và P.Linh Xuân. Sở Y tế TP hỗ trợ toàn bộ thuốc chống dịch, Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ về kỹ thuật…
Ông Giang khẳng định: “Nếu các quận, huyện dập dịch đúng kỹ thuật, phù hợp với hoàn cảnh của từng địa bàn thì khả năng khống chế được dịch bệnh là rất cao. Đợt này, Sở Y tế sẽ hỗ trợ Thủ Đức dập tắt sự bùng phát của SXH…”.
Các trường vào cuộc ứng phó?
Trên địa bàn hai phường Linh Xuân và Linh Trung tập trung 14 trường từ mầm non (MN) đến THCS, trong đó có 7 trường MN dân lập, tư thục. Với cơ sở vật chất chật hẹp, trẻ đông, điều kiện vệ sinh yếu kém, những cơ sở MN ngoài công lập này có rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu như cơ sở nào cũng có một vài cháu bị SXH…
Còn các trường công lập như Trường MN Linh Xuân – KP.2, Trường Tiểu học Xuân Hiệp – KP.2, THCS Xuân Trường – KP.2, P.Linh Xuân; Trường Mẫu giáo Sen Hồng – KP.3, Tiểu học Hoàng Diệu – KP.3, TH Nguyễn Văn Triết – KP.2, THCS Linh Trung – KP.2, P.Linh Trung tuy chưa để xảy ra bất kỳ ca bệnh nào nhưng xung quanh trường là các… ổ dịch.
Bà Hoàng Phương Liên – Hiệu phó Trường MN Linh Xuân cho biết: “Hơn một năm nay, trong trường chưa có cháu nào bị SXH. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay ở các hộ dân trước cổng trường có rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em bị SXH. Mới tuần rồi cũng có 2 ca phải nhập viện…”.
Để đảm bảo cho học sinh được “miễn dịch” với SXH trong trường học, mới đây Phòng Giáo dục Q.Thủ Đức đã kiến nghị UBND quận chỉ đạo TTYTDP Q.Thủ Đức phun thuốc xịt muỗi tại khu vực trường học. “Trước ngày tựu trường, tất cả các trường sẽ được phun xịt từ bên ngoài vào bên trong. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục đã có văn bản chỉ đạo các trường phải tự tổng vệ sinh, diệt lăng quăng và phát quang cây cối…”, ông Nguyễn Trọng Cường – Trưởng phòng Giáo dục Q.Thủ Đức cho biết.
Về phía các trường, bà Nguyễn Thị Gái – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sen Hồng cho biết: “Từ nhiều năm nay, trường đã làm hợp đồng với Công ty trừ mối – muỗi phun thuốc diệt côn trùng định kỳ mỗi tháng. Hàng tuần đều tổng vệ sinh toàn trường như khai thông cống rãnh, phát quang cây cảnh, những vật dụng có thể chứa nước mưa như chén, hũ đều được thu gọn. Trong mỗi phòng học, buổi trưa cháu ngủ phải mắc mùng, trong giờ học đốt nhang muỗi tại các gầm bàn, kệ tủ, lối đi vào nhà vệ sinh”…
Hòa Triều
Bình luận (0)