Hội nhậpThế giới 24h

Ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ mất trí nhớ?

Tạp Chí Giáo Dục

Hít thở không khí ô nhiễm có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard.

Theo tường thuật của Bloomberg ngày 6.4, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard đã tiến hành phân tích 14 nghiên cứu trước đó. Kết quả cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với không khí chứa hàm lượng hạt mịn cao có liên quan đến chứng mất trí nhớ. Ngay cả khi mức trung bình năm của hàm lượng hạt mịn trong không khí thấp hơn tiêu chuẩn của Mỹ, mối liên hệ với chứng mất trí nhớ vẫn tồn tại.

Khoảng 57 triệu người trên toàn thế giới mắc chứng mất trí nhớ và hiện không có cách chữa trị cho bệnh nhân, kể cả những người mắc bệnh Alzheimer, căn bệnh ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu người chỉ riêng ở Mỹ. Ông Marc Weisskopf, giáo sư dịch tễ học và sinh lý học môi trường tại Harvard, người đã tham gia viết nghiên cứu được công bố hôm 5.4 trên tạp chí y khoa BMJ, cho biết dù hàm lượng hạt mịn trong không khí chỉ giảm ở mức 2 microgam/m3 hằng năm, nguy cơ bị sa sút trí tuệ ở người cũng sẽ thấp hơn.

"Theo những gì chúng tôi có thể nói cho đến nay, hàm lượng (hạt mịn) càng thấp thì rủi ro đối với bạn càng thấp", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Mặc dù các cá nhân có ít khả năng kiểm soát trong việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm như vậy, nhưng các cơ quan quản lý có nhiều tiếng nói hơn.

Vào tháng 1, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã đề xuất thay đổi tiêu chuẩn về hàm lượng hạt mịn trong không khí, còn gọi là PM2.5, trung bình năm từ mức 12 microgam/m3 hiện tại xuống mức 9-10 microgam/m3. Các quốc gia khác, như Anh, có tiêu chuẩn lỏng lẻo hơn. Nếu so sánh, hút một điếu thuốc mỗi ngày tương đương hít thở không khí có chỉ số PM2.5 ở mức 22 microgam/m3, theo các nhà khoa học của tổ chức phi lợi nhuận Berkeley Earth.

PM2.5 bao gồm các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron (1 micron = 1/1.000.000 mét), tức bằng khoảng 30% đường kính của một sợi tóc người. Kích thước siêu nhỏ như vậy cho phép chúng xâm nhập sâu vào phổi và thậm chí vào máu, theo EPA. Việc hít phải PM2.5 có liên hệ với một loạt bệnh tật, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và ung thư phổi, cũng như việc chết sớm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị rằng chỉ số PM2.5 trung bình năm nên ở mức dưới 5 microgam/m3, nhưng gần như toàn bộ dân số toàn cầu hít thở không khí vượt quá giới hạn đó. Giáo sư Weisskopf cho biết phạm vi tiếp xúc với ô nhiễm rộng làm cho hạt mịn trở thành một yếu tố nguy cơ liên quan đến chứng mất trí nhớ, mặc dù tác động ước tính của nó nhỏ hơn so với các yếu tố như hút thuốc.

Theo Lam Vũ/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)