Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Kẹt xe sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh: T.TrMới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố kết quả khảo sát nghiên cứu về môi trường đô thị: Hầu hết các loại khí độc hại như HC, CO, C02, S02, NOx trong môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Có những nơi mật độ giao thông cao, tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên thì mức độ ô nhiễm và các chất độc hại nêu trên tăng gấp hơn hai lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Khí thải xe gây hại sức khỏe cộng đồng

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí xuất phát từ hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp… nhưng nguyên nhân chính được các cơ quan chức năng xác định là do lượng khí thải phát ra từ xe môtô, xe gắn máy không kiểm soát được. Môi trường không khí bị ô nhiễm đã và đang gây hại đến sức khỏe con người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp và nhiều cơ quan nội tạng khác. Các nhà nghiên cứu đã tính toán và đưa ra con số về mức độ thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí, chủ yếu là do khí thải xe máy, ở TP.HCM là hơn 50 triệu USD/năm; còn ở Hà Nội là hơn 20 triệu USD/năm, chiếm từ 0,3 đến 0,6% GDP của thành phố. Con số này ngày càng tăng, vì lượng xe máy không ngừng tăng; bình quân mỗi năm tăng thêm 2 triệu xe, và lượng xe máy tập trung ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng chiếm 1/2 lượng xe của cả nước. Trước thực trạng lượng xe môtô, xe gắn máy ngày một tăng và trong một vài năm tới Việt Nam chưa có phương tiện hữu hiệu thay thế, nếu muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí thì cách tốt nhất là phải kiểm soát được việc phát thải của xe máy. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần giải quyết một số vấn đề xung quanh việc kiểm soát khí thải môtô xe máy như kiểm soát công nghệ sản xuất môtô, xe máy đạt tiêu chuẩn khí thải theo tiêu chuẩn EURO 2 – 4. Sử dụng nhiên liệu sạch (xăng không pha chì); khuyến khích phát triển loại xe sử dụng khí hóa lỏng LPG. Qui hoạch giao thông hợp lưu để giảm tắc nghẽn, giảm sự tăng đột biến các chất độc hại…

Phải kiểm soát được khí thải

Theo ông Michael Walsh thuộc Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) Hoa Kỳ, hiện tại các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan… cũng có nhiều xe môtô xe gắn máy như Việt Nam và họ đã thực hiện việc kiểm soát khí thải từ xe gắn máy theo những biện pháp sau: Kiểm soát công nghệ sản xuất môtô xe máy, áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2-4; sử dụng nhiên liệu sạch, có động thái kiên quyết tách các chất độc hại như chì (Việt Nam đã làm) lưu huỳnh… ra khỏi xăng; phải quy hoạch giao thông hợp lý giảm thiểu tắc nghẽn giao thông vì khi các phương tiện bị tắc nghẽn nồng độ khí thải độc hại tăng đột biến; có chế độ bảo dưỡng thích hợp với xe máy; có lộ trình loại bỏ xe máy cũ. Việt Nam có thuận lợi hơn các nước khác ở chỗ người dân chủ yếu sử dụng xe máy 4 thì là loại xe ít gây ô nhiễm môi trường hơn loại xe 2 thì mà nhiều nước sử dụng. Việt Nam cũng là nước đã loại bỏ hoàn toàn xăng pha chì mà dùng xăng không pha chì ít gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy các giải pháp chủ yếu chỉ tập trung giải quyết kiểm soát việc phát thải của môtô xe máy và chống ùn tắc.

Với hiện trạng ô nhiễm không khí từ khí thải xe gắn máy đang báo động tại Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng đề án với lộ trình phù hợp tại những đô thị trọng điểm. Cụ thể, sẽ thí điểm tại TP.HCM. Giai đoạn 2009 – 2012 sẽ chính thức thực hiện tại các thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Bước đầu, sẽ thực hiện với xe cũ trên 10 năm sử dụng, vì đây là những xe có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Sau đó, từng bước thực hiện kiểm soát đối với những xe mới hơn, trên 5 năm, rồi đến trên 2 năm sử dụng. Đối với xe dưới 2 năm sử dụng còn mới (trong thời hạn bảo hành, bảo dưỡng miễn phí của nhà sản xuất và đã được kiểm tra trước khi xuất xưởng hoặc nhập khẩu) thì không cần thực hiện kiểm soát. Sau năm 2012, sẽ áp dụng việc kiểm soát ra các tỉnh khác trên toàn quốc.

Ngoài kiểm tra khí thải còn tổ chức điều hành quản lý giao thông chống ùn tắc; nâng cao ý thức cộng đồng và ý thức bảo vệ môi trường sống chung của người dân để mọi người tự giác kiểm tra khí thải xe máy theo qui định. Lắp đặt bộ xử lý khí thải cho xe đang sử dụng; sử dụng các loại thuế phí môi trường như một công cụ điều tiết lượng xe máy; khuyến khích loại bỏ xe cũ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vì lượng xe quá lớn, đòi hỏi một lực lượng thiết bị và nhân lực lớn; thói quen sử dụng xe máy tự do của người dân khiến các nhà quản lý vẫn phải nghiên cứu cân nhắc.

Hà Anh

Bình luận (0)