Nguồn nước sinh hoạt của gần 4.000 hộ dân ở xã Pa Tầng (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đang bị đe dọa vì ý thức của một số người dân địa phương.
Bởi trong quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây sắn, thay vì tuân thủ các quy định về an toàn, những người này lại vứt bừa bãi, thậm chí súc rửa các lọ thuốc ngay đầu nguồn nước.
Suối Pa Ráp là nơi đầu nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân ở xã Pa Tầng. Suối chảy từ một ngọn đồi cao, xung quanh đồi là các rẫy sắn của người dân địa phương. Tuy nhiên cứ đến mùa vụ của sắn, con suối này trở thành một nỗi ám ảnh của người dân và chẳng ai dám dùng nước lấy từ con suối này để sinh hoạt, đặc biệt là dùng trong ăn uống.
Lý do, từ tháng 3 đến nay người dân địa phương thực hiện việc phun thuốc trừ cỏ hàng loạt cho các rẫy sắn. Ngoài việc thuốc thẩm thấu qua đất ra nguồn nước còn xảy ra nhiều tình trạng đáng lo. “Thay vì tập kết để xử lý, bà con lại vứt bừa bãi vỏ chai xuống suối. Có người còn súc rửa vỏ chai ngay tại suối”, thượng úy Hồ Ngọc Việt, Đội trưởng đội vũ trang Đồn biên phòng Pa Tầng cho hay.
Đáng nói, sự thiếu ý thức đơn giản nêu trên đã gây hậu quả không nhỏ. Trước mắt là biến hệ thống dẫn nước từ đầu nguồn suối Pa Ráp về trung tâm xã Pa Tầng trị giá gần 10 tỉ đồng trở nên… mất hầu hết giá trị.
“Giờ nước chảy về thì có đó nhưng nước nhiễm thuốc trừ sâu, không ai dám uống”, một người dân cảm thán. Do những nghi ngại nguồn nước bị ô nhiễm nên hiện nay Đồn biên phòng Pa Tầng và một số người dân có điều kiện ở Pa Tầng phải mua nước lọc đóng chai về để nấu ăn và uống. Theo tìm hiểu của PV, để tìm nguồn nước thay thế, lực lượng biên phòng từng khoan 3 mũi tìm giếng, có mũi sâu xuống 80m nhưng vẫn không có nước nên đành chấp nhận tiêu tốn khoảng 100.000 đồng/ngày để mua nước đóng chai sử dụng.
Ông Trần Văn Thu, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tỏ ra hết sức lo lắng với diễn biến ở xã Pa Tầng và cho rằng: “Chúng tôi là đơn vị chủ đầu tư cho hệ thống dẫn nước sạch. Nhận thấy tình hình đáng lo này, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương, mong muốn họ có phương án tuyên truyền với người dân, hạn chế việc phun thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm cho nguồn nước. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa khả quan”.
Còn ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND H.Hướng Hóa thì cho rằng hằng năm huyện đã tuyên truyền, tập huấn cho người dân cách sử dụng và loại thuốc bảo vệ thực vật nào được sử dụng. “Chúng tôi đã nói cho họ hiểu rằng việc đầu nguồn nước ô nhiễm thì họ là người chịu trận trực tiếp, song nhiều người vẫn còn thiếu ý thức”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, vẫn đề sâu xa ở đây nằm ở chỗ quy hoạch. Rằng, chính quyền địa phương không nên quy hoạch trồng sắn ở những vị trí đầu nguồn nước, sẽ gây ra những hệ lụy đáng tiếc như trên.
Nguyễn Phúc/ TNO
Bình luận (0)