Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ô nhiễm ở bến cảng nội địa

Tạp Chí Giáo Dục

Một bến neo đậu tàu bè trên sông Sài Gòn đầy rác

Theo nghiên cứu mới đây của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện tại các cảng đường thủy trên toàn quốc ngày càng có những tác động xấu và rất nghiêm trọng đến môi trường. Trong khi thực tế, công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các địa phương đang bị xem nhẹ. Điều đó, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và để lại những hậu quả lâu dài cho các hoạt động giao thông vận tải cũng như môi trường sống của cộng đồng.
Đáng báo động!
Hiện nay, cả nước có gần 7.000 cảng, bến thủy nội địa, nhưng chỉ có khoảng trên 100 cảng được chia thành 3 nhóm chính là cảng đầu mối, cảng chính của địa phương và nhóm cảng chuyên dùng. Những cảng đầu mối (như cảng Hà Nội, Việt Trì, Nam Định, Đáp Cầu, Thủ Đức…) thì đang gióng lên hồi chuông báo động về ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cảng, bến thủy đang tồn tại dưới nhiều dạng, nhưng phổ biến và đáng báo động nhất hiện nay là ô nhiễm do bụi, nước và rác thải.  Chủ yếu là bụi trên đường ra vào, các bãi tập kết hàng hóa và nội bộ cảng, trên phương tiện ra vào. Thêm một dạng ô nhiễm khác nữa là hàng hóa rơi vãi xuống sông trong quá trình bốc xếp, quá trình vệ sinh hầm hàng, nước mưa trôi xuống không qua hệ thống lọc. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu lại là than đá, quặng sắt, vật liệu xây dựng, hóa chất, bột giấy, clinke và một số hóa chất khác như lưu huỳnh, natri… cùng với các của chất thải của tàu thuyền như chất thải sinh hoạt, chất thải làm vệ sinh máy móc, nước dằn tàu có nhiễm dầu, giẻ lau máy.
Đánh giá chung từ nghiên cứu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, không khí tại các khu vực cảng có nồng độ bụi khá cao, nhất là thời điểm bốc xếp hàng rời và có xe ô tô hoạt động trên bến. Bụi đất và các chất bụi có chứa một số hóa chất độc hại khi gặp gió sẽ bốc lên, phát tán vào không khí, gây ô nhiễm nội bộ cảng và vùng xung quanh, đọng lại trên thảm thực vật, tích tụ lâu ngày theo nước mưa rơi xuống, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động và cư dân trong khu vực. Đối với nguồn nước khu vực cảng, hầu như 100% phương tiện xả trực tiếp nước sinh hoạt, nước vệ sinh tàu ra khu vực này nên ô nhiễm phổ biến nhất do các chất hữu cơ gây ra. Song song đó, cũng cần phải kể đến một lượng không nhỏ nước thải bị lẫn dầu mỡ tạo thành màng dầu hòa tan trong nước hoặc nước thải chứa hàm lượng cao các chất kẽm, đồng, măng-gan… Hiện tại, hàm lượng các chất độc hại như xianua, phênol, dầu mỡ, vi khuẩn… tại một số cảng chính đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Cùng với hai dạng trên, rác thải đang gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ khá nghiêm trọng tại khu vực cảng. Đây là loại gây ô nhiễm dễ thấy nhất: từ thực phẩm thừa, chất đựng thực phẩm (nilông, chai, lọ thủy tinh, giấy bìa), phế thải công nghiệp… Nguyên nhân của tình trạng trên, một phần do đây là “đầu mối” tiêu thụ chất thải của nhân viên, hành khách trên tàu, của nhà xưởng, kho bãi, đến chất thải trong quá trình bốc xếp.
Chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường
Qua khảo sát của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại các cảng đầu mối phía Bắc và một số cảng chuyên dùng phía Nam, từ đó Cục nhận định, công tác bảo vệ môi trường tại các cảng đều không được quan tâm. Đến nay, tất cả các cảng, kể cả cảng lớn nằm trong đô thị đều trong tình trạng “4 không”: không máy rửa xe trước khi ra khỏi cảng; không hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, giẻ lau dính dầu mỡ, dầu cặn; không hệ thống thu gom và xử lý, lắng lọc nước mưa; không có các trang thiết bị thu gom dầu tràn. Đáng nói, dù trong hồ sơ thiết kế dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp các cảng thời gian gần đây đều có phương án phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường tại cảng, nhưng khi xây dựng lại không có. Đến nay, công tác bảo vệ môi trường của hầu hết các cảng mới dừng lại ở hai việc chính là phun nước tưới mặt đường giao thông nội bộ và làm tường chắn một số bãi hàng rời. Vì thế mà thách thức trong sự phát triển của hệ thống cảng, bến và phương tiện thủy nội địa trong tương lai là xây dựng được các cảng, bến giải quyết tốt vấn đề môi trường. Nhằm giải quyết vấn đề này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang hoàn thiện đề án “Nghiên cứu xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải của cảng, bến và phương tiện thủy nội địa Việt Nam”.
Phương Vy

 

Bình luận (0)