Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ô nhiễm văn phòng và mức độ nguy hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Ô nhiễm trong môi trường văn phòng cũng nguy hiểm không kém môi trường bụi bặm bên ngoài… Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu bảo hộ lao động.

ThS Nguyễn Trinh Hương, Viện Nghiên cứu và bảo hộ lao động, cho biết: bệnh do ô nhiễm trong văn phòng, còn gọi là hội chứng bệnh nhà kín, khiến các viên chức xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, nặng đầu, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, khó tập trung.

Hội chứng nhà kín khiến nhiều người hễ đến văn phòng là mệt mỏi (Ảnh: Trung Kiên)

“Nhiều người hễ đến văn phòng là có cảm giác ngứa, nóng, và kích thích mắt, mũi bị ngạt hoặc chảy nước, da bị khô hoặc đỏ… mà không xác định được bệnh cụ thể hoặc nguyên nhân gây bệnh. Và phần lớn các triệu chứng đó mất đi hoặc giảm nhẹ khi rời khỏi không gian bị ô nhiễm đó”, ThS Hương cho biết.
Các loại vật liệu như nhựa, hồ dán, vải, lớp cách nhiệt, cách âm, trần, phin lọc, lớp trải sàn, chất tất rửa, sát trùng, sơn chính là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí văn phòng. Ngoài ra còn có các chất ô nhiễm phát sinh trong nhà từ các hoạt động của con người như hút thuốc, sử dụng máy in, máy tính, máy photocoppy, điều hòa nhiệt độ, đặc biệt là các loại nấm, mốc, vi khuẩn, vi trùng…từ thảm, nệm, vải ẩm ướt,
Theo ThS Hương, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn chất lượng cho môi trường trong văn phòng, nên một số nghiên cứu do Viện thực hiện vẫn dựa trên tiêu chuẩn của nước ngoài. Các nghiên cứu cho thấy môi truờng văn phòng kín, đặc biệt là không có hệ thống lọc bụi tốt gây ra những bệnh rất đặc thù.
Theo nghiên cứu sơ bộ của Viện này, ngay cả tòa nhà mới đưa vào sử dụng ở Việt Nam, trông thì sạch nhưng vẫn có nhiều loại vi sinh vật.
“Ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân hàng đầu gây hại sức khỏe, nguy hiểm không kém ô nhiễm không khí đô thị, ngộ độc hóa chất không chủ đích, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh thấp, bệnh truyền qua tác nhân trung gian”, ThS Hương cho biết.
Theo số liệu mới nhất của Cục Bảo vệ môi trường, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động gồm bụi, hơi khí độc, hóa chất, vi sinh, tiếng ồn, rung động, gánh nặng và tư thế lao động. Trong đó, nhóm yếu tố gây ô nhiễm môi trường không khí nơi làm việc, gồm bụi, hơi khí độc, hơi hóa chất, ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe.
Có tới 18 trong tổng số 25 bệnh nghề nghiệp đuợc bảo hiểm liên quan đến không khí. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, xét theo tỉ lệ tử vong giảm dần thì ô nhiễm không khí trong nhà là yếu tố hàng đầu. Trong môi trường lao động công nghiệp, ô nhiễm không khí chủ yếu từ bụi, các loại hơi khí độc và hóa chất, có khả năng thâm nhập vào đường hô hấp và gây nên các bệnh hô hấp, mắt, bệnh ngoài da…
Các ngành công nghiệp có môi trường lao động được đánh giá là ô nhiễm không khí nhiều nhất gồm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành cơ khí luyện kim, ngành sản xuất phân bón – hóa chất, khai thác than.

Trúc Quỳnh / Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)