Anh Trần Viết Hoàng khuyết tật ở chân do di chứng sốt bại liệt được ngồi “một cửa” tiếp khách |
Dù khiếm khuyết về thể chất do tai nạn hoặc di chứng bệnh tật nhưng họ lại là những công chức được quy hoạch cán bộ nguồn chỉ sau một thời gian làm việc.
Tại TP.HCM, Chi cục Thuế Q.1 là một trong những đơn vị duy trì tuyển dụng nhân viên là người khuyết tật thành công nhất, được các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước hưởng ứng, học tập.
Xóa tự ti mặc cảm
Từ năm 2005, Chi cục Thuế Q.1 tiến hành cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Để làm tốt công tác này, nhân sự nhập liệu hoặc viết phần mềm phục vụ dữ liệu đầu vào không thể thiếu. Từ thực tế tại đơn vị, UBND TP.HCM đã đồng thuận cho tuyển 10 nhân viên là người khuyết tật đáp ứng yêu cầu công việc.
Việc tuyển dụng người khuyết tật đã gặp không ít ý kiến trái chiều nhưng chỉ sau thời gian ngắn, hiệu quả công việc ngoài sự mong đợi. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.1 cho biết, bản thân người khuyết tật có ý chí vượt qua nghịch cảnh, toàn tâm toàn ý với công việc, ham học hỏi, cầu tiến. Từ thành công ban đầu đó, Chi cục mạnh dạn trình UBND quận, UBND thành phố xin thêm chỉ tiêu tuyển dụng. Tính đến ngày 31-8-2015, chi cục có tổng cộng 40 nhân viên khuyết tật làm việc ở các vị trí, chiếm khoảng 13% trên tổng số CB-CC tại đơn vị, trong đó có 19/40 nhân viên đã thi tuyển công chức”.
Bà Thủy thông tin thêm, chi cục tuyển dụng nhân viên từ các kênh: báo chí, Trung tâm Bảo trợ -Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật thành phố, giới thiệu của bạn bè hoặc thông qua chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật của Trường ĐH Văn Lang. Ban đầu, người dự tuyển chỉ cần có các chứng chỉ, bằng trung cấp các ngành kế toán, tin học. Về sau, do nhu cầu cần nhân sự đáp ứng đổi mới quản lý, viết phần mềm, chi cục tuyển dụng nhân viên là cử nhân kinh tế và cử nhân luật. Trong điều kiện tuyển dụng, không phân biệt hộ khẩu tỉnh hay thành phố, hồ sơ ứng viên có học lực khá giỏi sẽ được quan tâm hơn. Từ thành công của Chi cục Thuế Q.1, các đơn vị khác cũng học tập nhưng do vị trí công việc phù hợp với người khuyết tật còn hạn chế nên đạt kết quả chưa cao.
Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán kiểm toán (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) ở thời điểm ngành dự báo là “hot” nhưng anh Trần Viết Hoàng (sinh 1987, quê Lâm Đồng bị khiếm khuyết ở chân do di chứng sốt bại liệt) cũng phải lao đao tìm việc. Mất một thời gian khá dài vác đơn ngược xuôi nhưng đến đâu cũng chỉ nhận cái lắc đầu chỉ vì “hồ sơ không đủ điều kiện”. Hoàng được tuyển dụng vào Chi cục thuế từ tháng 9-2009 từ mẩu tin tuyển dụng trên báo và hiện là nhân viên Đội nghiệp vụ dự toán tuyên truyền hỗ trợ. Hoàng tâm sự: “Ban đầu không thích làm việc ở đơn vị nhà nước cho lắm nhưng từ lúc vào đây, suy nghĩ của mình đã thay đổi. Sự quan tâm, chia sẻ của anh chị em đồng nghiệp càng giúp mình yêu đời hơn, tự tin hơn. Ngồi “một cửa” tiếp khách là công việc yêu thích lại phù hợp với thể trạng của mình”. Được biết Hoàng cũng đã là công chức của ngành thuế và đang ôn thi chương trình cao học.
Từ nhân viên nhập dữ liệu, ngồi bàn giải thích hồ sơ, nhận công văn, hồ sơ ban đầu, “một cửa” hay viết phần mềm, người khuyết tật có năng lực, trình độ chuyên môn được đề bạt lên những vị trí cao hơn. Anh Lê Hùng Trung (sinh 1981, quê xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) là một ví dụ. Năm lên 10, Trung phụ ba việc vặt ở nhà máy xay xát nhưng không may bị dây cua-roa cuốn, tai nạn khiến Trung bị đứt lìa cánh tay trái. Dù cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau, bản thân Trung tật nguyền nhưng không cam chịu số phận. Anh đã hoàn thành chương trình Cử nhân kinh tế rồi Cử nhân luật và hiện theo học chương trình thạc sĩ Kinh tế (ĐH Kinh tế Luật-ĐH Quốc gia TP.HCM). Đầu tháng 11-2005, Trung vào làm việc ở chi cục với công việc chuyên môn là cập nhật số liệu vào hệ thống máy (xác minh hóa đơn bảng kê mua vào bán ra).
Cán bộ nguồn là người khuyết tật
Bà Thủy nói: Việc sử dụng lao động là người khuyết tật góp phần chia sẻ một phần khó khăn của người trong cuộc, xóa bỏ dần tự ti, mặc cảm ở không ít cá nhân. Thành công lớn của đơn vị là tạo môi trường làm việc thân thiện, xây dựng cộng đồng người khuyết tật trong đơn vị, qua đó giúp người khuyết tật thêm tự tin trong giao tiếp xã hội.
Ở phòng, đội nào của Chi cục Thuế Q.1 cũng có những chiếc nạng và nhân viên khuyết tật thế này |
Về công tác quy hoạch cán bộ, bà Thủy thông tin: Tất cả CB-CC của đơn vị đều được đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn theo lộ trình, không phân biệt khuyết tật hay bình thường, nếu họ thật sự có năng lực. Từ sự quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp, cấp trên và hơn hết là nỗ lực phấn đấu của bản thân, Trung vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và được bổ nhiệm làm Phó đội trưởng Đội Kê khai kế toán thuế chỉ sau một thời gian ngắn.
Ngoài quan tâm, hỗ trợ công tác chuyên môn, Chi cục Thuế Q.1 cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần, cuộc sống hôn nhân của nhân viên người khuyết tật. Từ môi trường này, nhiều bạn trẻ đã nên duyên vợ chồng và có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc mà bao người mơ ước. Không chỉ lập gia đình với người trong đơn vị mà còn lập gia đình với người bình thường bên ngoài. Phần lớn người khuyết tật tự ti trong chuyện lập gia đình nhưng từ hình ảnh thực tế, các bạn dần xóa bỏ mặc cảm là gánh nặng cho nhau sau khi về chung sống.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Chi cục Thuế Q.1 cũng áp dụng đúng quy định về thời gian làm việc của người khuyết tật (7 giờ/ ngày). Tuy nhiên, nhân viên ở một số tổ, đội công việc chuyên môn đặc thù phải làm 8 tiếng theo thỏa thuận và được hưởng thù lao làm thêm theo quy định. |
Bình luận (0)