|
Câu chuyện về những người thầy giáo vùng cao có lẽ sẽ không bao giờ có hồi kết. Bởi ở nơi đó, những con chữ được gieo không phải chỉ bằng bục giảng và viên phấn mà còn là cái tâm của người thầy, đôi khi nó còn là cả máu và nước mắt. Đã có lúc họ mong ngóng được về xuôi nhưng dường như vùng đất xa xôi với những đứa trẻ rất cần bàn tay nâng niu, dạy dỗ đã giữ họ lại. Họ có thể là những người đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” hay là những thầy cô giáo trẻ mới vào nghề.
“Các thầy năm chín”!
Cách đây vừa tròn 50 năm (1959), hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Bác Hồ, hơn 860 giáo viên trẻ đã xung phong lên đường xây dựng sự nghiệp giáo dục ở miền núi Tây Bắc. Các thế hệ GV sau này lên Tây Bắc, và những người Tây Bắc sau này đều trân trọng gọi: “Các thầy năm chín”.
Chúng tôi có may mắn được gặp và trò chuyện với 2 trong số những người thầy “năm chín” còn sinh sống ở Mộc Châu đã 50 năm qua, kể từ cái ngày vai ba lô lên đường theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ mà chưa một lần quay đầu lại hỏi: Cái thời hạn 3 năm, 5 năm là bao nhiêu… Đó là thầy Trần Bá Phương và thầy Vương Minh Hoàn, lúc đó đều là những hiệu trưởng trẻ đầy năng lực ở tỉnh Hải Dương. Lên Tây Bắc ngày ấy còn gọi là Khu Tự trị Thái – Mèo, vẫn chìm trong vòng vây của “giặc dốt”. Thầy Phương, thầy Hoàn cùng 22 thầy nữa được phân về 24 xã của huyện Mộc Châu, mỗi người phụ trách một xã. Nói “phụ trách một xã” có lẽ là cách nói đúng nhất lúc bấy giờ. Cả vùng không ai biết chữ, ngay cán bộ xã “một chữ cắn đôi” cũng không biết; công văn giấy tờ huyện gửi về cứ cất một góc, khi nào có việc ra huyện thì mang theo để nhờ cán bộ huyện… đọc hộ. Các thầy một mình phải làm từ A đến Z: Dạy phổ thông, dạy bổ túc văn hóa, lên cả nương rẫy để dạy. Rồi tất cả công việc hành chính của xã từ công văn giấy tờ, công tác thuế vụ, hợp tác xã hay ngay cả vai trò thầy thuốc… cũng giao hết cho thầy giáo.
Hỏi về ngày quay lại, các thầy cười hồn hậu, tâm sự: “Bước chân đi, trong đầu tôi khi ấy tuyệt nhiên không hề có ý nghĩ bao giờ thì mình trở về. Chỉ có canh cánh trong lòng lời dặn dò của Bác đối với anh em chúng tôi khi Bác đến thăm lớp bồi dưỡng dành cho đội ngũ tình nguyện trước lúc lên đường: “Đã xung phong thì xung phong cho đến nơi đến chốn”. Không xong nhiệm vụ thì xung phong cũng bằng không, phụ lòng trông đợi của Đảng, của Bác Hồ và niềm tin của nhân dân.
Và các thầy cô thời nay
Câu chuyện “các thầy năm chín” vẫn được các thầy cô giáo trẻ thế hệ ngày nay tiếp bước. Phải mất hơn 2 giờ đi bộ dọc theo một con suối tới điểm Trường Đầu Nậm Xá (Bun Tở – Mường Tè – Lai Châu), bản của tộc người La Hủ với 45 hộ, duy nhất còn lại ở Lai Châu, chúng tôi gặp các thầy cô đều rất trẻ. Đó là cô Nguyễn Thị Quỳnh, người Phú Thọ, cô Nông Thị Minh, người Lạng Sơn, cô Nguyễn Hồng Ninh, thầy Phan Thành Lưu… Các cô vẫn nhớ như in ngày đầu lên đây các cô đã khóc ròng. Phải vượt qua bao con đường đất gian nan, chân tay tứa máu vì luồn rừng, đến với lũ trẻ ngơ ngác trong những túp lều xiêu vẹo, hễ thấy người lạ là khóc. Thế nhưng, chính vì sự vất vả tới tận cùng ấy mà các cô cố gắng để mỗi ngày góp nhặt từng chút kiến thức tới cho các em. Cô Nông Thị Minh tâm sự, dù thiếu thốn trăm bề nhưng đã chọn theo sự nghiệp giáo dục nên dù đi đến đâu cũng là gieo cái chữ. Mỗi sớm mai, nhìn các em tới lớp, biết đọc, biết viết là cô lại chẳng thể đành lòng rời xa miền đất nơi cuối trời Tây Bắc này….
Ở Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), nơi thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước, tới vài tháng trong năm và cả thiếu nước ăn khiến cho đời sống của cả cô và trò cùng khổ. Ngay ở điểm trường chính Tả Phìn (Đồng Văn), giáo viên cũng phải chở nước từ thị trấn Đồng Văn về dùng, quần áo thay ra dồn lại, cuối tuần đưa về thị trấn giặt…
Cô Hoàng Thị Sửu có trên 10 năm ở Đồng Văn – Hà Giang. Trước khi về điểm trường chính ở Tả Phìn, cô đã qua ba điểm lẻ Phó Già, Sình Lùng, Nà Lủng. Các điểm trường hầu như đều có chung một đặc điểm: phòng học thường xiêu vẹo, nước không có, đường sá đi lại khó khăn, nhìn đâu cũng chỉ thấy đá. Để có nước dùng, cô đã phải địu nước từ hang về, hay hứng từ các khe đá. Có những buổi hứng nửa ngày mà chưa đầy được can 20 lít. Có những thời điểm, vài tuần không được tắm gội. Học sinh nội trú, sau giờ học cũng phụ giúp nhà trường hứng nước. Ngoài những khó khăn có thể nhìn thấy được, còn những hy sinh về mặt tinh thần mà các cô phải âm thầm chịu đựng. Xa gia đình là chuyện hầu hết giáo viên nữ ở đây đều phải trải qua. Cô Hoàng Thị Sửu, nhà gần nhất, ở huyện Đồng Văn nhưng cũng chỉ tranh thủ về thăm nhà vào cuối tuần, rồi lại vội vã trở về với lớp học. Cô Nguyễn Thị Phượng thì phải gửi con trai đầu về Phú Thọ nhờ ông bà nội trông giúp. Một năm cố gắng lắm cũng chỉ thu xếp về thăm con một hai lần vào dịp hè và Tết. Nhắc tới con, cô Phượng ngậm ngùi, dù rất nhớ con nhưng vì điều kiện không cho phép nên đành phải chấp nhận. Tình cảm dành cho con nhỏ ở xa nay cô dành cho những học sinh bé nhỏ. Nhìn các em nói cười, cũng xua đi phần nào nỗi nhớ con…
Thiên Lam
Và người thầy – dù của 50 năm trước hay ngày hôm nay, ở góc núi khuất hay thung lũng sâu – vẫn miệt mài tận tụy, nhận về mình những hy sinh, thiệt thòi… |
Bình luận (0)