Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ở nơi không phân lớp và không có thời khóa biểu

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em được học ở ngôi trường đặc biệt, nơi ươm mầm cho thế hệ trẻ tự do sáng tạo cuộc đời mình, thay vì bị bó hẹp với việc học hành và lối tư duy đúng-sai, răm rắp tuân theo thầy cô.

Anton Oberländer là một diễn giả. Trên sân khấu, cậu bé có thể bùng nổ và tỏa sáng với những ý tưởng độc đáo nhưng logic. Cậu bé từng đề xuất ý tưởng áp dụng vé miễn phí đối với một số hành khách tuyến đường sắt quốc gia.

Ấn tượng với cách suy nghĩ độc đáo ấy, người quản lý tuyến đường sắt quốc gia đã mời Anton đến chia sẻ những gì cậu nghĩ với 200 nhân viên tại đây. Ở Anton luôn có sự tự tin, chín chắn mà không phải đứa trẻ 14 tuổi nào cũng có được. Đó chính là nhờ em được học ở ngôi trường đặc biệt, nơi ươm mầm cho thế hệ trẻ tự do sáng tạo cuộc đời mình, thay vì bị bó hẹp với việc học hành và lối tư duy đúng-sai, răm rắp tuân theo những gì mà thầy cô sắp đặt, hướng dẫn.

O noi khong phan lop va khong co thoi khoa bieu
Không gian lớp học tại trường Berlin Evangelical

Ngoài môn học liên quan đến số học, các em được học những môn xã hội thiết thực, với bài học được lồng ghép xuyên suốt là học về tinh thần trách nhiệm và chấp nhận thử thách. Ở trường Berlin Evangelical, các học sinh dưới 15 tuổi không được sắp lớp. Các em cũng chẳng có thời khóa biểu hay khung bài giảng. Học sinh được quyền quyết định chọn môn học các em yêu thích, chọn bài học mình thấy hứng thú và chọn cả thời gian làm bài kiểm tra. Mô hình học tập này có thể là điều cản trở với những ông bố bà mẹ kiểu “máy bay trực thăng” – những phụ huynh luôn muốn giám sát và nắm rõ hoạt động của con, sẵn sàng điều chỉnh, nhắc nhở.

Với bài học chấp nhận thử thách, học cách đối diện và xoay chuyển, các học sinh từ 12-14 tuổi sẽ được phát khoảng 115 bảng Anh và tự lên kế hoạch cho chuyến phiêu lưu của mình. Một số em chọn khám phá trò chơi chèo thuyền kayak, một số đi leo núi và một số em thì đi thăm nông trại.

Berlin Evangelical là một trong những nơi mà nhiều đoàn nghiên cứu giáo dục ở các quốc gia thường đến tham khảo mô hình. Năm ngoái, một nhóm gồm 5 giáo viên trong số các giáo viên giỏi nhất nước Mỹ đã đến Berlin, thăm ngôi trường này. Thầy Paul Howard kể lại ấn tượng của mình: “Các học sinh đều cho chúng tôi thấy niềm hăng say của chúng. Các em có thể tự sắp xếp thời gian để thỏa sức làm việc một cách độc lập. Giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn và trả lời khi các em có thắc mắc”.

Triết lý giáo dục của trường Berlin Evangelical rất đơn giản: khi thị trường lao động thay đổi từng ngày, thiết bị di động và các phương tiện công nghệ không ngừng phát triển thì việc bó buộc trẻ trong một khung ràng là vô nghĩa. Hiệu trưởng Margret Rasfeld cho rằng, chính trẻ em sẽ là người viết nên tương lai của chúng và nếu không sớm trao cho chúng quyền tự viết cuộc đời mình, sẽ không còn kịp nữa. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, trẻ càng chủ động đầu tư vào việc mình làm thì càng có tinh thần tự chủ, dễ thành công và hạnh phúc hơn.

Không chỉ ở trường Berlin Evangelical mà ở Đức nói chung, học sinh luôn được khuyến khích trải nghiệm, để xác định công việc tương lai. Hệ thống giáo dục Đức hướng nghiệp cho học sinh từ rất sớm – ngay sau chương trình lớp Mười. Ở nhiều nơi, kể cả Mỹ, đại học được xem là cánh cửa gần như duy nhất để thăng tiến, nhưng ở Đức thì không. Giáo dục là cơ hội cho mỗi cá nhân phát triển và đóng góp giá trị vào cộng đồng. Đó là cách mà nhiều học sinh tại Đức được học, được chuẩn bị để bước vào đời.

Anh Thông/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)