Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Ô sin cao cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Có trình độ đại học và vốn ngoại ngữ kha khá, năng động, chăm chỉ… Đó là hình ảnh của không ít sinh viên giúp việc nhà cho những gia đình nước ngoài tại TP.HCM.

Sinh viên Nguyễn Thị Tuyết Thi (trái) giúp việc nhà cho một gia đình người Pháp ngụ ở Q.2, TP.HCM – Ảnh: Như Lịch

Những thử thách

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi theo chân Nguyễn Thị Tuyết Thi (quê Bình Định, sinh viên ngành kế toán kiểm toán Trường ĐH Mở TP.HCM) đi giúp việc theo giờ. Sau khi chạy vòng vèo qua gầm cầu Sài Gòn, Thi dừng lại trước một căn biệt thự trên đường 43, P.Thảo Điền, Q.2. Với chìa khóa riêng, cô tự tin mở cổng vào nhà. Rất nhanh nhẹn, cô lên lầu chào chị Sonia (chủ nhà) bằng tiếng Anh tương đối lưu loát trước khi xuống bếp làm nội trợ.

Tuyết Thi cho biết cô làm “ô sin” từ năm nhất học đại học, nhưng cho một gia đình Việt. 8 tháng nay, cô chuyển sang giúp việc một gia đình người Pháp, thông qua sự giới thiệu của Trung tâm dạy nghề TNXP Trường Sơn. Cô nấu ăn cho cả nhà, lau dọn và đón bé đi học về. Thi kể: “Chị Sonia là người Pháp, nhưng giao tiếp với tôi bằng tiếng Anh. 2 tuần đầu quả rất nhiều áp lực, bởi chị ấy tuyển tôi vào nấu ăn nhưng tôi nấu không được. Lúc ấy tôi buồn lắm, định bỏ việc. Nhờ chịu khó tìm hiểu sách báo và được chị Sonia chỉ dẫn thêm, nên tôi đã biết chế biến món ăn theo kiểu Pháp”.

Hiện tại, Vũ Thị Phượng (quê Thái Bình, sinh viên ngành kinh tế và quản lý công Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) giúp việc cho một gia đình người Đức ngụ ở Q.2. Mỗi ngày Phượng làm 3 tiếng (3 buổi/tuần) với các việc: đón bé đi học về và dẫn ra khu vui chơi giải trí, dỗ cho bé ăn, cùng đọc sách với bé…

Từ đầu năm nay, Phạm Thị Duyên (quê Nghệ An, sinh viên ngành công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) giúp việc nhà cho một

Phải có vốn tiếng Anh

Trung tâm dạy nghề TNXP Trường Sơn (62 Nguyễn Văn Đậu, P.6, Q.Bình Thạnh) cho biết đơn vị này không phân biệt mức giá giúp việc dành cho người nước ngoài và người Việt Nam. Vì vậy, không có sự khác nhau về thu nhập trên mỗi giờ công mà chỉ có sự khác nhau về môi trường làm việc. Những ứng viên giúp việc cho người nước ngoài thường là sinh viên, vì có thể đáp ứng các yêu cầu: nhanh nhẹn, tự tin trong giao tiếp, linh hoạt và giải quyết vấn đề tốt, đặc biệt là có khả năng về tiếng Anh cơ bản.

gia đình Việt kiều ở Q.Bình Thạnh. Duyên tâm sự, hồi mới đi làm cô mang tâm lý ngại ngùng, vì bạn bè và nhiều người trong xã hội chưa coi trọng nghề “ô sin”. Thêm vào đó, Duyên rất bỡ ngỡ khi mới tiếp cận, sử dụng những thiết bị gia dụng hiện đại của người nước ngoài. Thế nhưng, với sự cầu tiến của bản thân và sự thân thiện của gia chủ, Duyên đã trụ lại đến bây giờ.

 

Theo những người giúp việc cho người nước ngoài, ngoại ngữ là một trong những rào cản lớn nhất của nghề này. Ngoài ra, họ phải đối diện với những tình huống thử thách lòng trung thực của chính mình. Cả Tuyết Thi lẫn Phượng đều cho hay, hai cô nhiều lần thấy tiền chủ nhà rớt trong máy giặt hoặc đây đó trong nhà, nhất là thời mới đi làm. Khi thì 500.000 đồng, có khi cả xấp dày cộp. “Không biết người ta thử mình hay quên thiệt, nhưng mình đều đưa lại. Tiền rồi cũng hết, còn danh dự mình thì khó có lại”, một “ô sin” quả quyết.

Làm đầy hành trang vào đời

Làm “ô sin” với thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng, Vũ Thị Phượng cho rằng công việc này giúp cô có ý thức tiết kiệm và quản lý thời gian hơn trước, tuy nó có ảnh hưởng ít nhiều đến việc học thêm của mình.

Chia sẻ kinh nghiệm, Phượng đúc kết: “Quan trọng là kiên trì, làm tốt công việc và thật thà. Cần có thái độ tích cực và có cái tâm”.

Trong khi đó, Tuyết Thi tâm niệm khi đi làm phải luôn đúng giờ, nếu đi trễ phải nhắn tin xin phép cho dù người ta không nói gì. "Công việc này khá linh động, lại không quá vất vả. Nó cho tôi cơ hội rèn tính kỷ luật, trau dồi tiếng Anh, hiểu thêm cách sống và làm việc của người nước ngoài. Những điều đó rất hữu ích cho công việc chuyên môn của chúng tôi sau khi ra trường", Tuyết Thi trải lòng. Cô khoe, dẫu trong hợp đồng không quy định nhưng vào dịp lễ tết, chủ nhà thường hào phóng tặng tiền và cho Thi về quê nghỉ ngơi.

Trò chuyện với PV, chị Sonia (gia chủ của Tuyết Thi) đã dành nhiều lời ngợi khen đối với người giúp việc. Chị nhận xét: "Lúc đầu, Thi không biết cách nấu ăn, làm việc nhà như ý của chúng tôi. Nhưng cô ấy là một người trẻ sẵn sàng học hỏi, rất cố gắng, có tính trung thực… nên đã vượt qua những rắc rối ban đầu ấy". "Thi nói rằng, chị đối xử rất tốt với cô ấy?", chúng tôi hỏi. Ngay lập tức, Sonia lên tiếng: "Bởi vì cô ấy đã luôn làm việc chăm chỉ và dễ thương!".

Tuyết Thi bật mí, thu nhập từ nghề này và một số công việc làm thêm khác có khi lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, Thi trang trải được mọi khoản chi phí cho bản thân và phụ nuôi một đứa em ăn học tại TP.HCM, đồng thời gửi về quê giúp mẹ 2 triệu đồng/tháng.

Như Lịch (TNO)

Bình luận (0)