Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ô tô cũ điêu đứng trước “cơn bão” xe nhập khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như trước đây bán được vài chục xe trên tháng thì nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ chỉ bán được 1-2 chiếc, thậm chí phải cắt lỗ cả trăm triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô vừa và nhỏ đang tính chuyển nghề hoặc xin sang làm đại lý cho các nhà nhập khẩu chính hãng.

Ô tô cũ điêu đứng trước “cơn bão” xe nhập khẩu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giảm giá hàng trăm triệu đồng vẫn khó bán

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, nhiều ngày nay, sức tiêu thụ xe ô tô cũ trong nước rất èo ọt. Tại các cửa hàng kinh doanh ô tô cũ trên đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ, Lê Văn Lương, Tố Hữu hầu như không thấy có khách đến giao dịch.

Anh Khương, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ nhập khẩu ngán ngẩm cho biết: Nếu như cùng kỳ năm ngoái, mỗi tháng có thể bán được 100 xe thì nay chỉ bán được 1-2 xe. Chủ yếu là các dòng xe có giá trị dưới 500 triệu đồng như Huyndai Grand i10, Kia Morning, Kia K3, Huyndai Avante, Toyota Vios,…Trung bình, mỗi xe phải bán cắt lỗ khoảng 30-40 triệu đồng.

Xe cũ chạy lướt nhập về chưa bị mất giá nhiều, trong khi xe cũ có biển (tức đã qua các đời chủ) trong nước giá càng rẻ hơn. Xe cũ nhập khẩu giá cũng giảm ít hơn so với xe cũ lắp ráp trong nước, đóng biển rồi có mức giá giảm nhanh hơn do không phải chịu thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, xe cũ lắp ráp trong nước đời 2014 và 2015, giá chỉ có từ 200 – 270 triệu đồng/xe. Mức giá giảm từ 20 đến 70 triệu đồng so với xe cùng loại nhập khẩu. Và so với giá cùng kỳ năm trước, ước tính giá giảm trên 40 triệu đồng/chiếc.

Các hộ kinh doanh dòng xe cũ cao cấp hầu như không ai dám nhập thêm xe về vì giá bán cao, khó đẩy xe, trong khi xe cũ mua về từ năm 2016 chưa đẩy đi được.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty ô tô Thiên An Phúc, đại diện cho các doanh nghiệp ô tô vừa và nhỏ than phiền: “Gần như toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh ô tô vừa và nhỏ đều đang dậm chân tại chỗ, không ai dám nhập thêm xe cũ về. Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũ, dung tích nhỏ không thể cạnh tranh với các dòng xe cùng phân khúc nhập khẩu mới từ Thái Lan, Indonesia. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu các dòng xe cũ cao cấp, dung tích từ 3.0 trở lên của Mỹ, Đức càng không dám nhập vì thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cao, trong khi lượng xe mua từ năm 2016 cũng chưa bán được vì giá cao sau khi nâng thuế”.

Cũng theo ông Tuấn, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đang trông chờ đến 1/7/2017 liệu Chính phủ có thay đổi đặc biệt trong việc sửa đổi luật kinh doanh trong lĩnh vực ô tô hay không, lúc đấy mới tính có mua bán ô tô tiếp hay không.

Đối với dòng xe cũ nhập khẩu cao cấp, sau khi bị tăng thuế, chủ doanh nghiệp chịu bán cắt lỗ bằng giá nhập khẩu gốc cũng không tiêu thụ được, chẳng hạn như các dòng Lexus 570, Lexus 350, Toyota Highlander,… Hơn nữa, khách hàng cũng ngại mua dòng xe sang này vì xe 'ăn' xăng nhiều, giá thay phụ kiện rất cao và đặc biệt khâu bảo hành, bảo dưỡng xe cũ rất vất vả.

Cùng chạy đua với “cơn bão” xe nhập khẩu, hai nhà sản xuất, lắp ráp trong nước là Trường Hải (Thaco) và Thành Công liên tục giảm giá để cạnh tranh doanh số. Theo ông Tuấn, việc Thaco giảm giá xe Mazda và Thành Công giảm giá xe Huyndai nhiều nhằm để đạt được doanh số 40-50.000 xe/năm, tăng tỉ lệ nội địa hóa lên để hai hãng trên chấp nhận lắp ráp tại nhà máy của Thaco và Thành Công.

"Nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô vừa và nhỏ đang tính chuyển nghề hoặc xin sang làm đại lý cho các nhà nhập khẩu chính hãng, song muốn làm đại lý phải mất cả triệu USD" – ông Tuấn chia sẻ.

Tăng cường kiểm tra khai trị giá đối với ô tô nhập khẩu

Trước sự gia tăng đột biến của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước, mới đây, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu tại công văn 905/TCHQ-TXNK ngày 17/2/2017.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc cục, tổ kiểm soát công tác kiểm tra về trị giá hàng ngày thực hiện kiểm tra, rà soát dữ liệu trên hệ thống để phát hiện và xử lý khắc phục tình trạng thực hiện không đúng các quy định tại Luật Quản lý thuế, Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2015/TT-BTC và các quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá làm cơ sở để cơ quan Hải quan so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của người khai hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan theo quy định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, tập trung vào đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc).

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực, đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế; nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước…

Tuấn Nguyễn (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)