Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ô tô đua nhau giảm giá

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hãng ô tô đã buộc phải giảm giá để bán hàng. Và cũng chính nhờ động thái này mà doanh số bán hàng của nhiều hãng xe đã tăng mạnh.

Chọn mua ô tô VinFast tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Chọn mua ô tô VinFast tại quận Bình Thạnh, TPHCM. 

Khuyến mãi khủng
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại đến nay, các hãng ô tô trong nước đã có nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Hãng xe Toyota tại Việt Nam đang có chương trình ưu đãi giảm 20-30 triệu đồng/chiếc so với giá niêm yết cho một số mẫu xe. Hãng xe KIA cũng tung gói ưu đãi cho 2 mẫu xe, với mức ưu đãi cao nhất 77 triệu đồng/chiếc. Đầu tháng 6, nhà nhập khẩu chính hãng xe Subaru đã giảm giá bán lẻ một mẫu xe với mức cao nhất đến 159 triệu đồng. Với dòng cao cấp hơn, BMW 3-Series, MG HS là 2 mẫu xe giảm sốc nhất với khoảng 200 triệu đồng/chiếc. 
“Khác với thời điểm trước đây, chỉ những dòng “lỗi mốt” các hãng mới giảm giá, khuyến mãi, còn hiện nay các hãng đua nhau giảm đều các dòng xe, đặc biệt những dòng được ưa chuộng có mức giảm sâu hơn để kích cầu”, anh Ngô Thanh Trí, Phòng Kinh doanh Đại lý Ford Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TPHCM), cho hay. Đơn cử, Ford đang áp dụng đợt giảm giá khá mạnh đối với mẫu SUV từ 45-95 triệu đồng. 
Việc giảm giá sâu đã giúp thị trường ô tô “chạy tốt” giữa thời điểm dịch bệnh. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama) cho biết, tổng doanh số bán hàng tính đến hết tháng 5 của toàn thị trường tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ô tô du lịch tăng 51%, xe thương mại tăng 56% và xe chuyên dụng tăng 59% so với cùng kỳ. Riêng doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 42%, trong khi xe nhập khẩu tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Diễn biến khó lường
Một nghịch lý của thị trường ô tô hiện nay là dù trong nước đang nỗ lực giảm giá để bán hàng do lo ngại ế ẩm, tồn kho vì người tiêu dùng siết chặt chi tiêu thì ô tô nhập khẩu vẫn ồ ạt về cảng. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hơn 65.736 chiếc ô tô, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, tăng 78% về lượng và tăng 83,1% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2020. Riêng ô tô từ 9 chỗ trở xuống là 43.500 chiếc, tăng 53% so với 5 tháng đầu năm 2020. “Số lượng xe nhập về hiện nay thường theo kế hoạch trước đó của các hãng. Tình hình như bây giờ, với sản lượng xe nhập về, khả năng sẽ tồn kho, đợi thị trường bình thường trở lại mới tính tiếp được”, anh Huỳnh Lê Nguyên, chuyên gia trong ngành ô tô, phân tích.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động giao thương, xuất khẩu khiến nguồn cung khan hiếm. Đặc biệt, những tháng gần đây, các nhà sản xuất ô tô đối diện với tình trạng thiếu chip trầm trọng, buộc họ phải điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất. Khủng hoảng chip dẫn đến chậm trễ trong sản xuất và đây cũng là nguyên nhân níu chân thị trường ô tô. Do đó, các hãng trong nước đã gia tăng nhập khẩu để “đón đầu” khi dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để tự cứu mình trong tình hình hiện nay và để thúc đẩy doanh số, duy trì hoạt động kinh doanh trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hãng xe, đại lý vẫn liên tục chào bán xe với ưu đãi khủng. Bên cạnh đó, các hãng tạo điều kiện cho khách hàng ngồi nhà nhưng vẫn được trải nghiệm dịch vụ tư vấn, lái thử, mua xe như bình thường thông qua hình thức online. Đây sẽ là xu hướng và là bí quyết để các hãng xe vẫn “chạy tốt” nhằm vượt dịch Covid-19, tạo đà khôi phục lại tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 6 đã có 6.172 ô tô các loại hoàn thành thủ tục thông quan vào thị trường Việt Nam, với giá trị vượt trên 146 triệu USD. Trong  đó, xe du lịch dưới 9 chỗ vẫn chiếm chủ đạo với 65,6%, các loại ô tô tải với 1.512 xe chiếm 24% số lượng. Các công ty sản xuất và lắp ráp xe trong nước đã chi ra hơn 242 triệu USD để nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô trong 15 ngày đầu tháng 6, nâng kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến ngày 15-6 của ngành này đạt mức hơn 2,398 tỷ USD.
 

LẠC PHONG (theo SGGP)

Bình luận (0)