Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ô tô hạng sang ngập phố

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mỗi năm, người tiêu dùng trong nước chi hàng chục ngàn tỷ đồng để nhập khẩu ô tô hạng sang và siêu sang. Những thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới ồ ạt vào Việt Nam thời gian gần đây cho thấy sức hút của những dòng xe đắt tiền đối với người tiêu dùng rủng rỉnh tiền ở nước ta.   

 Xe sang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh                               Ảnh: THÀNH TRÍ

Xe sang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh Ảnh: THÀNH TRÍ

Nơi hội tụ dòng xe sang

Còn nhớ cách nay khoảng chưa đầy 10 năm, trên những đường phố lớn lẫn khuôn viên của một số doanh nghiệp ăn nên làm ra thi thoảng mới thấy xuất hiện một chiếc Innova 7 chỗ ngồi với giá trị khoảng gần 1 tỷ đồng. “Lúc đó, với những ai sở hữu chiếc xe này thì được đánh giá là dân có tiền, đẳng cấp. Còn như tụi tôi đi ký kết hợp đồng mà được đối tác mời lên xe đi chung thì thấy oai phong và sướng rân người”, anh Hoàng Văn Tiều, một doanh nhân trong ngành thu gom và xử lý chất thải, ngụ tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), bồi hồi nhớ lại.

Nhưng đó là chuyện của “ngày hôm qua” khi mà doanh nghiệp lắp ráp trong nước còn lác đác, còn con đường của nhiều dòng xe nhập khẩu lại “gập nghềnh”, đặc biệt là dòng hạng sang và siêu sang. Nguyên nhân là vào thời điểm này, hầu hết người tiêu dùng quan niệm mua ô tô như là sự tích lũy tài sản, thể hiện đẳng cấp, còn chính sách nhập khẩu thì siết chặt vì đánh giá ô tô là nhóm hàng “đặc biệt, xa xỉ”.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tình thế đã đổi khác, trên khắp đường phố của cả nước đi đến đâu cũng có thể bắt gặp những chiếc ô tô trị giá hàng tỷ đồng chen chúc nhau. Thậm chí, với những xe có giá trị trên dưới 1 tỷ đồng còn được dùng làm xe chở khách, taxi, Grab… Những chiếc ô tô trên dưới 2 tỷ đồng mới xem là hạng sang. Và những dòng ô tô hạng sang này hiện nay cũng đang… ngập phố.

Thống kê sơ bộ cho thấy, riêng trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 21.902 chiếc ô tô có giá trên 2 tỷ đồng. Còn con số tiêu thụ trong năm 2017, khoảng 8.700 chiếc xe hơi hạng sang, siêu sang các loại với tổng mức chi lên đến 20.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2016, con số này giảm khoảng 15%.

Trong đó, có khoảng 160 chiếc dòng siêu sang nhập khẩu, có giá sau thuế từ 10 tỷ đến 80 tỷ đồng và gần 1.000 xe có giá bán 5 – 10 tỷ đồng đã được cấp đăng kiểm. Đáng chú ý, tính đến thời điểm này, hầu hết các thương hiệu cao cấp nhập khẩu xe nguyên chiếc trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh các thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng trong nước như Ford, Lexus, Nissan Infiniti hay Mercedes-Benz, thì ngày càng có nhiều các thương hiệu đắt tiền thâm nhập thị trường và đẩy mạnh phạm vi kinh doanh, như: Audi, BMW, Land Rover, Volkswagen, Bentley, Maserati, Lamborghini, Porsche, Volvo…

Hướng đến tiện ích

Theo nhận định của giới kinh doanh ô tô, những người tiêu dùng mua xe sang, siêu sang thường chú ý đến sự tiện nghi, thoải mái, an toàn, tiện lợi, tiết kiệm nhiên liệu và giá cả có phù hợp hay không, chất lượng dịch vụ hậu mãi thế nào… hơn là quan tâm đến đẳng cấp, hay coi chiếc xe là một thứ tài sản như quan niệm trước đây. “Phần lớn khách hàng đến mua xe tại đây đều rất am hiểu về kỹ thuật sản phẩm (vốn khô cứng và phức tạp). Họ quan tâm tới việc xe đạp ga mạnh thế nào, đánh lái chính xác ra sao, cảm giác lái có hưng phấn hay không… Đặc biệt là tính an toàn của chiếc xe, vì họ chú trọng giá trị cốt lõi, giá trị mà người ngồi sau vô lăng, ngồi trong xe được hưởng thụ hơn. Nói chung, hiện đang có sự chuyển dịch xu thế mua xe từ phân khúc phổ thông sang phân khúc xe sang, siêu sang khá rõ rệt. Đồng thời, lứa tuổi trung bình của khách hàng cũng đang trẻ hóa, trên dưới 40, thay vì trước đây là trên dưới 50 tuổi”, anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Thành Vinh (quận 12), chuyên mua bán ô tô nhập khẩu, chia sẻ. 

Theo dự báo và nhận định của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng GDP bình quân được dự báo khoảng 6% mỗi năm cho đến 2020, số triệu phú Việt Nam sẽ tăng vọt lên gấp đôi trong thời gian tới. Hiện tốc độ tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đang đạt 170%, thuộc tốp nhanh nhất thế giới, cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc. Đến năm 2035, hơn một nửa dân số của Việt Nam dự kiến sẽ gia nhập hàng ngũ tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức tiêu dùng từ 15USD trở lên trong một ngày.

Do vậy, Việt Nam sẽ là một thị trường tiềm năng đối với xe sang và xe siêu sang. Bởi theo kết quả điều tra các doanh nghiệp ô tô, đa số triệu phú Việt Nam chi khoảng 3% – 5% giá trị tài sản của mình cho ô tô. “Việt Nam là nước đang phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng, các thành phố đang tiếp tục phát triển và người dân trở nên giàu có hơn trong vài năm tới. Việc trở nên giàu có nhanh chóng khiến cho nhu cầu mua xe bùng nổ, đây chính là cơ sở giúp các thương hiệu xe sang vững tin vào sự tăng trưởng của thị trường về lâu dài”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, đánh giá.

Trong khi đó, theo cam kết của WTO, đến 2019 Việt Nam sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho ô tô dung tích xi lanh lớn xuống còn 52% – 55%. Ngoài ra, nhiều cam kết trong FTA khác như Nhật Bản, EU…, thuế suất thuế nhập khẩu đối với ô tô dung tích xi lanh lớn cũng giảm dần về mức 0% vào thời điểm 2026-2029. Đây là điều kiện thuận lợi cho mức tiêu thụ các loại xe sang, siêu sang có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên tăng trưởng.

Theo giới kinh doanh xe nhập khẩu, tốc độ mua sắm ô tô sang và siêu sang của đại gia Việt tiếp tục dẫn đầu khu vực, đang vượt Singapore, Thái Lan… Các chuyên gia trong ngành đánh giá, tại Việt Nam, mức tăng trưởng bình quân của dòng xe hơi hạng sang và siêu sang đang từ 40% – 100%/năm.

 

Lạc Phong/ SGGP
 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)