Sang trọng, lịch lãm, lộng lẫy, quý phái, nhưng vẫn ẩn hiện vẻ đẹp truyền thống là ấn tượng đầu tiên khi diện kiến “Quý bà châu Á” (Asian Lady) – một du thuyền được mệnh danh là nghệ thuật đắt giá của đại dương và giới chơi du thuyền châu Á, đang neo ngoài khơi đảo Tioman, Malaysia
Xuất xưởng năm 2003 với giá gần 50 triệu đô la, chiếc du thuyền Asian Lady đang thuộc sở hữu của ông tỉ phú người Malaysia – Vincent Tan, chủ tịch tập đoàn Berjaya Corp. Berhad. Du thuyền này từng cập cảng Sài Gòn để chủ nhân tiếp đón những người bạn Việt Nam. Asian Lady có không gian sống rất rộng với diện tích sử dụng đến 1.858m2, được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại đậm chất Á Đông.
Toàn bộ nội thất được lót danh mộc, phủ thảm dày trắng ngà sang trọng. Phòng ngủ chính của chủ nhân với diện tích 148,64m2 – rộng hơn so với bất kỳ một phòng ngủ trong căn hộ cao cấp hạng sang nào. Ngăn cách nội thất với bên ngoài của Asian Lady đều qua một lớp kính, hoặc cửa sổ, để góc độ nào trên tàu cũng có thể hướng tầm mắt ra bên ngoài tận hưởng vẻ đẹp của biển khơi.
Tổng cộng du thuyền có sáu tầng, ba tầng dưới là khoang máy, tầng thứ 4 là sảnh, phòng khách và phòng ăn, phòng ngủ của chủ nhân và khách được bố trí ở tầng 5, tầng 6 là một phòng tập thể dục, phòng ở của các thuỷ thủ và phòng điều khiển, không gian bên ngoài tầng 6 là đài ra đa và sân bay trực thăng để chủ nhân hạ cánh mỗi khi sử dụng du thuyền. Ngoài boong tàu có bốn chiếc mô tô nước để sẵn và chỉ cần vài động tác nhỏ, chiếc cẩu trục bằng inox sáng choang sẽ cẩu mô tô nước hạ thuỷ đi dạo ngoài đại dương.
Tiền sảnh phòng ngủ là bức tranh gỗ lớn chạm 40 thiếu nữ vây quanh một người đàn ông trang phục truyền thống Trung Hoa xưa đang tươi cười hạnh phúc trong cảnh lầu đài, vườn các cùng mỹ nhân. Cũng với chất liệu gỗ tương tự, phần nối phòng khách và nhà ăn là đồ án liên hoàn bách điểu, phù dung trĩ bao quanh cây cột chính, lượn vòm là hoa dây, đồ án tứ thời mai – lan – cúc – trúc liền kề được chạm kết cầu kỳ, tinh xảo.
Ở phòng ăn, hai phía đối diện là bức tranh đôi chim trĩ, bên còn lại là 12 chân dung thiếu nữ trong trang phục như thần tiên chốn bồng lai. Đây không phải là tranh vẽ mà tất cả đều được chọn lọc từ những mảnh ngọc, đá quý, xắp xếp lại tạo nên những bức tranh đa màu sắc.
Trong thời gian lưu lại với “Quý bà châu Á”, vị thuyền trưởng người Thái trò chuyện: “Đây là một trong những du thuyền hiếm hoi thoát nạn trong thảm hoạ sóng thần ở Phuket năm 2004”.
Câu chuyện về Asian Lady rẽ sang hướng khác. Thuyền trưởng Amnuay Sirivisutara nay đã vào tuổi 70, chậm rãi kể: “Đó là một buổi sáng trời trong xanh, Asian Lady cùng cả trăm chiếc du thuyền khác neo đậu cách bờ độ 400m ở vịnh Patong, Phuket. Bất thình lình, con tàu bị hất tung lên ngay gợn sóng thần đầu tiên. Chúng tôi làm theo bản năng, cố khởi động máy, nhổ neo, siết hết công suất hướng tàu ngược ra khơi xa chỉ kịp vài giây sau khi lại một đợt sóng thần khác ập vào.
Cả thuỷ thủ đoàn không dám nhìn vào bờ và vẫn chưa định thần việc gì đang xảy ra. Trong khi đó từng đợt sóng thần khác vẫn đang ập đến từ hướng đông nam, tàu tiếp tục vượt sóng ra vùng an toàn và không hề hấn gì dù chỉ một chi tiết nhỏ. Chúng tôi rất vui mừng vì may mắn hơn nhiều những chiếc du thuyền khác trong vịnh Patong hôm ấy”.
Sau thảm họa, Asian Lady càng nổi tiếng trong thế giới du thuyền, bởi thiết kế kỳ lạ tưởng như không thực hiện được với một du thuyền có thân phụ, nhưng nhờ đó mang lại sự cân bằng tuyệt đối về trọng lực đã giúp con tàu vượt qua bài kiểm tra khắc nghiệt – sống còn, là thoát được thảm hoạ sóng thần.
Và tiếp tục sứ mệnh ra khơi, đem lại cho chủ nhân con tàu cũng như những thượng khách luôn có cảm giác thụ hưởng, thư giãn trong sự an toàn tuyệt đối nhờ vào thiết kế hoàn chỉnh con tàu mang lại.
Vài nét về Asian Lady Asian Lady mô phỏng theo thuyền độc mộc của người Polynesian, ứng dụng kỹ thuật làm du thuyền hiện đại, chiều dài 88,15m, rộng 21,20m, chi tiết máy được Ian Mitchell – thành viên đội đua thuyền buồm New Zealand giành chiến thắng tại giải American Cup 1995 thiết kế, động cơ Rolls-Royce, với 600 mã lực, tốc độ trung bình 15 hải lý/giờ, động cơ khởi động êm đến độ ở trên tàu không hề cảm nhận độ rung hay tiếng ồn của động cơ. Nội thất làm tại công ty đóng tàu biển Yantai Raffles Shipyard ở Sơn Đông, Trung Quốc. Ăn: Asian Lady từng tổ chức một cuộc dạ tiệc cho 180 khách nhưng không hề có cảm giác đông đúc, chật chội. Thuỷ thủ đoàn 19 người Thái cũng là những đầu bếp thiện nghệ về ẩm thực Thái, Malaysia, Âu – Á. Asian Lady cũng có một quầy bar với đủ các loại rượu hạng sang cùng những bartender dễ mến lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ những thượng khách lên tàu. Ngủ: Diện tích sử dụng lớn, nhưng Asian Lady chỉ dành chỗ ngủ tối đa cho 20 khách, với tám phòng từ trang trí rèm cửa, giường ngủ, đến chi tiết nội thất đều mang màu sắc và phong cách khác biệt, được trang bị máy móc, thiết bị nghe nhìn giải trí tối tân để những khách mời khó tính nhất cũng phải mỉm cười mãn nguyện. Chơi: Một phòng tập thể dục hiện đại, ghế massage thư giãn, trực thăng, ca nô, mô tô nước, cùng hệ thống truyền hình, ti vi, và dàn karaoke hiện đại với các ngôn ngữ Anh – Hoa – Nhật – Hàn – Việt có sân khấu biểu diễn ngay trong phòng ăn. |
Theo Sài Gòn Giải phóng
Bình luận (0)