Học ca ba, câu chuyện tưởng chừng chỉ có ở cách đây chục năm, khi trường lớp còn tạm bợ và thiếu thốn. Nhưng giờ đây, những gia đình có con đang học ở Trường Tiểu học Trảng Dài (TP Biên Hòa – Đồng Nai) vẫn rối tung lên vì con “học lệch múi giờ”.
Chuyện bắt đầu từ đầu năm học 2009-2010, khi những gia đình có con học khối lớp 3 Trường Tiểu học Trảng Dài bỗng dưng tiếp nhận thông tin: con của họ sẽ học ca ba. Buổi sáng từ 7 giờ đến 10h30 là thời gian học của khối lớp 1 và lớp 5. Ca ba dành cho học sinh lớp 3, sẽ học vào khoảng giữa: vào lớp lúc 10h40 và ra về lúc 13h50. Buổi chiều từ 14 giờ đến 17h30 là thời gian học của khối lớp 2 và lớp 5.
Để tiện giờ đi làm cho bố mẹ, các em phải đi học sớm và ngồi mòn mỏi chờ vào lớp học
Bối rối việc đón con
Với giờ học lỡ cỡ như vậy, nhiều gia đình lúng túng trong việc đưa đón con. Đa phần phụ huynh là công nhân và viên chức nhà nước. Giờ làm việc hành chính của họ bắt đầu từ 7 giờ sáng, bị “lệch pha” hẳn so với giờ học của con.
Bất tiện trong việc đưa đón nên nhiều người chọn giải pháp cho lũ nhỏ đi học bằng xe buýt tư nhân. Những gia đình khó khăn hơn, nhà cách trường độ 2-3km thì cho con đi bộ. “Biết là nguy hiểm lắm, có thể xảy ra cám dỗ hoặc tai nạn giao thông, nhưng không có người đón đưa đành chịu” – một phụ huynh nói.
Phụ huynh Nguyễn Văn Hóa thốt lên: “Vất vả lắm. Học vào giờ này khó khăn quá. Sáng nay 10 giờ đi về đón con đi học thì thấy con chưa cơm nước gì cả. Trẻ con cần ăn uống, ngủ nghỉ cho có sức khỏe. Đằng này…”.
Một phụ huynh khác bức xúc: “Các cháu phải học lúc mà mọi người chuẩn bị giờ nghỉ trưa. Đó là thời gian mà mọi người và đặc biệt là trẻ em cần được ăn uống nghỉ để phát triển cả trí tuệ lẫn thể lực. Thử hỏi người lớn chúng ta giờ đó có làm việc và học hành được không?”.
Buổi trưa đã vậy, học sinh buổi chiều tan trường lúc 17h30 cũng chịu nhiều thiệt thòi. Những ngày này, trời mau tối, lại hay mưa. Vậy mà học sinh trường Trảng Dài cứ lầm lũi đi bộ về nhà trong chập choạng tối như thế. Một cô giáo trường Trảng Dài nói cô não ruột khi nhìn thấy cảnh này.
Gửi gắm nhờ người khác đón luôn con mình, nên cảnh mỗi xe máy chở 4,5 học sinh là chuyện bình thường
Không chỉ phụ huynh mới bị mắc kẹt chuyện đón con. Ngay cả các thầy cô giáo của trường cũng không biết phải làm sao. Cô giáo Thủy có con học cấp 1 ở phường Tân Tiến, nhưng từ đầu năm đến giờ chưa một lần được đón con. Lí do là khi dạy xong ca 3, chạy qua đón con thì đã quá muộn. Nhiều khi các cô giáo ở trường Trảng Dài phải nhờ chính các phụ huynh đón giúp con mình.
Việc đưa đón con không những mất thời gian mà còn tốn khá nhiều chi phí của các bậc phụ huynh. Tan giờ học ca ba vào lúc 13 giờ 50 – thời điểm không ai có thể bỏ việc để đi đón con, nhiều gia đình đã đăng kí gửi con cho cô giáo.
Cứ sau giờ tan ca, học sinh theo cô giáo về nhà, ăn uống và ngủ nghỉ. Sau đó, cô giáo ôn bài cho học sinh. Đến chiều, phụ huynh đến nhà chở các em về. Chi phí cho những giờ trông trẻ như thế này vào khoảng 650.000 đồng/tháng.
Băn khoăn về chất lượng
Tiếp xúc với chúng tôi, những cô giáo ở Trường Tiểu học Trảng Dài ai cũng lắc đầu: “Mệt lắm rồi”. Với sĩ số học sinh trung bình 60 em/lớp học, nhiều cô giáo đã muốn ngất xỉu. Vậy mà giờ đây phải dạy học sinh vào cái giờ nghỉ trưa. Họ tếu rằng: các cô ở đây đều là giáo viên xuất sắc cả. Bởi lẽ, không phải ai cũng có thể dạy nổi ở ngôi trường này. Mấy cô giáo trẻ mới về trường dạy được mấy bữa là thấy “ngộp” bởi lượng học sinh quá đông.
Lớp học đông nghịt, lại học vào giờ nghỉ trưa, ai dám đảm bảo chất lượng?
Những cô giáo “xuất sắc” này ngoài việc khản cả giọng để quản lý 60 học sinh thì cũng không được trợ cấp gì thêm, dù đi dạy ca ba. Trường chật hẹp, không đủ phòng cho học sinh nên phòng cho giáo viên cũng chỉ là mơ ước của các cô. Ngay cả phòng hiệu trưởng, hiệu phó, hành chính cũng là mượn đỡ phòng học sinh mà sửa sang lại. Phòng thiết bị thì trưng dụng lại từ khoảng không phía dưới chân cầu thang lớp học.
Giờ giải lao, các cô giáo ngồi nghỉ ở văn phòng hoặc thư viện trường và lót dạ bằng vài củ khoai, cái bánh ngọt.
Cô giáo đã vậy. Học sinh còn khổ hơn. “Không có bố mẹ ở nhà nấu cơm, lũ nhỏ ăn cơm bụi qua quít ngoài đường thì làm sao đảm bảo sức khỏe”, Phó hiệu trưởng Đoàn Thị Thủy nói. Theo cô Thủy, học vào giờ trưa, sinh lý bị đảo lộn thì tất nhiên là khả năng tiếp thu kiến thức sẽ bị hạn chế.
Học trò ca ba cũng bị thiệt thòi vì không có sân chơi. Giờ chơi của các em cũng đặc biệt: vào lúc 12 giờ 15 và chỉ chơi ngay trong lớp. Việc không cho học sinh ca ba ra chơi ngoài sân trường theo lời cô Phó hiệu trưởng là để dễ quản lý học sinh.
Cô cho biết, việc quá tải học sinh đã có dấu hiệu từ 3 năm trước. Năm nay, lượng học sinh tăng vùn vụt lên đến 2.880 em. Trong khi đó, trường chỉ có 22 phòng nhưng phải cáng đáng cho 54 lớp nên phải phân tải bớt sang ca ba.
Được biết, phường Trảng Dài là khu vực tăng dân số cơ học cao nhưng lại chỉ có duy nhất một trường tiểu học. Vào năm 2006, Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa đã đề xuất xin xây thêm trường Tiểu học Trảng Dài 2 và đã được chấp thuận. Nhưng cho đến nay, trường vẫn chưa được khởi công xây dựng vì vướng mắc trong đền bù giải tỏa. Chính vì vậy, khả năng học ca ba của học sinh trường Trảng Dài chắc chắn sẽ không dừng lại ở một vài năm học.
Hoàng Hoa/Dan tri
Bình luận (0)