Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Oan quá, nhà em nghèo lắm, không giàu đâu!”

Tạp Chí Giáo Dục

Dù có cơ ngơi khá khang trang nhưng gia đình chị Hà vẫn rất chật vật để nuôi các con ăn học.

Được biết, chị Hà đang có con theo học lập trình viên tại trường Bách khoa Aptech tại Hà Nội. Ngoài học phí 1,5 triệu/ tháng, chị chu cấp thêm cho “quý tử” 1 triệu đồng. Không chỉ chị Đỗ Thị Thu Hà mà nhiều người dân ở xã Quang Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) trong diện có con được vay vốn của Quỹ tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) đều rất dị ứng với từ “giàu”.

Cán bộ của Ngân hàng chính sách huyện Lạng Giang, trước đề nghị của chúng tôi dẫn đến thăm một số hộ gia đình thuộc diện này đều chau mày “tính toán” rất đăm chiêu: “Nhà chị Ngọc thì cũng rộng rãi, nền đá hoa sáng bóng, nhà anh Long thì xây hai tầng hoành tráng quá… Dẫn đi đâu nhỉ? Khó quá! Khó quá!”

Nhà cao cửa rộng đâu làm nên… tội!

Anh Đặng Đức Long, cũng người xã Quang Thịnh là bộ đội phục viên. Năm 1992 anh lại bị tai nạn giao thông nên không thể làm được việc gì nặng. Bản lĩnh kiên cường vốn có của người lính khiến anh quyết không đầu hàng số phận. Mày mò tự học, anh đã mở đươc của hàng sửa chữa xe máy. Hai con của anh đều đang học tại trường ĐH Y Hà Nội và cũng đều trong diện được vay vốn của Quỹ tín dụng HSSV.

Người dân chờ vay vốn tại UBND xã Quang Thịnh chiều 16/9.Tiếp chúng tôi tại căn nhà rộng tới gần 100m2 hai tầng khang trang, với tiện nghi khá đầy đủ nằm ngay mặt đường, anh Long cứ ngượng nghịu thanh minh mãi về sự hiện diện của căn nhà này. Anh bảo anh xây được căn nhà này năm 2000 nhờ tiền đền bù của Nhà nước cho căn nhà của bố mẹ anh ở khu vực Ngã Tư Sở (Hà Nội) khi giải toả để xây cầu vượt.

Vợ anh thì cho hay cửa hàng sửa chữa xe máy tháng giỏi lắm chỉ thu được về trên dưới một triệu là cùng. Ông Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện Lạng Giang cũng bảo: Những khu vực thế này, làm gì có người mấy đâu mà có xe máy để sửa!

Xét về lý, gia đình của anh Long không thuộc diện đối tượng được vay vốn của Quỹ tín dụng HSSV. Nhưng xét về tình, quả thật cũng rất khó. Hiện, hai con của anh đều học trường Y, mỗi tháng, tiền chu cấp cho cả hai đứa trên 3,2 triệu. Với số tiền anh được vay là 8 triệu/ 2 người con cho một học kỳ thì cũng chỉ đủ chu cấp cho hơn 2 tháng là cùng.

“Trong hơn 2 tháng đó, cả nhà bóp mồm bóp miệng dành dụm thì cũng có tiền để chu cấp cho các cháu trong 3 tháng còn lại của học kỳ. Tiền được Nhà nước cho vay là quý lắm, chúng tôi trân trọng lắm chứ không phải muốn cố tình lợi dụng gì đâu!”- Anh tâm sự như vậy.

“Bài toán” tình người

Gia đình anh Đặng Đức Long không phải là trường hợp hiếm ở Bắc Giang. Mặc dù dân số không nhiều nhưng Bắc Giang đứng thứ 5 trong cả nước về số lượng giải ngân vốn tín dụng HSSV.

Nụ cười của những ông bố, bà mẹ vừa được vay vốn.Theo ông Ngô Gia Quát, Phó giám đốc Ngân hàng chính sách tỉnh Bắc Giang thì kết quả thực hiện cho HSSV vay vốn của tỉnh Bắc Giang tính đến ngày 30/6/2008 doanh số cho vay đã đạt 155,345 tỷ đồng, có 19.078 hộ được vay vốn với 19.748 HSSV.

Số người được vay vốn không đúng đối tượng tính đến thời điểm này chỉ có khoảng trên 40 trường hợp bị xử lý với hình thức thu hồi vốn và không cho vay. Cũng theo ông Quát, việc bình xét đối tượng được vay có sự tham gia của người dân, của các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên thông qua việc quản lý và giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản trong việc trực tiếp nhận thủ tục xin vay vốn của các hộ gia đình có đủ điều kiện để gửi UBND xã phê duyệt.

Cùng đứng trong hàng người vay vốn cho con đi học ở xã Quang Thịnh vào chiều 16/9, nhiều người dân ở đây đã hồn nhiên cho chúng tôi biết rằng việc bình xét thì toàn người làng với nhau cả, có nhu cầu vay, lại có con đang đi học thực sự, ai nỡ gạt ra. Tiền Nhà nước cho vay thì cũng chẳng đáng bao nhiêu, thêm được tí nào hay tí đấy thôi! Miễn sao là không có trường hợp nào nghèo thực sự muốn vay mà lạ không được vay.

Về phía Ngân hàng chính sách xã hội là nơi trực tiếp rót vốn thì theo như lý giải của ông Thân Văn Yên, Giám đốc thì Ngân hàng không thể đủ nhân lực để đi kiểm tra xem các hộ được vay của Quỹ này có đúng đối tượng không nên chỉ có thể gửi gắm niềm tin ở các tổ chức xã hội. Mặt khác, áp lực phải dải ngân số tiền cho vay cũng rất lớn hay nếu có điều tiếng eo xéo gì từ người dân về việc họ bị làm khó khi vay cũng sẽ làm ngân hàng rất mất uy tín.

Ông Yên cũng cho hay, việc chính quyền UBND xã duyệt có thể có những trường hợp không đúng đối tượng vẫn được “xuê xoa”, ngoài vì tình làng nghĩ xóm thì còn có thể do phụ cấp trách nhiệm cho những người làm công tác này quá ít khi chỉ có 80.000đ/ tháng, lại chưa có chế tài nào để xử lý trong trường hợp họ xác minh sai đối tượng được vay.

Lê Châu (dantri.com.vn)

Bình luận (0)