Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Oằn vai “gánh” nghịch cảnh lên giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hồng Linh (trái) tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh

Ba mất sớm, mẹ lâm trọng bệnh, khó khăn bủa vây nhưng cô sinh viên Trần Thị Hồng Linh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải dừng ngang con đường học vấn…

Từ xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi về đến trung tâm Sài Gòn chưa đến 60km, nhưng phải đến ngày bước chân lên giảng đường đại học (ĐH), Linh mới ngỡ ngàng khi lần đầu được diện kiến sự phát triển của đô thị: những tòa nhà cao tầng, những cung đường đông đúc người, xe… Bốn năm là sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, sống ở thành phố nhưng Linh lại chưa từng biết đến quán xá hay có riêng những giây phút thảnh thơi la cà như các bạn. Đó là vì từ nhỏ, ngoài cuộc mưu sinh, với Linh còn oằn nặng nỗi lo toan cho sức khỏe của người thân trong gia đình. Và nỗi lo ấy càng lớn hơn gấp bội.
Nặng gánh
Gần một năm trước, Linh được thành phố bầu chọn gương mặt người con hiếu thảo nổi bật. Trong đêm giao lưu, có người hỏi Linh “Với một cô gái, liệu hoàn cảnh gia đình như thế có phải là gánh nặng oằn vai?”. Linh trả lời mộc mạc: “Em thấy cũng… nặng thật nhưng đỡ đần được cho gia đình phần nào cũng là điều làm em hạnh phúc. Song nặng hơn hết là lứa heo không kịp lớn để đưa mẹ đi chạy thận”. Linh kể thêm: “Trong chuồng nhà em lúc nào cũng có đàn heo hơn 10 con. Có khi heo chuyển dạ, em làm luôn công việc của… bà đỡ. Vì đó là học phí của hai chị em, là tiền thuốc thang cho mẹ, cho ngoại và cho bác. Chính vì vậy mà có những lúc heo bệnh, em mất ăn mất ngủ, nhìn đàn heo mà lo lắng phát khóc”. Chuyện của Linh khiến ai nghe cũng thấy ngậm ngùi.
Gia đình hoàn toàn khánh kiệt theo căn bệnh bướu não mà ba Linh mắc phải và mất năm em lên tám tuổi. Khó khăn cực độ dồn đẩy lên vai bà Lam – mẹ Linh – khi một bên là tương lai các con, bên còn lại là hoàn cảnh khốn khó với người mẹ già nhiều bệnh tật và người anh chồng mắc bệnh tâm thần, suốt đời như đứa trẻ ngây ngô. Thế nhưng, cho dù gia đình có “khuyết” đi bóng dáng người đàn ông trụ cột thì bà Lam vẫn nhất mực không để các con “khuyết” một cánh cổng vào đời: học vấn. Để rồi, ký ức trong Linh chính là những đêm tầm 2, 3 giờ sáng mẹ đã dậy tảo tần, vò võ một mình với nồi xôi kịp bán buổi chợ mai, sau đó tiếp tục trở về lo cho đàn heo và chăm sóc hai người bệnh. Thương mẹ, cô bé Linh bấy giờ cũng đã biết mang xôi bán tại cổng trường, chỉ đến khi nghe tiếng trống điểm giờ học mới chạy ào vô lớp! Cuộc sống trôi đi cho đến năm Linh học lớp 9, một lần nữa khó khăn tìm đến khi bà Lam phát hiện mình đã ở giai đoạn cuối căn bệnh suy thận mãn tính. Gánh nặng lúc này dồn hết lên vai cô bé tuổi 15!
Vượt khó
Để có tiền mỗi tuần 3 lần đưa mẹ đến Bệnh viện Củ Chi chạy thận mà lứa heo không kịp lớn, ngoài giờ học, hai chị em Linh phải trắng đêm thức làm hoa voan, hoa giấy bán. Khó khăn nhất với Linh chính là khoảng thời gian cuối cấp III, khi một mình em vừa lo toan áo cơm, tiền bạc để thuốc thang cho người thân vừa phải cố gắng giữ vững danh hiệu 12 năm là học sinh giỏi. Linh nhớ như in những ngày phải mang sách vở vô bệnh viện để vừa chăm sóc mẹ, vừa học bài. Ngày biết tin mình đỗ vào Khoa Tiếng Anh của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, trong Linh là sự hòa lẫn giữa niềm vui và nỗi lo về chặng đường phía trước.
Ròng rã bốn năm qua, gần như ngày nào Linh cũng dậy thật sớm lo cơm nước cho mọi người, tự tay chích thuốc cho bà ngoại rồi sau đó mới bắt ba chặng xe buýt kịp đến giảng đường. Có hôm mệt mỏi quá, Linh xin nghỉ lại nhà người quen ở Q.Gò Vấp, dù vậy: “Đầu óc em luôn hướng về Củ Chi nên ngày nào ở lại em cũng thấy không an tâm. Nhất là tần suất mẹ phải vào bệnh viện cấp cứu giữa đêm ngày càng nhiều”, Linh chia sẻ. Thế nhưng, khó ai ngờ rằng ngoài giờ học Linh còn tranh thủ tham gia lớp bấm huyệt ở Trung tâm Y tế Q.Phú Nhuận để về tự tay xoa bóp, giúp mẹ và ngoại đi qua cơn nhức mỏi.
Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học nhưng Linh cho hay, nhiều lúc em không biết phải làm sao để vừa lo cho mọi người vừa hoàn thành việc học. Có lần, Linh muốn tạm ngưng, xin bảo lưu kết quả để đi làm và chăm sóc mẹ khi thấy bà đau đớn, đối mặt với những khoảnh khắc giữa ranh giới sống chết nhưng bà Lam nhất định không chịu. Với người mẹ ấy, không có niềm vui nào bằng nhìn thấy các con học giỏi và còn tiếp tục được đi học. Linh chia sẻ: “Mẹ luôn động viên em phải cố gắng vượt qua mọi thử thách. Bởi lẽ, từ lâu em chính là chỗ dựa không chỉ cho mẹ mà còn cho em gái, nên em sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa”. Hiện tại, chỉ còn một năm nữa Linh ra trường, em gái của Linh cũng đang là học viên hệ trung cấp Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch. Ước mơ của hai chị em là sớm tốt nghiệp để có nhiều thời gian hơn chăm sóc những người thân. Nhưng ước mơ lớn nhất trong Linh lại chính là thấy mẹ vui và mỗi ngày em còn được gần mẹ…
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)