Hôm nay 3-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu thăm một loạt nước Trung Đông trong nỗ lực xóa bỏ sự nghi ngờ sâu sắc của cộng đồng Hồi giáo đối với nước Mỹ. Ông Obama sẽ phát biểu tại Trường ĐH Cairo ở Ai Cập vào ngày 4-6. Và bài phát biểu này được coi là “đặc biệt quan trọng”, trong đó ông sẽ công bố những chính sách mới của Washington với thế giới Hồi giáo.
Các cửa hàng lưu niệm ở Cairo (Ai Cập) đã bắt đầu chào mời sản phẩm liên quan đến tổng thống Mỹ – Ảnh: Reuters |
Quan hệ Washington với thế giới Hồi giáo đã đặc biệt xấu đi dưới thời tổng thống George W. Bush cùng với cuộc chiến chống khủng bố. Các cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq, các vụ bê bối tra tấn, lạm dụng tù nhân tại các nhà tù ở Guantanamo và Abu Ghraib cùng thái độ thiên vị của chính quyền Bush cho Israel đã dấy lên tâm lý chống Mỹ vốn âm ỉ từ lâu tại khu vực này và là mắt xích để lực lượng khủng bố lợi dụng.
Theo AFP, ông Obama đang cố lấy lòng người Hồi giáo tại Trung Đông. Thật ra, ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã tìm cách hàn gắn với thế giới Hồi giáo và thay đổi chính sách với Trung Đông. Trong diễn văn nhậm chức của mình, Tổng thống Obama đã nói về “con đường mới dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau” với thế giới Hồi giáo. Nhân dịp năm mới của người Iran, ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên có bài phát biểu qua video với người dân Iran để thể hiện thiện chí của mình.
Mục tiêu của Mỹ hiện là xây dựng liên minh với các nước Hồi giáo ôn hòa nhằm gây sức ép với chương trình làm giàu uranium của Iran và tìm giải pháp hai quốc gia cho cuộc xung đột Israel – Palestine. Trước mắt là việc Mỹ yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái. Theo Daniel Brumberg của Viện Nghiên cứu hòa bình Mỹ, bằng việc chọn thăm Ai Cập và Saudi Arabia (hai quốc gia Ả Rập từng ký hiệp định hòa bình với Israel), Tổng thống Obama đang đánh tín hiệu cho thấy ông cam kết khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông. “Lựa chọn Cairo rõ ràng là một thông điệp”.
Những động thái gần đây của ông Obama cùng những người trong nội các của ông đang cho thấy vào lúc này, quan hệ Israel-Mỹ sắp được định hình lại theo cách thức đã từng chi phối dưới thời tổng thống Reagan từ 1982-1988: Israel là một đồng minh của Mỹ, nhưng không phải là đồng minh duy nhất. Mỹ vẫn hậu thuẫn công khai và mạnh mẽ Israel, nhưng vì những lợi ích của mình, Mỹ phải gìn giữ những quan hệ của mình với thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Bởi vậy, sau những năm tháng bế tắc, Mỹ chắc chắn sẽ đưa ra một kế hoạch tổng thể cho hòa bình ở Trung Đông.
Trang web Bitter Lemons (“Những quả chanh có vị đắng” của Israel, một diễn đàn đối thoại cho giới trí thức và chính trị thuộc các xu hướng) viết: “Nếu Washington vẫn là người bảo vệ an ninh của Israel thì không vì thế mà Mỹ không yêu cầu nhà nước Do Thái này phải có những biện pháp cụ thể về vấn đề Palestine và chấp nhận giải pháp chung cuộc về hai nhà nước cho cuộc xung đột ở Trung Đông. Nếu ông Obama giữ quan điểm này thì Israel sẽ buộc phải xác định lại đường hướng chính trị của mình sao cho tương thích với đường hướng của Mỹ. Nếu không vì lợi ích của hòa bình thì ít nhất cũng là để giữ được liên minh không chính thức với Washington”.
Tuy vậy từ mong muốn tới hiện thực sẽ còn là một khoảng cách lớn. Tiến sĩ Kaveh L Afrasiabi, một chuyên gia về Trung Đông, đánh giá ông Obama đang bước vào “bãi mìn đối ngoại” trong chuyến đi lần này. Theo ông, việc ông Obama đi thăm hai nước Sunni lớn là Ai Cập và Saudi Arabia có thể khiến nhiều nước Hồi giáo Shiite khác trong vùng coi đó như một sự tiếp nối của chính sách đối ngoại thời kỳ cũ của tổng thống Bush.
THANH TUẤN – KHẮC THÀNH (TTO)
Bình luận (0)