Tổng thống đương nhiệm George Bush sẽ có cuộc gặp với tổng thống mới đắc cử Barack Obama hôm nay tại Nhà Trắng. Trước mắt họ là cuộc chuyển giao đầy cam go
Chưa có tổng thống mới đắc cử nào trong lịch sử hiện đại lại chịu nhiều áp lực phải hành động ngay như ông Obama. Cũng chưa có tân tổng thống nào có ít lựa chọn như ông hiện tại khi kinh tế đang suy thoái, thị trường tài chính, tín dụng khủng hoảng, nước Mỹ bị trói tay bởi hai cuộc chiến ở châu Á, còn hình ảnh nước Mỹ thì suy giảm trên toàn cầu.
“Ít nhất 18 tháng để xoay chuyển”
Tình trạng thất nghiệp tăng phản ánh kinh tế đang trì trệ khi doanh số bán xe hơi đã giảm 32% trong tháng mười, ngành sản xuất đình trệ nhất trong vòng 26 năm qua, trong khi niềm tin của khách hàng giảm xuống mức kỷ lục. Nguy cơ suy thoái ngày càng sâu này đang đặt áp lực cho ông Obama phải nhanh chóng đưa ra được giải pháp và tập hợp được đội ngũ kinh tế của mình. Tình hình kinh tế khó khăn đặt ông Obama vào tình thế có rất ít lựa chọn.
GS Martin Feldstein của Trường ĐH Harvard và nhiều chuyên gia khác đánh giá lần suy thoái kinh tế này có thể sẽ trầm trọng hơn hai cuộc suy thoái trước vào năm 1990-1991 và 2001. Các nhà kinh tế khác hiện cũng đang giảm dự báo của họ. Đồng ý với quan điểm ông Obama gặp khó, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz của ĐH Columbia cho rằng tân tổng thống sẽ cần ít nhất 18 tháng để xoay chuyển nền kinh tế Mỹ dù ông “làm mọi thứ hoàn hảo”. “Sẽ không dễ chút nào” – ông Stiglitz viết trên tờ Washington Post.
Tiếp quản nền kinh tế suy thoái Theo Bloomberg, tổng thống mới sẽ tiếp quản nền kinh tế bị suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1982 tới nay. Các nhà kinh tế nói người Mỹ đã mất thêm 500.000 việc làm trong vòng hai tháng qua do kinh tế khó khăn. Tỉ lệ thất nghiệp trong tháng mười đã lên tới 6,5%. Theo nhóm nghiên cứu kinh tế của Goldman Sachs, kinh tế Mỹ dự kiến sẽ phát triển âm 3,5% trong quý 4-2008 và âm 2% trong quý 1-2009 – cao gấp đôi so với dự đoán trước đó. |
Tổng thống mới đắc cử trong cuộc họp báo đầu tiên hôm 7-11 tuyên bố bất cứ gói kích thích mới nào cũng sẽ nhằm đối phó với tình trạng thất nghiệp. Xuất hiện trong cuộc họp báo ở Chicago có thể thấy quanh ông có những nhân vật hàng đầu về tài chính như Paul Volcker – cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) thời Reagan, tỉ phú Warren Buffett, cựu bộ trưởng tài chính Lawrence Summers và Robert Rubin.
Tại quốc hội, phe Dân chủ đang chuẩn bị một gói kích thích tài khóa mới dự kiến thông qua trước khi tân tổng thống nhậm chức. Cũng đã có những kêu gọi FED tiến hành cắt giảm thêm lãi suất. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất của mình thêm một nửa còn 0,5% vào cuối năm, trong khi ông Obama và quốc hội sẽ đưa ra gói kích thích mới 300-500 tỉ USD.
Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số thượng viện Harry Reid đã gửi thư tới Bộ trưởng tài chính Henry Paulson đề nghị sử dụng tiền trong quỹ cứu trợ 700 tỉ USD để cung cấp hỗ trợ tạm thời cho các nhà sản xuất ôtô. Bà Pelosi và một số nghị sĩ khác đã có cuộc gặp trong hai ngày cuối tuần với lãnh đạo các tập đoàn General Motors, Ford và Chrysler. Ba tập đoàn này hiện đang xin vay 50 tỉ USD từ tiền liên bang để giúp vượt qua tình hình khó khăn nhất trong thị trường ôtô suốt 25 năm qua.
Bush: chuyển giao suôn sẻ là ưu tiên
Tổng thống Bush cam kết việc chuyển giao suôn sẻ sẽ là ưu tiên trong thời gian cầm quyền còn lại và cam kết “hợp tác hoàn toàn” trong quá trình này. Trong những tuần tới, các quan chức chính phủ sẽ lần lượt thông báo cho ông Obama về tình hình thị trường tài chính cũng như diễn biến cuộc chiến tại Iraq. Ông Bush nói: “Tôi đảm bảo tổng thống mới đắc cử sẽ được thông báo về mọi quyết định trong giai đoạn quan trọng này của đất nước”.
Quan hệ với Nga cũng được coi là một điểm nóng với Mỹ, khi Tổng thống Nga Medvedev tuần trước tuyên bố ông sẽ đặt tên lửa tầm ngắn Iskander và hệ thống phá sóng ở gần Ba Lan để “trung hòa” hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Một số nguồn tin nói ông Obama có thể không thiết tha theo đuổi hệ thống phòng thủ tên lửa và có thể giải tỏa được mối căng thẳng này.
Theo International Herald Tribune, ông Obama giờ phải đi dây giữa một bên là hợp tác với vị tổng thống tại nhiệm không được dân ủng hộ (trong suốt chiến dịch tranh cử dài, Obama đã cam kết để thay đổi những chính sách này) và xu hướng chờ đợi đến khi ông chính thức nắm quyền vào hai tháng rưỡi tới với những liều thuốc riêng của mình.
Bình luận (0)