Ốc nhồi được chế biến thành nhiều món ăn dân dã như bún ốc, ốc xào, canh ốc, ốc luộc hay những món ăn đặc sản: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng. Ốc nhồi còn dùng làm thuốc thông lợi đại tiểu tiện, giải uất nhiệt, tiêu thũng… là vị thuốc có lợi cho cơ thể con người.
Thành phần dinh dưỡng: Ốc nhồi chứa 11,9% protid; 0,7% lipid, các vitamin (B1 0,01mg%; B2 0,06mg%; PP 1mg%); các muối (Ca 1.357mg%; P 191mg%). Ốc cung cấp 86 calo/100g thịt.
Theo Đông y, thịt ốc có vị ngọt mặn, tính hàn; vào vị, đại tràng, bàng quang. Vỏ ốc có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, đái khó, phù nề, vàng da, bệnh tiểu đường, trĩ. Vỏ ốc có tác dụng giải tâm phiền. Cách dùng: nấu, hầm, nướng, xào (không dùng cho trường hợp tỳ vị hư hàn).
Một số thực đơn chữa bệnh có ốc:
Một số thực đơn chữa bệnh có ốc:
Canh ốc nhồi củ chuối tiêu: Ốc nhồi 500 – 1.000g, ngâm sạch, đập bỏ vỏ; củ chuối ép lấy nước đem nấu ốc, khi chín nhừ, thêm đường trắng và gia vị cho vừa ăn.
Ốc nhồi 500 g – 1.000g, củ chuối hay quả chuối xanh 500g. Ốc nhồi ngâm sạch, đập bỏ vỏ, thái miếng. Củ chuối hay quả chuối xanh gọt bỏ vỏ ngoài, ngâm nước, sau đó rửa sạch, thêm gia vị nấu với ốc thành một món đặc sản.
Hai thực đơn trên dùng lợi niệu chống phù nề. Nhiều lương y cho rằng hai thực đơn trên dùng tốt cho người đái tháo đường.
Ốc xào nấm hương: Ốc nhồi 500 – 1.000g, nấm hương 20g, thịt nạc 60g. Ốc nhồi ngâm nước sạch 1 – 2 ngày, đem đập lấy ốc sống, nấm hương ngâm rửa sạch để hết nước thái nhỏ, thịt nạc thái, trộn lẫn với ốc và nấm hương, thêm gia vị hành, gừng, bột tiêu, muối, dấm. Để 15 phút, xào to lửa với dầu chiên cho chín, thêm nước dùng khuấy cho sôi đều, cho ăn nóng. Dùng cho các trường hợp sốt nóng vàng da, tiểu ít.
Chữa xơ gan, viêm gan mạn tính: Ốc nhồi 250g, kê cốt thảo 30g. Nấu nhừ, ăn hàng ngày.
Nước canh ốc nhồi tàu hũ: Ốc nhồi 500 – 1.000g, đem đập bỏ vỏ ốc, nấu với tàu hũ (đậu phụ), hành củ (hoặc hành tươi) lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp say rượu, hôn mê.
Ốc nhồi luộc: Ốc nhồi 500 – 1.000g, ngâm nước sạch 2 – 3 ngày, đem luộc chín, khêu ốc ăn với nước gừng pha rượu và dấm mắm, đồng thời uống nước luộc ốc. Dùng cho bệnh nhân sốt nóng vàng da.
Vỏ ốc nhồi 2 cái, cỏ nhọ nồi 50g. Vỏ ốc rửa sạch, sao với cát, tán bột mịn. Cỏ nhọ nồi sấy khô, tán bột. Trộn đều hai bột với nhau. Xát vào răng lợi nhiều lần trong ngày. Chữa miệng lở, lưỡi giộp, lợi và niêm mạc lở loét.
Theo BS. Ngọc Trâm (Sức Khỏe & Đời Sống)
Bình luận (0)