Ngôn ngữ chát “hãi hùng” của tuổi teen. Ảnh: N.H |
Anh bạn tôi vốn là một nhà báo gần 50 tuổi viết về mảng thể thao. Tuần trước, anh bạn này gửi câu hỏi qua email cho cậu học sinh lớp 11, một tài năng bơi lội của TP.HCM đang đi thi đấu ở nước ngoài đề nghị được viết bài trước khi cậu học sinh này trở về nước. Ít hôm sau, học sinh này trả lời thư, anh bạn tôi đọc… toét mắt vẫn không hiểu nổi: “><jn lÔo~j méy hem ney 3m b4.n thj wóa, hok kó tjme tr4? loj* em4jl”. Anh bạn tôi đành gửi thư lần nữa, nhờ giải thích và cậu học sinh này cho “đáp án”: “Xin lỗi mấy hôm nay em bận thi quá không có thời gian trả lời email”, kèm theo lời giải thích: “Ngôn ngữ tuổi teen mà anh!”?!? Anh bạn tôi bức xúc quá nên đã bỏ ra hơn một tuần dạo qua các trang web học trò cũng như diễn đàn tuổi teen, cuối cùng gọi điện thoại cho tôi phấn khởi: “Tớ đã nắm được chút ít “quy luật” của ngôn ngữ @, đại loại A = 4, E = 3, i = j, iế = ít, không = hok, q = w, a = oa, ao = eo, c = k, b = p, ăng = eng… Ngôn ngữ @ rất ngắn, ví dụ: wá, wyển (quá, quyển); wen (quen); wên (quên); iu (yêu); lun (luôn); bùn (buồn); bit k? (biết không?); bít rùi (biết rồi); mí (mấy) ; dc (được); ko, k (không); u (bạn, mày); hack (siêu); hic (buồn); haha (vui)…”.
Hiện nay, ngôn ngữ chát, nhắn tin điện thoại hay nói rộng ra là ngôn ngữ @ này được hầu hết giới tuổi teen sử dụng. Một phụ huynh chia sẻ: “Con trai tôi học lớp 10, chép bài toàn dùng tiếng lóng. Mỗi lần cháu nói chuyện điện thoại với bạn bè cũng phát âm theo cách viết quái dị đó. Mấy người hàng xóm có con tuổi teen cũng lo lắng giống như tôi, bởi ngôn ngữ @ không chỉ sử dụng để tán gẫu hay trao đổi qua tin nhắn mà tôi còn thấy nhan nhản một số trang web hay diễn đàn vốn rất nghiêm túc của các trường THCS, THPT vẫn cho phép hiển thị ngôn ngữ kiểu này, vô hình trung tiếp tay cho học sinh làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt”.
Đáng báo động hơn là do thói quen, không ít học sinh đem các từ viết tắt để “chát” với nhau vào cả bài làm văn trên lớp, đọc không thể hiểu nổi. Mặc dù thầy cô giáo thường xuyên nhắc nhở nhưng nhiều em vẫn không sửa nên bị trừ điểm. Đã có không ít bài làm văn của học sinh THCS, THPT được đăng tải trên các báo mạng khiến người đọc phải “cười ra nước mắt” bởi lối viết tắt “hãi hùng” của tuổi teen. Nhưng cũng có nhiều bạn teen yêu tiếng mẹ đẻ, nghiêm túc trong giao tiếp đã không đồng tình với cách sử dụng ngôn ngữ “hỗn tạp” nói trên. Quá trình hội nhập, cùng với sự giao thoa văn hóa thì nhu cầu giao tiếp ngày càng đa dạng từ cách dùng từ, diễn đạt, góp phần tạo sự phong phú cho tiếng Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì qua cách nói và viết của nhiều bạn teen hiện nay khiến tiếng Việt ngày càng “biến dạng” đến khó hiểu. Lối viết và nói ấy vô tình hình thành thói quen xấu trong giao tiếp của thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt.
MINH HỮU (Q.Bình Thạnh – TP.HCM)
Bình luận (0)