Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ói nhiều khi sốt xuất huyết, bệnh dễ nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 3-9 bé Trần Thanh T. (12 tuổi, nhà ở phường 2, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) vào viện vì nôn ói nhiều, tay chân lạnh. Bác sĩ khám thấy bé có dấu hiệu của sốc xuất huyết nặng nên nhanh chóng cấp cứu cho bé T.. 

Sau 24 giờ điều trị, tình trạng bé T. ổn dần, vượt qua cơn nguy hiểm. Mẹ bé T. khai với bác sĩ là bé bệnh đã năm ngày, mới đầu sốt và ói nhiều, tưởng bị viêm họng nên mới bị ói, ai dè bị sốt xuất huyết.

Bác sĩ giải thích cho mẹ bé T. biết khi bệnh sốt xuất huyết trong hai ngày đầu rất khó nhận ra do lúc đó bệnh chỉ có các triệu chứng của nhiễm siêu vi thông thường như sốt cao, nhức đầu, đau mình mẩy, nôn ói…

Sau ngày thứ hai triệu chứng rõ ràng hơn với các biểu hiện của sốt xuất huyết như sốt cao liên tục, xuất huyết. Lúc này nếu nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết thì có thể thử máu, dựa vào kết quả máu thầy thuốc sẽ có chẩn đoán chính xác.

Trong bệnh sốt xuất huyết nếu người bệnh ói nhiều, uống không được, cần phải được tích cực theo dõi vì bệnh có khả năng chuyển sang nặng. Người bệnh ói nhiều là do siêu vi trùng kết hợp với kháng thể của người bệnh, tạo nên phản ứng viêm tại đường hầu họng và tiêu hóa làm bé bị ói.

Trong trường hợp nặng, khi gan sưng to, gan có khả năng chèn ép vào bao tử của người bệnh cũng kích thích làm người bệnh nôn ói.

Phần lớn trẻ ói nhiều sẽ gây nên tình trạng mất nước và các chất điện giải, nên phụ huynh chú ý đưa trẻ đến cơ sở y tế khám bệnh. Nếu được thầy thuốc cho về nhà chăm sóc, cần cho trẻ uống nhiều nước.

Tất cả loại nước trẻ thích đều dùng được như nước cam, nước dừa, nước chanh, nước suối, nước sôi để nguội.

Nên thay đổi các loại nước khác nhau để trẻ không thấy chán. Không nên cho trẻ uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có ga như nước xá xị, nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu vì sẽ khó nhận biết giữa sự chảy máu ở bao tử khi trẻ có nôn ói.

Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo, xúp. Tránh thức ăn quá nhiều dầu mỡ, trẻ sẽ thấy đầy bụng khó tiêu. Không ăn huyết heo, huyết vịt vì trẻ sẽ đi tiêu phân có màu đen, dễ lầm tưởng bị xuất huyết tiêu hóa.

Khi trẻ ói nhiều, nên bình tĩnh và kiên trì cho trẻ uống nước bằng cách: uống từ từ, dùng muỗng nhỏ đút từng muỗng, uống chậm mỗi muỗng cách nhau 30 giây tới một phút. Không ăn hoa quả, kẹo bánh, không uống nước ngọt, không uống quá nhiều sữa. Dùng thức ăn lỏng, dễ tiêu.

Nếu trẻ vẫn nôn ói liên tục, đau bụng nhiều vùng bụng bên phải, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám vì có thể là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)