Hạnh “xù” đã có một cuộc “cách tân” đối với chiếc áo trắng đồng phục nhàm chán ngày nào cũng phải mặc ở trường. Cái áo có năm cái khuy thì nhất định nó chỉ cài ba cái dưới, còn mấy cái trên thả tự do…
> Nữ sinh chủ động ngã vào… cạm bẫy!
> Nữ sinh ẩu đả: Chuyện đau lòng!
> Nữ sinh, rượu và những hiểm họa
Một lần tôi đi đón đứa em gái học ở trường cấp 3 CVA – một ngôi trường PT khá nổi tiếng trong công tác giáo dục PT của thành phố Hà Nội. Nhìn màu áo trắng học trò phất phới mà lòng tôi cứ bùi ngùi. Đã qua cái tuổi “gàn dở” này bao nhiêu năm rồi, giờ thấy học trò khác quá. Thông minh, sạch sẽ, cao ráo, ăn mặc đẹp, đi xe đạp thậm chí là xe máy cũng rất đẹp (bây giờ học sinh bị cấm đi xe máy nhưng họ vẫn đi), ăn nói thì bạo dạn, tự tin...
“Choáng” vì ngôn ngữ nữ sinh!
Tiếng trống trường đổ dồn, từng tốp, từng tốp học sinh tung tăng bước ra khỏi cổng trường, đứa dắt xe đạp, đứa đẩy xe máy. Một nhóm khoảng năm sau cô bé áo trắng quần xanh đồng phục chạy ào ra hướng về phía hai anh chàng cũng mặc đồng phục ngự trên hai “con” ét hát (SH) to tổ chảng không biết đã đứng cạnh chỗ tôi lúc nào.
Có lẽ họ đã quá quen thuộc với chuyện này nên rất nhanh nhẹn, hai cô gái đi đầu leo ngay lên yên xe của anh ét hát đen, ba cô còn lại cũng nhẹ nhàng ngự lên chiếc màu mận của anh chàng còn lại. Tiếng rú ga, tiếng cười nói, trêu ghẹo nhau của các nam thanh nữ tú. Hai chiếc xe vọt đi. Tôi chợt xây xẩm mặt mày vì một tiếng thét chói tai hoà lẫn cùng tiếng động cơ gầm rú của hai chiếc xe: Đ.m… chúng mày nhá, chờ bọn tao với… Giọng nói cùng những tiếng cười khanh khách thoát ra từ miệng cô gái ngồi sau cùng của chiếc xe màu mận.
Trên đường chở em về nhà, tôi “thắc mắc” với nó: Này, sao chúng mày bây giờ “sợ” thế? – Sợ gì hở anh? – Nói tục ghê quá. – Ôi, ông này “quê” quá, bây giờ đứa nào chả nói thế, không có họa là hâm. Mà mấy vụ đấy ăn thua gì, em kể cho anh nghe chuyện mấy “con” lớp em anh “choáng” luôn.
Theo lời nó kể thì đúng là mấy lời kia chỉ là những “chuyện thường ngày ở huyện”. Ví như “con” Hạnh “xù” lớp nó, hồi đầu năm học đã có một cuộc “cách tân” đối với chiếc áo trắng đồng phục nhàm chán ngày nào cũng phải mặc ở trường. Cái áo có năm cái khuy thì nhất định nó chỉ cài ba cái dưới, còn mấy cái trên thả tự do. Sau mấy ngày làm điên đảo bọn con trai trong lớp và ở trường, nó “được” đi gặp cô chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng. Điều tiếp theo là bản kiểm điểm và phải cam kết không được ăn mặc như thế nữa.
Với chiếc áo dài trắng đầy “nhàm chán”, em tôi bảo chúng cũng khối cách để làm cho nó nổi bật. Cả trường nó vẫn còn nhớ cái Thu “đơ” trong dịp khai giảng. Cái áo dài của nó đúng là “siêu mỏng, siêu sành điệu”, chẳng biết nó phải mất bao nhiêu lâu để lùng được miếng vải may áo được “như ý” thế, vì cái áo ấy nếu lỡ may có gặp mưa ướt thì chỉ cần quạt một cái là khô.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là “nội y” của nó, chẳng biết vô tình hay cố ý, nó chọn cái màu tương phản nổi bật trên cái nền trắng mỏng tang của bộ áo dài kia. Đến thầy cô nhìn thấy cũng phải đỏ mặt, chỉ biết lắc đầu ngao ngán cho lũ học trò bất trị, còn mặt nó cứ vênh lên vì… hãnh diện với bộ đồ “độc”.
Rồi mốt xăm mình, đeo khuyên ở mọi ngóc ngách cơ thể mới thật kinh khủng. Xỏ lỗ tai năm bảy “phát” bây giờ là chuyện “khuya” rồi, bây giờ bất kỳ chỗ nào xỏ được là các cô xỏ, rốn một lỗ, lông mày một lỗ, mũi cũng một lỗ. Rồi sành điệu hơn thì làm một viên ngọc trai ở… lưỡi. Và vô số chỗ nữa mà các bậc phụ huynh dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không thể ngờ được...
Nói tục trong học sinh bây giờ thì đúng là tai họa cho ngành giáo dục nước ta. Chúng trở thành phổ biến đến mức mà có lẽ người nói cũng không hề ý thức được rằng mình đang… chửi bậy!?. Mà đau xót thay, ta bắt gặp rất nhiều những ngôn từ “vàng ngọc” ấy phát xuất từ những cái miệng xinh xắn trên khuôn mặt thơ dại những cứ muốn mình phải già đanh, từng trải kia. Có những đứa cái sự “văng” khéo còn nhiều hơn cả số từ chúng nói trong một ngày. Những ngôn từ mà có lẽ những dân “anh chị” chắc cũng chỉ “dùng” nhiều hơn thế… một tí…
Nhà nghỉ… và bệnh viện
Từ sự “buông thả” trong ngôn ngữ dùng hàng ngày dẫn đến sự “thoải mái” trong lối sống cũng chẳng hề cách nhau là mấy.
Thời gian gần đây, có rất nhiều bài báo viết về việc nữ sinh nghiện lô đề, phim “đen” dẫn tới việc bỏ bê chuyện học hành. Và những nữ sinh này coi việc xem những loại phim kia là chuyện “bình thường” và thể hiện sự “bình đẳng giới”. Những nữ sinh này “lý sự”: Tụi con trai xem được thì… con gái cũng xem được. Đó là “nhu cầu”… chung chứ chẳng của riêng ai!?… Và tác hại của những ”thói quen” này là không thể kiểm soát nổi.
Trên một số chương trình TV và báo chí thỉnh thoảng người ta lại phát một đoạn băng quay cảnh những đôi thiếu niên vẫn còn mặc đồng phục học sinh dìu nhau vào nhà nghỉ bên Gia Lâm. Có lẽ đó là sự tất yếu của lối sống buông thả của một bộ phận học sinh, sinh viên bây giờ. Nếu chẳng may ta có “lỡ lời” nói đến “công, dung, ngôn, hạnh” trước mặt các cô gái trẻ bây giờ có lẽ sẽ bị cho là “lạc hậu”, hoặc họ sẽ nhìn ta như một kẻ… tâm thần có vấn đề.
Lối sống phương Tây, phim ảnh của Mỹ, luật chơi của “thời đại” đang dần ngấm sâu vào đầu óc thế hệ trẻ. Những quan niệm yêu thử, sống thử chẳng còn xa lạ với chúng. Chữ trinh đối với những cô gái thời đại @ chẳng đáng giá một xu. Theo một con số thống kê thì Việt Nam đang ở mức báo động về tỷ lệ nạo phá thai, đặc biệt nguy hại là khoảng 25% số đó ở lứa tuổi vị thành niên và 50% trong số đó là do thất bại trong việc dùng biện pháp tránh thai.
Khi “sự cố” xảy ra, các em phần lớn chọn giải pháp nạo phá thai. Thậm chí rất nhiều em gái cảm thấy bế tắc đã chọn con đường làm mại dâm hoặc tự tử…
Cách đây hơn một năm, cô bé hàng xóm mới học hết lớp 10 bẽn lẽn cùng mẹ sang nhà tôi đưa giấy mời dự đám cưới. Cái bụng lùm lùm đã lý giải mọi thắc mắc của tôi về cái sự lấy chồng sớm của cháu. Bố đứa trẻ sắp chào đời cũng bằng tuổi cô dâu. Vì là tình làng nghĩa xóm nên chính quyền dù thấy sai cũng chẳng phạt nổi, chỉ nhắc nhở là khi đến tuổi phải ra uỷ ban đăng ký...
Đến giờ tôi mới thấy thấm thía câu thơ của Xuân Diệu: “Thấy em đẹp quá khẽ lắc đầu…”. Tôi cũng đã đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đọc sách báo, xem phim Mỹ, phim Tây nhiều, cũng đã cố gắng “cải cách” cái đầu óc vốn bảo thủ trì trệ của mình cho phù hợp với thời đại nhưng cũng chỉ biết tự nhủ với mình một điều rằng: Các cô gái Việt Nam bây giờ đẹp quá, xinh quá, ưa nhìn quá. Các cô rất mạnh dạn trong giao tiếp, chủ động trong mọi tình huống, luôn tự tin về bản thân… Nhưng có điều tôi cứ thắc mắc: Nét đẹp của người con gái phương Đông, con gái Việt Nam ngày xưa có còn giá trị?
Tại buổi tổng kết chương trình bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình của trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản TPHCM hồi đầu năm nay, đại diện trung tâm cho biết số ca phá thai trong năm 2007 trên toàn thành phố là gần 111.000 ca, giảm không đáng kể so với năm 2006 (hơn 114.000 ca), trong đó phá thai dưới 18 tuổi chiếm 2%. Đáng lưu ý là tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại sau nạo hút thai chỉ có 36,4%, giảm 12,6% so với năm 2006. Trước con số “đáng sợ” trên, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đề nghị trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản tìm cách giảm tỷ lệ nạo phá thai vì theo ông, con số này là “vô địch” cả nước, thậm chí có thể “vô địch” thế giới. Còn theo một con số điều tra khác, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 500.000 ca nạo phá thai, nhưng thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều. Theo giới chuyên môn đánh giá, con số thực tế phải từ 800.000 – 1,3 triệu ca, do nhiều người lựa chọn nạo phá thai tại những cơ sở y tế tư nhân. Khu vực phía Nam là nơi có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất cả nước... |
Theo T.Hùng
Vnmedia
Bình luận (0)