Từ đầu tháng 5, bố mẹ Thuý – học sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) – đã mời 2 giáo viên tại 2 trường THCS cùng quận về nhà kèm thêm môn Văn, Toán cho con. Những gia sư “đặc biệt” này sở dĩ không thể mời từ đầu năm học vì giá đắt đỏ và không cần thiết.
Còn chưa đầy tháng, học sinh lớp 9 sẽ thi vào lớp 10. Vì tính chất quan trọng của kì thi đầu cấp, phụ huynh đã mời các giáo viên về nhà để ôn thi cấp tốc cho con với mục đích cố “vớt vát” kiến thức. Hiệu quả chưa biết sẽ đến đâu, nhưng có một thực tế là các em đang “quá tải”.
Giáo viên thế chỗ gia sư
Thuê gia sư về kèm con (Ảnh minh hoạ: giadinh.net)
|
Chị Loan, mẹ Thúy cho hay, bình thường, để con học gia sư sinh viên cũng được. Nhưng vào thời điểm này, rất cần thầy cô giáo hệ thống lại kiến thức.
Giá học mỗi buổi kéo dài 2,5 giờ là 170 ngàn đồng.
Khoảng 3 tháng trở lại đây, và đặc biệt là trong thời gian này, học sinh THCS bắt đầu “tăng tốc”.
Tuy nhiên, nhu cầu cho con học cấp tốc của các phụ huynh đôi khi bắt nguồn từ tâm lý “bầy đàn”.
“Thấy người khác cho con học, tôi như ngồi trên đống lửa. Có một người, hai người còn đỡ. Nhưng tất cả đều vậy thì tôi không thể ngồi yên”, chị Mai (phố Chùa Láng) chia sẻ…
Từ hôm họp phụ huynh, các ông bố, bà mẹ xung quanh đã kháo nhau mời thầy nào cô nào về dạy.
Mời muộn, chị Mai tiếc rẻ: “Giá mình mời sớm còn mời được thầy cô dạy tốt. Giờ những người dạy được đều kín lịch cả rồi”.
Hiện tại, con chị đang học với hai giáo viên “thường thường bậc trung” qua giới thiệu của cô chủ nhiệm. Giá vì thế cũng “mềm” hơn: 130 ngàn đồng/buổi.
Ngay cả với những học sinh yếu kém, cơ hội đỗ vào trường tốt không nhiều thì phụ huynh vẫn không tiếc tiền đầu tư cho con với mục đích cố "vớt vát" thêm được chút ít kiến thức.
Con anh Kiên, học Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) có học lực trung bình. Sợ con thi không qua, anh mời hẳn hai giáo viên dạy con suốt từ tháng 3 đến nay.
Anh không giấu lo lắng: “Thầy cô tốt đấy, nhưng không biết có bồi đắp thêm được gì. Học suốt 9 năm trời còn ra học lực yếu. Nhưng vẫn thuê thầy cô dạy để cả con và bố yên tâm".
Con thi, bố mẹ cũng ôn
Đối với những học sinh thi vào trường chuyên, lớp chọn, đây là quãng thời gian bị “áp” nhiều nhất.
Ngoài khối lượng chương trình học ôn như tất cả những học sinh THCS khác, Nguyễn Văn Việt – Trường THCS Thành Công (Ba Đình), phải ôn thêm môn Hóa để thi vào Trường THPT Hà Nội – Amsterdam.
Riêng môn học này, mẹ Việt mời một thầy giáo có tiếng kèm riêng. Việt phải đến tận nơi mới được học.
Do đó, cả ngày Chủ nhật, Việt "cắm" ở nhà thầy, trừ buổi trưa đạp xe về ăn rồi chiều lại tiếp tục.
Cả ngày như thế, tính ra la 5 giờ (2 ca), mỗi ca 200 ngàn đồng.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2008 – 2009. Ảnh Đ.T
|
Mẹ Việt xót ruột: “Biết là đắt đỏ quá, nhưng thầy dạy giỏi, từ tháng 5 đến tháng 6 cũng chỉ có 5 – 6 buổi Chủ nhật”.
Sáng, chiều, Việt học ở trường. Tối về học gia sư, một tuần 5 buổi (3 Văn, 2 Toán). Chỉ còn 2 buổi tối, gia sư chính là… mẹ.
Mẹ sẽ ngồi cùng và yêu cầu Việt đọc thuộc những công thức, định lý, bài thơ và tóm tắt những đoạn văn xuôi.
Chị Thủy, mẹ Việt tâm sự: “Tôi đi làm cả ngày về, mệt ngang nó đi học. Nhưng học 9 năm trời cũng chỉ đợi đến ngày này”.
Quá tải
Ngoài vấn đề tâm lý đang căng thẳng, lịch học dày đặc và chỉ “nhai đi nhai lại” kiến thức đôi khi phản tác dụng.
Không cần viết ra giấy hay nhẩm tính, Thúy có thể đọc ngay lịch sinh hoạt trong một ngày vì “đầu việc” chỉ có học và học: Sáng – chiều học trên trường. Tối học gia sư, cũng lại học các thầy cô giáo.
Kết thúc học gia sư là tự học, đến 12h đi ngủ. 6h sáng hôm sau ngủ dậy và cái vòng quay đó lại tiếp tục.
Thúy than: “Ngày xưa học hơn chục môn cũng chán vì phải học nhiều. Bây giờ chỉ còn 2 môn, nhưng suốt ngày nhai đi nhai lại, ớn không kém”.
Cô bé trình bày với mẹ, cho rằng không cần thiết phải học thêm nhiều nữa, vì có học thêm vài thầy cô thì các thầy cô vẫn nói đi nói lại những điều như nhau, chưa kể mỗi người có một cách giảng riêng, đôi khi khiến em bị “rối”.
2 tuần nay, Thúy tỏ ra chán học. Một phần vì tâm trạng “sợ học” như trên, một phần vì tâm lý bất ổn do sắp chia tay bè bạn, xa trường xa lớp, xa thầy cô giáo.
Dù đã quen học với “cường độ” cao từ lớp 7 đến giờ, nhưng Việt cũng khá uể oải: “Không còn một khoảng thời gian trống nào để đi chơi, để tập thể thao và đá bóng. Suốt ngày cắm mặt vào sách vở, quả là không có tí hứng thú nào”.
Nhiều lúc, tự tạo cho mình cảm giác thoải mái, nhưng mẹ cậu vì quá quan tâm nên vô tình làm cậu con trai thêm mệt mỏi.
Từ lúc làm về đến lúc đi ngủ, thậm chí đi từ trong nhà tắm ra, điệp khúc mẹ luôn “hát” cho Việt nghe là: “Cố học đi con, còn gần một tháng nữa thôi là xong”.
Tuy nhiên, Việt cho rằng việc học này đã không mang lại nhiều kết quả như mẹ cậu hi vọng.
“Những gì cần, em đã học hết trong sách giáo khoa rồi. Bây giờ chỉ là học lại, ôn lại và làm bài tập nâng cao thôi. Cái đó lúc đi học thêm trong năm, em và các bạn vẫn làm thường xuyên”.
Cẩm Quyên (Vietnamnet)
Bình luận (0)