Sáng 18-4, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tổ chức chương trình họp mặt nhằm ôn lại truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển của bảo tàng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chương trình là dịp tri ân các thế hệ lãnh đạo bảo tàng, các dì Tổ sử phụ nữ Nam bộ, các tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng bảo tàng trên nhiều lĩnh vực, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống phụ nữ Nam bộ nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại chương trình, bà Phạm Thị Diệu – Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết, ý tưởng thành lập bảo tàng dành riêng cho giới nữ được khơi gợi vào ngày 20-10-1982.
Hơn 200 cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM gồm nhiều thế hệ đồng loạt ủng hộ và biểu thị sự nhất trí là cần phải tổng kết lịch sử phong trào phụ nữ Nam bộ, đánh giá những cống hiến của phụ nữ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hình thành nên những bài học lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

Để có được công trình có bề dày về lịch sử và khoa học, một Ban biên tập được gọi là Tổ sử phụ nữ Nam bộ, gồm 13 cán bộ lão thành cùng các cán bộ phụ nữ các cơ sở đã lặn lội khắp các địa phương tại Tây Nam bộ, Đông Nam bộ tập trung tìm kiếm hình ảnh, tư liệu, kể cả tư liệu sống, hình thành nên tác phẩm “Phụ nữ Nam bộ thành đồng”.
Sách không cũng chưa đủ, Tổ sử phụ nữ Nam bộ thấy cần phải có hiện vật trưng bày để minh chứng cụ thể và sống động về những cứ liệu mà mình đã viết và Nhà Truyền thống phụ nữ Nam bộ ra đời vào ngày 29-4-1985.
Theo thời gian, hiện vật cùng tư liệu hình ảnh ngày càng nhiều, nhu cầu cần phải phát triển nhà truyền thống lớn mạnh thành bảo tàng được đặt ra. Với quá trình 5 năm chuẩn bị nội dung và tiến hành cuộc vận động quy mô, ngày 18-5-1990, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chính thức cắt băng khánh thành.
“40 năm nhìn lại, có những điều chưa làm được như mong muốn nhưng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã từng bước khẳng định mình và trưởng thành hơn. Thế hệ cán bộ, viên chức bảo tàng hôm nay luôn nỗ lực làm hết sức mình, đoàn kết để cùng nhau đưa Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ ngày càng phát triển”, bà Diệu chia sẻ.
Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM khẳng định, qua 40 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trải qua chặng đường dài với nhiều thử thách nhưng cũng đầy tự hào. Bảo tàng không chỉ trở thành nơi lưu giữ những hiện vật giá trị của người phụ nữ Nam bộ trong cuộc đấu tranh cứu nước mà còn là nơi giáo dục về văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, đóng góp rất lớn vào việc dựng và phát triển ngành văn hóa cho TP.
Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thực hiện trưng bày chuyên đề “Hành trình 40 năm – Câu chuyện từ những hiện vật”.

Trưng bày giới thiệu đến công chúng những hiện vật của bảo tàng được trao tặng, sưu tầm trong 40 năm qua nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam bộ nói riêng.
Mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn liền với quá trình đấu tranh anh dũng của phụ nữ Nam bộ, gắn liền với những đóng góp của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Hồ Trinh
Bình luận (0)