Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ớn lạnh… thực phẩm Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyên liệu làm mứt Tết có dòi lúc nhúc, bột ớt chứa chất gây ung thư, thịt đông lạnh nhập khẩu hết hạn sử dụng… Đó là những ghi nhận của cơ quan chức năng tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Tết
Cũng như các năm trước, Tết là dịp để các cơ sở làm ăn không chân chính lợi dụng tung hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để kiếm lời.
Thùng chứa nguyên liệu có dòi
Ngày 29-1, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện và đình chỉ hoạt động cơ sở Kim Nga (khu phố 2, đường số 3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân- TPHCM) do sản xuất bột ớt và bột điều chứa chất Rhodamine B, một loại hóa chất sử dụng trong công nghiệp nhuộm, dệt và bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì có thể gây ung thư.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP, kết quả kiểm nghiệm do thanh tra thực hiện cho thấy trong mẫu bột ớt của cơ sở này có chất Rhodamine B với hàm lượng 51,12 mg/kg, còn trong mẫu bột điều là 33,41 mg/kg.

Cơ sở Như Ý sản xuất mứt trong khu vực mất vệ sinh
Trước đó không lâu, qua kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh mứt và lạp xưởng trên địa bàn TP, đoàn thanh tra của Sở Y tế đã phát hiện nhiều cơ sở không bảo đảm ATVSTP trong sản xuất. Tại cơ sở sản xuất lạp xưởng Sanpan (đường 36, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), thanh tra ghi nhận cơ sở này kinh doanh 18 mặt hàng, trong đó có 10 mặt hàng mua của đơn vị khác rồi đóng tên của cơ sở lên bao bì.
Riêng lạp xưởng tươi do cơ sở này sản xuất chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Ngoài ra, tại đây đang có hàng chục gói phụ gia có xuất xứ từ nước ngoài nhưng không nhãn mác hoặc quá hạn sử dụng; nguồn nước sử dụng không được xét nghiệm…
Nghiêm trọng hơn, cơ sở sản xuất mứt Như Ý (Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) sản xuất mứt trong khu vực mất vệ sinh, thậm chí trong thùng chứa nguyên liệu có dòi bò lúc nhúc. Trong biên bản xử phạt của thanh tra đối với cơ sở này đã ghi nhận: Khu vực sản xuất nằm cạnh hố ga bốc mùi, các công đoạn sản xuất, đóng gói được thực hiện dưới nền đất.

Nguyên liệu làm mứt lúc nhúc dòi tại cơ sở Như Ý
Trong hàng trăm thùng ngâm các loại trái cây làm mứt có nhiều thùng đã sủi bọt hôi hám, mứt thành phẩm bị ruồi bu đầy. Cơ sở này sử dụng 3 loại phẩm màu để tẩm ướp sản phẩm nhưng không rõ nguồn gốc. 
Theo Thanh tra Sở Y tế, công tác kiểm tra thực phẩm để bán trong dịp Tết Nguyên đán đang được các đoàn ráo riết triển khai, chủ yếu tập trung vào các cơ sở chế biến, sản xuất các mặt hàng rượu bia, bánh mứt, giò chả, thịt đông lạnh, trứng gia cầm, nước chấm, cháo dinh dưỡng, suất ăn công nghiệp…
Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra từ ngày 19-1 đến nay cho thấy vi phạm chủ yếu ở các cơ sở sản xuất là chưa bảo đảm ATVSTP, trang thiết bị chưa đáp ứng, nguồn gốc nguyên liệu không rõ ràng…
Hàng ngàn tấn thịt quá hạn sử dụng
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI, cơ quan này đang khẩn trương phối hợp đơn vị liên quan để xử lý vụ doanh nghiệp “bỏ thịt quá hạn chạy lấy người” với hàng ngàn tấn thịt đông lạnh nhập khẩu đã hết hạn sử dụng. Bốn container thịt gà (gồm cánh và đùi) nhập khẩu này đã hết hạn sử dụng từ năm 2009, bị bỏ tại cảng nhưng đến nay vẫn không có chủ hàng đến nhận.
Nếu không được phát hiện, rất có thể số lượng thịt khổng lồ này sẽ được bán ra thị trường vào dịp Tết. Trước đó, cơ quan này cũng phát hiện 2.500 tấn thịt gà nhập khẩu không đạt các chỉ tiêu ATVSTP, đã bị buộc tái xuất. Tuy vậy, ông Bình thừa nhận việc tiêu hủy hay tái xuất hàng ngàn tấn thịt quá hạn sử dụng hoặc không bảo đảm ATVSTP là vấn đề không đơn giản.
Cũng theo ông Bình, đến thời điểm này, lượng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu đã giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Từ cuối năm 2009 đến nay, mỗi tháng chỉ có khoảng 2.000 -3.000 tấn thực phẩm đông lạnh nhập về TPHCM. Riêng thịt gà trong nước, do không có dịch bệnh trên diện rộng, nguồn cung và giá cả sẽ không có biến động nhiều. 
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH / NLĐ

Bình luận (0)