Một tiết ôn tập của HS khối 12 tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng |
Để học sinh (HS) có đủ tâm thế bước vào kỳ thi quyết định trước ngưỡng cửa tương lai, các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng đã bắt tay vào ôn tập cho các em; đồng thời tổ chức nhiều chương trình tư vấn nhằm giúp các em có sự lựa chọn đúng để đạt được kết quả cao…
Học đến đâu ôn tập đến đó
Nhằm tránh bị động cho HS, cùng với việc học nội dung chương trình sách giáo khoa, các giáo viên bộ môn đã lên kế hoạch ôn tập kiến thức cho HS. Thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang), cho biết: “Với đặc thù trường đóng tại địa bàn vùng ven, lại có nhiều HS dân tộc thiểu số theo học nên việc ôn tập bổ sung kiến thức được nhà trường thường xuyên thực hiện. Một mặt giúp các em bổ sung kiến thức, mặt khác giúp các em không bị hổng kiến thức trong suốt năm học về những chương, bài đã học từ đầu năm. Mặt khác, vừa học vừa củng cố kiến thức thì HS sẽ không bị ngợp khi cuối năm dồn lại trong một khoảng thời gian ngắn để ôn tập khiến các em lo lắng và rơi vào trạng thái bối rối”.
Những điểm thí sinh tự do lưu ý khi đăng ký thi THPT Năm nay là lần đầu tiên các thí sinh tự do hệ THPT được quyền sử dụng điểm bảo lưu từ kỳ thi năm 2015 để xét tốt nghiệp. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, điểm bảo lưu của thí sinh do cơ quan chủ quản của trường phổ thông nơi thí sinh đã dự kỳ thi THPT năm 2015 xác nhận. Theo đó, với thí sinh đăng ký dự thi năm nay tại trường phổ thông nơi các em đã dự thi năm 2015, trường phổ thông căn cứ kết quả điểm thi năm 2015 (nếu có) để xác định điểm bảo lưu cho thí sinh. Thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được chọn địa điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại một trong các đơn vị đăng ký dự thi do sở GD-ĐT quy định. Thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển ĐH, CĐ được lựa chọn thi tại cụm do trường ĐH chủ trì và nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại địa điểm phù hợp với điều kiện của thí sinh. Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2016 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước. TTX |
Thầy Hảo cho biết thêm, với riêng HS dân tộc thiểu số nội trú ở trường, chúng tôi có đội ngũ giáo viên quản lý vào ban đêm, đồng thời đó cũng là thời gian các giáo viên giúp các em ôn bài”. Còn cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu) cho hay, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chú trọng đến việc ôn tập cho HS. Trong đó 3 môn thi bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ được tổ chức ôn tập 4 tiết/tuần vào thời gian trái buổi với thời khóa biểu chính khóa của HS. Sau 6 tuần, nhà trường tổ chức kiểm tra một lần để các em nhìn nhận khả năng của mình ở từng môn học rồi từ đó lựa chọn các lớp học phụ đạo phù hợp với khả năng. Cô Hồng cũng cho biết thêm, nhà trường chỉ đạo các tổ bộ môn lên kế hoạch, đề cương ôn tập của từng môn học cùng với hệ thống câu hỏi, bài tập đi kèm được xây dựng ở 3 mức độ khác nhau phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS.
Hầu hết các trường THPT tại Đà Nẵng đều tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức, cho HS tập làm quen với phương thức ra đề trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ trước đây. Đối với những môn tự luận có dạng đề mở được giáo viên bộ môn cho HS tập dượt nhiều lần, tự cảm nhận theo định hướng của giáo viên. “Cần phải rèn luyện cho HS kỹ năng cảm nhận, phán đoán, phân tích và tổng hợp đối với mỗi dạng đề thi để đem lại hiệu quả cao”, thầy Hảo nhấn mạnh.
Tư vấn chọn môn cho học sinh
Nỗ lực trong ôn tập, các trường còn tổ chức các chương trình tư vấn cho phụ huynh và HS trong định hướng chọn môn thi. Thầy Phan Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu), cho biết cùng với việc tư vấn chọn nghề, định hướng nghề nghiệp vào các buổi chào cờ đầu tuần, ngay từ đầu tháng 4 nhà trường đã tiến hành cho HS đăng kí chọn môn để tổ chức kỳ thi thử nhằm đánh giá năng lực; qua đó HS có thể nhìn nhận khả năng của mình đến đâu để có sự cân nhắc lựa chọn môn thi (ngoài 3 môn bắt buộc), ngành nghề hợp lí. “Thông thường dựa vào năng lực của HS, chúng tôi tư vấn cho các em chọn các môn tự chọn gần với tổ hợp xét tuyển để tránh bị điểm liệt”, thầy Hùng nói.
Thầy Hùng cũng cho biết, theo số liệu đăng kí ban đầu của HS, có 161 em đăng kí khối A; 272 em đăng kí khối A1; 50 em đăng kí khối B; 235 em đăng kí khối D và 15 em đăng kí khối C.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Bá Hảo cho biết trước khi HS đăng kí môn thi tự chọn, nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm đều lưu ý các em cần cân nhắc kỹ. Xác định rõ ngành mình muốn học nhưng có đủ năng lực để lựa chọn cho đúng. Sau đó phải tìm hiểu các tổ hợp xét tuyển đối với ngành học này để chọn môn đăng ký dự thi phù hợp. “Một điểm khác là theo phương thức ra đề vài năm trở lại đây, HS cần phải có kỹ năng vận dụng, phân tích, tổng hợp. Nên trong quá trình chọn môn cần loại bỏ tâm lý nếu không học được môn tự nhiên thì chọn môn xã hội cho dễ… bịa. Nhưng thực tế, ngay cả việc đã học thuộc bài thì vẫn chưa đủ điều kiện để đạt điểm cao. Vì vậy HS cần lựa chọn môn theo thế mạnh, năng lực của mình”, thầy Hảo nói.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)