Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ôn tập môn Vật lý: Ba điều cần nhớ

Tạp Chí Giáo Dục

Vật lý không phải là môn học thuộc lòng thuần túy mà đòi hỏi học sinh phải nắm vững bản chất hiện tượng vật lý, các khái niệm, định luật và vận dụng kiến thức vật lý để giải thích hiện tượng trong thực tế.
Cần tập phản xạ nhanh nhạy và cẩn thận khi làm bài thi môn Vật lí.
Để đạt được điểm cao trong quá trình thi trắc nghiệm môn vật lý, các em cần chú ý các điểm sau:
60 – 70 phần trăm câu hỏi cơ bản
+ Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có bốn phương án trả lời, trong đó có một phương án đúng (đối với câu tìm phương án đúng) hoặc một phương án sai (đối với câu tìm câu sai).
Với nhiều phương án như vậy, nếu học sinh không nắm vững kiến thức cơ bản rất dễ chọn nhầm. Ví dụ: con lắc đơn muốn dao động điều hòa thì lực cản môi trường coi bằng không và góc oc nhỏ, học sinh thường bỏ qua điều kiện oc nhỏ.
+ Học tất cả các phần trong SGK, không bỏ qua bất kỳ kiến thức cơ bản nào trong chương trình, bởi câu hỏi trắc nghiệm khi thi có nội dung phủ đều ở tất cả các phần trong chương trình. Nếu học thuộc lòng từng bài, không nắm được bản chất, không nắm được các ý chính, rất khó trả lời các câu trắc nghiệm, dễ dẫn đến sai lầm; do đó các em phải nắm được bản chất từng bài. Mỗi bài học vật lý chỉ có một, hai nội dung cơ bản mà thôi.
Ví dụ: Khi nói về dao động, phải phân biệt được thế nào là dao động, dao động tuần hoàn, dao động tiến hóa, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, so sánh sự khác nhau cơ bản giữa các dao động đó.
+ Học sinh thường thích lao vào giải các bài quá khó (nhiều khi không hiểu) mà thường bỏ qua các câu hỏi cơ bản. Nên nhớ rằng, một đề thi đại học thường chiếm 60 – 70 phần trăm câu hỏi rất cơ bản, nếu trả lời sai thì thật đáng tiếc, nhất là khi điểm các câu hỏi cơ bản và câu hỏi khó như nhau.
Học sinh thường mất điểm đối với câu hỏi lý thuyết (do không nắm được bản chất vật lý của hiện tượng và không đọc kỹ câu hỏi). Loại câu hỏi này chỉ cần thời gian rất ngắn so với các câu hỏi định lượng.
Ví dụ: Nói ánh sáng trắng là tập hợp bảng màu: đỏ, da cam, vàng, lục lam, chàm, tím là sai, mà phải nói: ánh sáng trắng là tập hợp các ánh sáng đơn sắc có bước sóng biến thiên liên tục từ đỏ đến tím.
+ Nội dung kiến thức vật lý gồm nhiều phần: Dao động, sóng, dao động điện, dao động điện từ, sóng ánh sáng, nguyên tử…, do đó, học sinh nên học kỹ theo từng chuyên đề cẩn thận. Nếu phần nào chưa vững nên nhờ sự giúp đỡ thêm của bạn bè, thầy cô và sưu tầm thêm các câu hỏi liên quan đến kiến thức còn yếu.
Sau khi có kiến thức chắc chắn từng phần, học sinh mới nên tham gia vào các buổi ôn tập tổng hợp hoặc thi thử. Nếu thấy phần nào còn yếu nên quay lại chuyên đề đó để ôn lại.
Các em nên nhớ rằng, nếu chưa nắm chắc kiến thức cơ bản của từng phần, từng chuyên đề, thì chưa nên tham gia vào làm đề tổng hợp hoặc thi thử vì nóng vội chỉ làm cho các em hoang mang.
Tập phản xạ nhanh, nhạy
Đề thi tốt nghiệp THPT có 40 câu, đề thi đại học có 50 câu, nếu không phản xạ nhanh, rất khó có đủ thời gian làm bài. Muốn phản xạ nhanh cần chú ý các điểm sau:
+ Bám chắc các khái niệm, định luật trong SGK để chọn câu đúng.
+ Dùng phương pháp loại trừ đối với các câu hỏi mà các em thấy sai, không đúng với định nghĩa ở SGK.
+ Nhớ công thức định lượng để giải toán nhanh, không phải chứng minh lại.
Cẩn thận
+ Về lý thuyết vật lý: Phải đọc câu hỏi một cách cẩn thận, không đọc lướt qua, tìm ra ý đúng của đáp án để chọn phương án đúng.
+ Về bài tập: Phải nhớ được các công thức đơn giản trong quá trình giải toán, để áp dụng không phải chứng minh lại.
Ví dụ: x2/A2 + v2/A2.w2 = 1 
+ Nhớ đơn vị của các đại lượng, khi đổi chúng ra hệ đơn vị SI, đặc biệt là các bài tập về hạt nhân nguyên tử.
Để làm bài thi tốt, cần chú ý các điểm sau:
Thứ nhất: Đọc lần lượt từng câu, thấy câu nào dễ, quen thuộc thì làm trước. Câu nào khó, hoặc còn phân vân thì để trống làm sau. Làm được một lượt, chúng ta mới quay lại các câu chưa làm.
Thứ hai: Nên làm các câu định tính trước vì thời gian quyết định nhanh, còn các câu định lượng, mặc dù biết cách làm, nhưng cần thời gian nhiều nên để sau. Không nên tập trung quá nhiều thời gian vào một vài câu hỏi khó, quá sức mình.
Thứ ba: Những câu hỏi nào cần cân nhắc, đắn đo, nên áp dụng nhiều cách: Phương pháp loại trừ loại bỏ các đáp án sai, sau đó cân nhắc những phương án còn lại, hoặc dùng chính những phương án còn lại, hoặc dùng chính những kết quả đó để thử lại kết quả.
Thứ tư: Sau khi làm bài xong, còn một vài câu quá khó, không nên bỏ trắng đáp án mà nên tìm một đáp án khả dĩ nhất để đánh dấu, nếu đúng thì được điểm, nếu sai cũng không sao.
Thứ năm: Không nên đánh dấu một câu có hai đáp án đúng (máy quét sẽ loại ngay câu đó) hoặc các câu đều đánh dấu cùng một đáp án đúng (ví dụ tất cả các câu đều chọn đáp án A)…
Dương Đức Thắng
Tổ trưởng Tổ Tự nhiên Trường THPT Chu Văn An Hà Nội
Theo TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)