Nhiều địa phương và các nhà trường đã thực sự coi đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT mới công bố là một tài liệu quan trọng trong giai đoạn ôn thi nước rút.
Hướng dẫn học sinh tự làm theo thời gian quy định
Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã có công văn gửi các trường THPT và trung tâm GDTX hướng dẫn sử dụng đề thi tham khảo phục vụ việc ôn thi, trong đó nhấn mạnh đề thi tham khảo được Bộ GD-ĐT công bố lần này là tài liệu quan trọng giúp giáo viên (GV), học sinh (HS) có cách nhìn khái quát về mức độ, phạm vi kiến thức, cấu trúc của đề thi.
Sở cũng yêu cầu các trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn, GV hướng dẫn HS tự làm đề thi tham khảo với thời gian làm bài theo quy định trong kỳ thi. Căn cứ đáp án đề thi tham khảo, HS tự chấm điểm bài thi của mình, tự đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.
Cũng theo ông Dũng, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường cho tổ nhóm chuyên môn họp để thảo luận về đề thi tham khảo, chú trọng việc phân tích cấu trúc, ma trận đề thi, các chủ đề kiến thức… từ đó rút kinh nghiệm trong việc triển khai ôn tập, hướng dẫn HS làm bài thi. Căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị chủ động điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho những HS có học lực yếu đạt kết quả cao nhất. GV bộ môn tổ chức thảo luận, phân tích và chữa từng câu hỏi cụ thể trong đề thi tham khảo cho HS lớp mình phụ trách về các phương án làm bài, kỹ năng làm bài thi, chỉ rõ sai lầm HS thường mắc phải, định hướng việc học ôn thi…
Một số trường ở Hà Nội cho biết, dù Sở không tổ chức thi thử toàn thành phố nhưng sau khi có đề tham khảo thì trường sẽ tự tổ chức thi để HS lớp 12 làm quen với đề tham khảo như thật của Bộ.
Tại TP.HCM, ông Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức), cho hay Bộ công bố đúng vào thời điểm các trường vừa kết thúc chương trình nên GV có thể đánh giá chính xác, cụ thể về nội dung, yêu cầu kiến thức. Ngoài việc nhắc nhở HS tập làm để biết mình đạt được đến mức độ nào, nhà trường yêu cầu GV các tổ bộ môn phải nghiên cứu, đánh giá mức độ phân hóa của đề. Sau đó, trong các tiết dạy, GV và HS cùng làm, bổ sung kịp thời những nội dung kiến thức cần thiết.
Tương tự, Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4) cũng khuyến khích HS thực nghiệm đề thi áp dụng đúng quy định về thời gian cho từng bài thi, môn thi. Do Bộ công bố đề tham khảo vào cuối tuần nên ngay sáng ngày đầu tuần, ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng nhà trường đã tổ chức buổi họp với GV các tổ chuyên môn và nhắc nhở: “GV phối hợp đề tham khảo lần này với đề minh họa công bố 2 lần trước để nghiên cứu thật kỹ cấu trúc, ma trận, các mức độ yêu cầu. Từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp cho thời gian còn lại từ nay đến ngày thi”.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Marie Curie (Q.3), lên kế hoạch trong gần một tháng ôn thi sẽ cho HS tập dượt các câu hỏi về đồ thị.
Thi thử, bồi dưỡng theo trình độ…
Tại Ninh Bình, theo ông Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở GD-ĐT, dựa vào đề tham khảo, Sở sẽ tổ chức thi thử cho tất cả HS lớp 12 từ ngày 18 – 20.5.
Ông Lưu Hải An, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên (tỉnh Bắc Giang), cho hay trên cơ sở phân tích đề minh họa, đề thử nghiệm và đề tham khảo, trường phân loại HS trong lớp thành từng nhóm để bồi dưỡng phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, GV Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), qua 3 lần công bố đề thi của Bộ, các nhà trường, tổ chuyên môn, GV có thể tự xây dựng ngân hàng đề thi bộ môn, chủ động tổ chức ôn tập và đánh giá, phân hóa rõ rệt, chính xác, khách quan năng lực thực chất của HS theo các trình độ. Những dạng đề đã được công bố sẽ là gợi ý tích cực cho GV và HS trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp ôn tập phù hợp với xu hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực người học hạn chế hiện tượng học thêm tràn lan tại các trung tâm luyện thi.
Đề giảm số lượng câu “đánh bừa đáp án” ?
Nhận xét về đề thi tham khảo môn toán, ông Đồng Văn Đạt, Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho rằng cấu trúc không thay đổi nhiều, những lần trước, các câu khó được bố trí ngay trong từng nội dung kiến thức thì đề thi tham khảo, các câu hỏi khó dồn về phía cuối, từ câu 44 trở đi và độ phân hóa khá hay.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nhận xét đề tham khảo không còn các câu hỏi ứng dụng thực tế, tập trung vào các kiến thức chuyên sâu. Vì vậy HS sẽ không phải mất thời gian dành cho các câu hỏi này nữa.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, GV Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng dựa trên kết quả của việc thử nghiệm ngân hàng đối với nhiều HS, đề toán tham khảo đã được giảm độ khó so với đề thử nghiệm. Điều này sẽ giúp HS khá giỏi thuận lợi hơn trong làm bài, giảm số lượng câu “đánh bừa đáp án”. Các câu ở mức độ vận dụng cao trong đề đều đảm bảo tính phân hóa và yêu cầu tư duy ở mức linh hoạt, thông minh, phản ứng nhanh nhưng không nặng về tính toán biến đổi nhiều. Cách hỏi hợp lý tránh tình trạng HS quá phụ thuộc vào việc sử dụng máy tính cá nhân, nhằm đảm bảo yêu cầu phân hóa ở mức độ tốt nhất có thể.
Theo ông Hải, các câu hỏi trong đề thi thử nghiệm đã khai thác trọng tâm vào những vấn đề cơ bản nhất, đồng thời cũng có độ phong phú, cách hỏi mới, những bài toán có yếu tố thực tiễn. Điều này đòi hỏi cả người dạy và người học cần có sự chuyển động, đổi mới tư duy, phương pháp dạy học để thích ứng tốt nhất với yêu cầu đổi mới.
Để làm tốt được đề thi tham khảo môn toán, ông Hải lưu ý, thí sinh cần phải nắm chắc và hiểu bản chất các vấn đề, học kỹ các khái niệm cơ bản, khả năng tổng hợp kiến thức, linh hoạt trong cách giải và tránh phụ thuộc quá nhiều vào máy tính cá nhân.
Với môn ngữ văn, bà Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng cách ra đề tham khảo có tác dụng định hướng ôn tập cho GV và HS, phù hợp với năng lực, nhu cầu của từng đối tượng tham gia dự thi. Đồng thời, đảm bảo độ bao phủ về thể loại, về các kiểu ra đề, tránh học tủ, ôn tủ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi thời điểm tổ chức kỳ thi đang đến gần.
Sai sót trong đề thi tham khảo môn hóa
Đề thi tham khảo Bộ mới công bố có tính phân hóa tốt, đủ các mức độ để xét tuyển vào các trường khác nhau và bám sát nội dung chương trình 12. Tuy vậy, tiếc là ở môn hóa đã có một sai sót. Cụ thể câu 74 môn hóa học có đến 2 phương án trả lời cùng đúng như sau:
Câu 74. Hỗn hợp E gồm chất X (C3H10N2O4) và chất Y (C3H12N2O3). Chất X là muối của a xít hữu cơ đa chức, chất Y là muối của một a xít vô cơ. Cho 2,62 gr E tác dụng với dung dịch NaOH dư, đun nóng, thu được 0,04 mol hỗn hợp hai khí (có tỷ lệ mol 1 : 3) và dung dịch chứa m gr muối. Giá trị của m là
Như vậy bài toán đã cho có 2 phương án trả lời đều đúng. Đây là sai sót đáng tiếc ở một câu được cho là khá hay trong đề tham khảo này. Theo tôi, để chọn một phương án duy nhất, đề nên cho như sau: “thu được 0,04 mol hỗn hợp hai
khí Z, T (MZ < MT; nZ : nT = 1 : 3)…” để chọn phương án trả lời đúng là 2,40. Hoặc cho “thu được 0,04 mol hỗn hợp hai khí Z, T (MZ > MT; nZ : nT = 1 : 3)…” để có phương án trả lời đúng là 2,54.
Nguyễn Đình Độ
(Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM) |
Áp lực thời gian với môn toán
Nếu đề thi chính thức tương tự thì chúng em gặp áp lực thời gian đối với môn toán vì nhiều câu hỏi đi sâu vào lý thuyết. Một số câu hỏi phải dành hơn 2 phút để giải và có khi HS trung bình phải bỏ. Với môn toán em sẽ học kỹ lý thuyết hơn nữa”.
Bùi Trần Tùng Anh
(HS lớp 12A12 Trường THPT Marie Curie TP.HCM)
5 – 6 điểm không khó !
Đề thi bám sát sách giáo khoa, với HS trung bình, mức 5 – 6 điểm là không khó. Chỉ cần ôn kỹ lý thuyết, nắm các dạng bài tập cơ bản là có thể làm được. Đối với HS khá, hoàn toàn có thể đạt được mức 7 – 8 điểm. Để đạt mức 9 – 10 điểm thì cần suy luận chặt chẽ, logic mới có thể hoàn thành bài thi”.
Phạm Hương Giang
(HS lớp 12A1 Trường THPT Nhân Việt TP.HCM)
Có hay không bài thực hành ?
Đề thử nghiệm môn sinh có các câu hỏi trong bài thực hành nhưng đề tham khảo lần này thì lại không có. Chúng em đang khá băn khoăn, rốt cuộc đề chính thức có hay không?
Một HS tại Q.Tân Phú, TP.HCM
|
Đề văn chưa thuyết phục
Đề văn tham khảo lần này không hay, khó cho việc xây dựng đáp án chấm và mục đích phân loại thí sinh (TS) chưa cao.
Ở phần đọc hiểu (3.0 điểm), câu 1 và 2 khá dễ. Câu 1 giống với hình thức trắc nghiệm, còn câu 2 chỉ cần nhìn vào văn bản là trả lời được. Tuy nhiên câu 3 và 4 lại quá khó cho TS yếu, trung bình, TS dễ trả lời những ý chung chung, nên sẽ khó cho việc thống nhất một cách chấm cụ thể.
Điểm thiếu thuyết phục nhất, điểm làm cho đề văn không tạo được hứng thú cho TS làm bài hoặc sẽ trùng lặp lại các ý giống nhau, và điểm này gây nên sự buồn tẻ, nhạt nhẽo của bài thi, cả cho giám khảo, đó là ở các câu 3, 4/phần đọc hiểu và câu 1 (2.0 điểm)/phần làm văn thực chất là chỉ bàn về một vấn đề (niềm đam mê). Ở câu 2 (5,0 điểm)/phần làm văn, cả 2 ý kiến trái chiều (về nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân), thực chất là 2 mặt trong một vấn đề, chỉ cần nắm chắc tác phẩm, nhân vật Tràng là làm được. Nên ra đề theo cấu tạo 2 mức: phần nghị luận chung (dành cho mọi TS) và phần nâng cao, mở rộng, liên hệ, so sánh (để phân loại xét tuyển) thì hợp lý hơn.
Trần Ngọc Tuấn
(GV Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM) |
Tuệ Nguyễn – Bích Thanh/ TNO
Bình luận (0)