Khi ôn tập khái niệm điểm uốn trong môn Toán, dành không quá 15 phút để HS nhớ khái niệm và cách tính tọa độ; không hướng dẫn sâu lý thuyết. Môn Văn phải ôn tập tất cả các bài trong hướng dẫn.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Hải Châu cho biết như vậy trước những phản ánh của giáo viên về hướng dẫn thi tốt nghiệp.
Môn Toán: Chương trình không cụ thể
HS lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, HN. Ảnh: Bảo Anh
|
Các giáo viên thắc mắc: Phần kiến thức "điểm uốn của đồ thị" nằm trong phần đọc thêm của SGK, nhưng trong hướng dẫn ôn tập lại "yêu cầu mọi HS học về điểm uốn".
Vụ Giáo dục Trung học nêu rõ, chương trình môn Toán đã nêu không cụ thể, chi tiết: Chương trình chuẩn (trang 143, 144), Chương trình nâng cao (trang 217, 218) môn Toán lớp 12 về chủ đề "Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số", đã nêu chuẩn kiến thức, kỹ năng giống nhau và đều không nói đến điểm uốn.
Tuy nhiên, SGK viết theo chương trình nâng cao lại trình bày khái niệm điểm uốn trong mục "Điểm uốn của đồ thị", trang 39, giải tích 12 nâng cao- NXBGD, 2008; SGK viết theo chương trình chuẩn trình bày khái niệm điểm uốn trong bài đọc thêm "Cung lồi, cung lõm và điểm uốn", từ trang 24 đến 27, Giải tích 12 – NXBGD, 2008.
Từ đó, Vụ Giáo dục Trung học hướng dẫn lại: Yêu cầu bắt buộc để vẽ chính xác đồ thị là phải xác định một số điểm đặc biệt của đồ thị. Chẳng hạn như giao điểm của đồ thị với các trục tọa độ. Khi đó, điểm uốn của đồ thị cũng là điểm đặc biệt cần xác định để vẽ chính xác đồ thị.
Khái niệm điểm uốn, cách xác định điểm uốn cũng đơn giản hơn so với khái niệm cực trị và cách xác định điểm cực trị HS được học trong chủ đề này.
Mặt khác, có những bài tập không nói đến điểm uốn nhưng vẫn phải sử dụng điểm uốn mới giải được.
Hướng dẫn ôn tập đã yêu cầu HS nắm được khái niệm điểm uốn trong khi ôn tập chuẩn bị kiến thức, kỹ năng.
Tuy nhiên, SGK cũng lưu ý, có thể bỏ qua việc xác định điểm đặc biệt nào đó của đồ thị nếu việc tính toán để xác định điểm đặc biệt đó quá phức tạp; điểm uốn của đồ thị cũng trong lưu ý này.
Môn Văn: 5 bài không có trong chương trình
Đối với môn Văn, cấu trúc đề thi năm 2009 không có 5 bài trong Chương trình THPT (Thông điệp nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS- 1/12/2003 (Cô -phi An- nan); Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (Trích Đến hiện đại từ truyền thống – Trần Đình Hượu); Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại (Trích Bàn về đạo Nho – Nguyễn Khắc Viện); Tư duy hệ thống – nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy (Trích Một góc nhìn của trí thức – Phan Đình Diệu…).
Theo ông Châu, văn bản hướng dẫn ôn tập môn Ngữ văn có đầy đủ các bài như quy định trong chương trình THPT.
Tuy nhiên, các địa phương, không ôn tập theo nội dung trong cấu trúc đề thi vì nội dung đó chỉ minh họa cấu trúc đề thi.
Bảo Anh (Vietnamnet)
Bình luận (0)