Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ôn tập “thông thái”!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia tâm lý, khi ôn tập, các em học sinh phải tạo tâm lý thoải mái cho bản thân. Ảnh: T.L

Còn hơn ba tháng nữa học sinh lớp 12 trên cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2016. Tuy thế, việc ôn luyện của học sinh tại một số trường hiện cũng cấp tập như đang “chạy nước rút”.

Kết quả thì còn phải chờ, nhưng hệ lụy dễ thấy trước mắt là có một số học sinh đang rất mệt mỏi, căng thẳng vì cách ôn tập không hợp lý.

Căng thẳng, mệt mỏi vì học không đúng cách

Lấy việc ôn của môn này để giảm căng thẳng cho việc ôn môn kia là bí quyết của nhiều người thành công về việc học.

Do quá lo lắng về kỳ thi nên nhiều học sinh đã lên một kế hoạch ôn tập dày kín các buổi trong tuần. Đó là vừa học ôn ở trường, vừa đăng ký học thêm ở các trung tâm luyện thi, hoặc thuê gia sư về nhà… Do đó các em “ôm” vào mình lịch học quá tải. Nếu kéo ra dài ngày sẽ trở nên mệt mỏi, đầu óc căng thẳng, kiệt sức, cảm thấy thiếu ngủ. Vì thế đến giờ học ôn thì ngủ vùi, đầu óc bão hòa, không thể nạp thêm được kiến thức. Cũng có nhiều học sinh vì thức quá khuya, hoặc lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê… Đồng ý rằng có thể có hiệu quả trước mắt. Nhưng hôm sau đầu óc rất nặng, kiến thức chẳng đọng lại được gì. Gây lãng phí cho những buổi học ôn ngày sau.

Lại có nhiều học sinh hoặc là chủ quan “nước đến chân” vẫn chưa chịu “nhảy”, hoặc phân bổ việc ôn tập chưa hợp lý như cho rằng ôn bài tập trước, lý thuyết học sau hay ôn môn này trước, môn kia sau… Sự chủ quan và cách ôn bài không hợp lý như thế dẫn đến tác hại là bài học không kỹ, và khi thời gian cận kề đến nơi thì chính những môn chưa kịp ôn ấy tạo ra cho người học tâm lý quá lo lắng, hoang mang, khó có hiệu quả.

Cần có cách ôn thi hiệu quả

Vậy làm sao ôn tập có hiệu quả? Khoa học đã chứng minh rằng để bộ não có điều kiện nhớ lâu về kiến thức, phải tạo cho nó một “lối mòn”. Lối mòn ấy có được là do người học phải ôn luyện nhiều lần để tạo nên. Việc học dồn, học ép trong một thời gian quá ngắn tất sẽ tạo ra sự quá tải về dung nạp. Thực tế đã có nhiều thí sinh khi vào phòng thi không nhớ một chút gì cả là do ôn không đúng cách này.

Để ôn tập tốt, trước hết phải xây dựng một thời gian biểu hợp lý. Nhiều phụ huynh vì quá lo lắng cho con em đã đầu tư lịch học quá dày, không có thời gian tự học. Cần nhớ rằng nghe giảng, ghi chép chỉ là cách tiếp nhận một chiều, chính tự học mới giúp người học tích lũy được cái gì riêng cho mình.

Không học ép, học dồn. Phải phân chia việc ôn các phần, các môn theo thời gian biểu cho hợp lý. Lấy việc ôn của môn này để giảm căng thẳng cho việc ôn môn kia là bí quyết của nhiều người thành công về việc học. Không nên thức quá khuya, không lạm dụng những chất kích thích. Trước khi ngủ nên hệ thống lại kiến thức đã ôn trong ngày. Buổi sáng nên dậy sớm một chút vừa để chuẩn bị cho một ngày mới, vừa tranh thủ ôn bài. Sẽ hiệu quả cho những môn học lý thuyết.

Cần quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Hạn chế sử dụng, tiếp xúc với các trang mạng xã hội vì rất mất thời gian. Không tham gia các môn thể thao quá nặng, hạn chế bớt công việc của gia đình… Cuối cùng, phải tạo cho mình có một tâm lý thật sự phấn chấn, thoải mái. Không nên quá chủ quan, nhưng cũng không quá lo lắng căng thẳng. Cần nhất là có sự tự tin. Chính nó là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại trong kỳ thi sắp tới.

Trần Ngọc Tuấn (GV THPT)

Bình luận (0)