Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn địa lý. Ảnh: Anh Khôi
|
Theo chương trình, sách giáo khoa địa lý lớp 12 được chia ra làm 4 phần: Phần địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý kinh tế và địa lý vùng kinh tế. Với khối lượng nội dung như thế không dễ để học sinh ghi nhớ hết vì 4 phần trên đều nặng lý thuyết, đòi hỏi phải tư duy logic.
Vì vậy, muốn am hiểu và ghi nhớ lâu vốn kiến thức trên, các em không nên học vẹt, học từng chữ mà cần học theo sơ đồ tư duy. Đó là sơ đồ hóa kiến thức một cách liền mạch, logic bởi vì nội dung các phần trên liên quan đến nhau. Cụ thể là học chi tiết các đặc điểm cụ thể của từng vùng miền, không nên học qua loa, sơ sài.
Để dễ nhớ, khi ôn tập cần phát hiện ra các chi tiết khác biệt giữa các vùng. Ví dụ nói đến kinh tế 7 vùng thì chúng ta dựa vào Atlat, ghi nhớ sườn bài, kết hợp để tránh nhầm lẫn giữa các vùng. Còn nói đến khí hậu thì chúng ta có thể phân biệt đồng bằng sông Hồng có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có mùa hè nóng ẩm nhưng mùa đông phi nhiệt đới lạnh và khô; Trung du miền núi Bắc bộ có thêm độ cao; Trung bộ có gió phía Tây Nam… Các em học theo cách tư duy như vậy sẽ giảm được áp lực về gánh nặng lý thuyết.
Atlat hỗ trợ học sinh rất nhiều trong phần kinh tế 7 vùng và địa lý tự nhiên. Vì vậy, trong quá trình ôn tập các em cần rèn luyện kỹ năng đọc Atlat để ghi nhớ. Ở Atlat cũng có thể khai thác kiến thức nếu lỡ quên khi vào phòng thi. Ví dụ, nói đến sự phân bố cây lâu năm và cây hàng năm ở các vùng kinh tế thì có thể ghi nhớ những cây đặc trưng của từng vùng như cây lâu năm ở đồng bằng sông Cửu Long có cây dừa, ở Trung du miền núi Bắc bộ có cây chè; Tây Nguyên hầu như có đa số cây lâu năm, còn các vùng đồng bằng thường có nhiều cây hàng năm… Sau khi học xong các đặc điểm trên thì mở Atlat để dò lại lần nữa tập cách ghi nhớ.
Về số liệu, những năm gần đây đề thi hướng đến các kỹ năng tư duy nhiều hơn là việc nhớ con số máy móc nên học sinh chỉ cần nhớ các số liệu chính trong một khoảng nào đó. Còn các số liệu quan trọng hầu hết đã được ghi trong Atlat. Về phần địa lý kinh tế, chủ yếu là dùng Atlat và vẽ sơ đồ. Thông thường vẽ sơ đồ đã chiếm 2 điểm trong bài thi; vẽ bảng biểu số liệu chiếm từ 1 đến 1,5 điểm. Ở đây học sinh nên chú ý rèn luyện các kỹ năng đọc Atlat, kỹ năng phân tích số liệu, đọc biểu đồ, phân tích các đặc điểm kinh tế, tăng trưởng dựa trên số liệu.
Về cách nhận biết biểu đồ, học sinh chỉ cần nhận biết các từ chủ yếu mang tính chủ đề. Ví dụ, nói cơ cấu thì có 2 loại biểu đồ cần vẽ đó là biểu đồ miền (dành cho câu hỏi có số liệu 4 năm trở lên) và biểu đồ hình tròn (biểu diễn số năm ít hơn biểu đồ miền, chủ yếu là 2 năm). Nếu đề thi có câu hỏi gồm hai đơn vị và hai đại lượng khác nhau thì vẽ biểu đồ hình cột có 2 trục tung, trường hợp câu hỏi gồm hai đơn vị và một đại lượng thì vẽ biểu đồ hình cột. Lưu ý, ở các dạng câu hỏi liên quan đến biểu đồ, học sinh nên rèn luyện làm bài tập đa dạng để thành thục.
Những năm gần đây đề thi hướng đến các kỹ năng tư duy nhiều hơn là việc nhớ con số máy móc nên học sinh chỉ cần nhớ các số liệu chính trong một khoảng nào đó. Còn các số liệu quan trọng hầu hết đã được ghi trong Atlat.
|
Tóm lại trong quá trình ôn tập, học sinh cần chú ý rèn luyện thành thạo kỹ năng đọc bảng biểu số liệu, kỹ năng phân tích và kỹ năng sơ đồ hóa kiến thức để có tư duy tổng hợp kiến thức, nhớ lâu, nhớ kỹ.
Để đạt được điểm cao cho bài thi môn địa lý, các em cần xác định được trọng tâm câu hỏi yêu cầu cái gì. Vận dụng kỹ năng phân tích, kỹ năng vẽ biểu đồ, kỹ năng đọc Atlat, tránh sai sót. Lưu ý, trong quá trình làm bài thi các em cần chú ý khâu diễn đạt, xử lý số liệu chính xác, trả lời các câu hỏi đề ra một cách logic, ngắn gọn, đúng yêu cầu và chú ý trình bày sạch đẹp.
Phan Thị Lệ Thu (giáo viên Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng)
Cần có câu khó hơn để phân loại thí sinh
Theo cô Nguyễn Tuyết Thanh, giáo viên dạy môn địa lý Trường THPT Hải Hậu A (Nam Định), đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT chưa rõ để phân loại thí sinh vì không có câu quá khó. Do đó sẽ khó phân biệt được năng lực của thí sinh ở điểm 8-9 hay 10. Với đề này, mức điểm chủ yếu từ 5 đến 7. Tuy nhiên, nếu học sinh có quyết tâm thì vẫn đạt được điểm 9-10.
Đề minh họa này có một phần của đề thi tốt nghiệp THPT và một phần của đề thi ĐH năm 2014. Nhưng không có câu để phân loại tốt thí sinh như đề thi ĐH năm 2014. Trong một câu hỏi, Bộ GD-ĐT cũng đã đan xen 2 loại câu hỏi. Có một ý giải quyết kiến thức cơ bản cho học sinh tốt nghiệp và một ý yêu cầu học sinh phải giải thích vấn đề để xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, với đề thi này, vẫn không cứu được thí sinh bị điểm liệt. Nếu trong đề thi có một ý liên quan đến khai thác Atlat hoặc một bài về tính năng suất lúa trên đầu người thì với những thí sinh không học vẫn có thể không bị điểm liệt.
Nhìn chung, với mẫu đề này thì so với năm 2014 là nhẹ hơn đề thi ĐH và khó hơn với đề thi tốt nghiệp THPT.
Nghiêm Huê (ghi)
|
Bình luận (0)