Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ôn tập tốt nghiệp THPT môn hóa: Cần nắm vững kiến thức cơ bản

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết dạy – học môn hóa tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
Để ôn tập tốt môn hóa hướng tới một kỳ thi “2 trong 1” đạt kết quả cao, trước hết học sinh cần nắm được những kiến thức cơ bản nhất trong sách giáo khoa (SGK), đặc biệt là SGK lớp 12 và chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT.
Theo đó, học sinh phải nắm vững lý thuyết các khái niệm, định nghĩa, định luật, quy luật của cả phần vô cơ và hữu cơ. Nắm kỹ phản ứng giữa các chất với nhau để dễ dàng tính toán khi gặp các dạng bài tập phản ứng này. Điểm quan trọng là cần có tư duy tổng hợp một cách logic (sơ đồ tư duy) các phần lý thuyết trên, không nên bỏ qua bất cứ phần nào đã được quy định trong chương trình học trong SGK lớp 12.
1. Phần lý thuyết của môn hóa trong đề thi chiếm tỉ lệ khá nhiều và câu hỏi đa dạng nên để ghi nhớ các em cần nắm thật kỹ những kiến thức quan trọng, như: Phản ứng este hóa; thủy phân este; tráng gương của glucozơ; aminoaxit lưỡng tính; phân loại polime; kim loại phản ứng với nước, axít, dung dịch muối; nắm vững các công thức của este, cacbohidrat, amin, aminoaxit, polime, nước cứng, thạch cao, phèn chua, criolit, boxit, hematit, manhetit, pirit sắt, số lượng đồng phân este, amin, aminoaxit, peptit; các tính chất vật lý chung của kim loại… Sau đó vận dụng vào các dạng bài tập từ các mức độ nhận biết, thông hiểu đến mức cao một cách thành thạo, chọn lọc để rút ra các kinh nghiệm nhằm tích lũy kiến thức lâu bền, tránh việc đọc, học vẹt mau nhớ nhưng chóng quên. Đối với bảng tuần hoàn hóa học, cần ghi nhớ thật kỹ những kiến thức, phương trình quan trọng. Với những vấn đề như các chất hoặc phương trình phản ứng, những kim loại tan trong nước… khó nhớ thì các em nên tập ghi nhớ bằng cách vận dụng thơ, ca dao để nhớ được lâu.
2. Về phần bài tập, phải luyện thật nhiều các dạng bài từ mức độ vận dụng cơ bản, mức độ vừa thật kỹ. Ngoài ra các em nên dành thời gian để làm bài tập vận dụng mức độ cao để tránh việc mất điểm đáng tiếc trong khi làm bài thi. Phải phân tích được yêu cầu của đề ra. Vận dụng kỹ năng trắc nghiệm, bắt đầu từ nhận biết, áp dụng kiến thức của mình, thậm chí nếu với bài tập khó thì các em vận dụng phương pháp thử ngược kết quả như trong toán học để tìm ra cách giải.
Bên cạnh đó, các em nên dành thời gian luyện các dạng bài tập ở các đề thi tốt nghiệp, ĐH những năm gần đây. Cố gắng nghiên cứu đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT, so sánh với đáp án của mình vừa làm và trả lời câu hỏi tại sao sai, sai ở đâu để có sự điều chỉnh.
Để tiếp cận được đề thi vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp và ĐH, CĐ, các em cần phải chuẩn bị cho mình một tư duy tổng hợp kiến thức thật tốt.
3. Bình tĩnh là điều tiên quyết trước khi bước vào một kỳ thi. Bởi vì thông thường môn hóa bao giờ cũng nằm trong khung thời gian của các môn thi cuối nên các em thường có tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng nếu mất bình tĩnh sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Các em hãy cẩn trọng đọc qua một lượt đề thi sau đó mới bắt tay vào làm bài. Đọc kỹ tất cả các đáp án để nhận ra giới hạn của câu hỏi. Thường thì các em hãy làm từ trên xuống dưới bởi 10 câu đầu bao giờ cũng là câu hỏi ở mức độ dễ và vừa phải. Tuy nhiên, do đề thi trắc nghiệm nên nhiều khi các mã đề bị xáo trộn thì 10 câu đầu tiên có thể rơi vào câu hỏi khó. Theo kinh nghiệm những năm trước, nhiều em thấy các câu hỏi đầu khó nên dễ dẫn đến sự chán nản và thiếu “nhiệt” trong quá trình làm bài thi, vì vậy nếu không chắc chắn kết quả thì các em cứ bình tĩnh làm lần lượt các câu dễ trước, câu nào chắc chắn đáp án thì làm, còn các câu khó sẽ vận dụng phương pháp thử đáp án sau sao cho bài thi đạt kết quả cao nhất có thể.
Nguyễn Thị Hồng Trang
(Tổ trưởng Tổ hóa, Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng)
Đề minh họa chưa hợp lý về mặt nội dung
Về tổng thể cấu trúc, đề thi minh họa môn hóa của Bộ GD-ĐT tương tự như đề thi khối A năm 2014. Trong đó, số lượng câu hỏi dễ tăng lên, ví dụ như câu 2, 4, 8, 12, 20, 28, 40, 41, 31. Thậm chí, có những câu hỏi khó hơn câu khó nhất trong đề thi khối B năm 2014 như câu 25, 43, 21, 49. Đề thi minh họa mở rộng cơ hội đỗ tốt nghiệp cho thí sinh với khoảng điểm từ 5-6 điểm. Tuy nhiên, rất khó để đạt từ 9-10 điểm bởi vì đề thi đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà cần có khả năng tổng hợp, biết cách vận dụng kiến thức vào những tình huống khó, lạ của đề. Bên cạnh những ưu điểm trên, đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT còn chưa hợp lý về mặt nội dung. Cụ thể như hầu hết các câu hỏi lý thuyết đều dễ, rất dễ; một vài câu còn trùng lặp về ý tưởng như câu 1 và câu 9. Số lượng câu hỏi bài tập liên hệ thực tiễn hơi nhiều và đơn điệu như câu 2, câu 13 và câu 34. Câu hỏi bài tập hầu như đều rất khó. Một số nội dung kiến thức quan trọng còn chưa được đề cập trong đề thi. Bên cạnh đó, đề thi hầu như tập trung vào một số dạng câu hỏi lý thuyết và bài tập nhất định. Đề thi mặc dù đã phân loại được nhóm thí sinh trung bình và giỏi, tuy nhiên rất khó để phân loại thí sinh ở phổ điểm từ 6 đến 8. Đặc biệt, đề thi minh họa được biên soạn chưa công phu, có câu hỏi được lấy nguyên từ đề thi ĐH những năm trước như câu 50 của đề thi minh họa với câu 2 mã đề 263 của đề thi khối A năm 2008.
Vũ Khắc Ngọc (GV môn hóa tại Trung tâm Hocmai.vn online)
 
 

Bình luận (0)