Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ôn tập tốt nghiệp THPT môn toán: Vận dụng thành thạo các dạng bài tập

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học môn toán của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng).  Ảnh: V.Yên
Thực tế đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có minh họa về cấu trúc đề thi chuẩn để giáo viên bộ môn có một định hướng nhất định để bám sát, chuyển hướng ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng đã bắt tay vào việc ôn tập để chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho học sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” với rất nhiều điểm mới.
Bám sát chương trình lớp 12
Để tích lũy kiến thức nền cần thiết trong môn toán, điều trước mắt là giáo viên và học sinh cần bám sát hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tập trung chú trọng vào chương trình lớp 12. Cụ thể, giáo viên hướng dẫn cho học sinh nắm vững kiến thức lý thuyết, công thức; nghiên cứu kỹ và thực hành thuần thục các dạng bài tập, những ví dụ trong sách giáo khoa. Cần thiết nắm vững và vận dụng thành thạo các chủ đề trong sách giáo khoa, nội dung chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, như: Chủ đề đồ thị hàm số; lũy thừa, hàm số mũ và hàm số logarit; số phức; nguyên hàm; phương pháp tọa độ trong không gian… Cùng với sự hỗ trợ định hướng của giáo viên, học sinh cũng cần bám sát những quy định cho dùng trong đáp án đề thi, bám sát những văn bản, quy chế chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để việc ôn tập đúng hướng và có kết quả. Về phần các câu hỏi có tính chất vận dụng cao như: 3 câu hỏi khó cuối đề thi, giống như các năm trước, học sinh cần nghiên cứu ôn luyện thêm phần này để nắm vững kiến thức. Một điểm quan trọng nữa, theo tinh thần quy chế mới, trong khi giáo viên nghiên cứu đưa vào giảng dạy và ôn tập phần giao cách chương trình giữa phần chuẩn và phần nâng cao thì học sinh cần cố gắng tiếp thu, rút ra kinh nghiệm cho các dạng bài tập này. Bởi vì năm nay kết quả của một kỳ thi sẽ được dùng chung cho cả xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ nên đề thi sẽ có sự đổi mới đáp ứng yêu cầu trên.
Tránh học lệch định hướng nội dung
Về phương pháp ôn tập, muốn đạt hiệu quả cao các em tránh học lệch định hướng nội dung. Theo đó, học sinh cần lưu ý: Thứ nhất, ngoài việc nắm vững kiến thức cơ bản của sách giáo khoa, các em cần nghiên cứu đề song song với việc đọc đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT trong đề thi những năm gần đây, ít nhất là 3 năm trở lại đây. Thứ hai, nghiên cứu kỹ phương pháp giải, cách trình bày đáp án để rút ra kinh nghiệm cho việc làm bài thi của mình. Đồng thời với đó các em phải bám sát sách giáo khoa và sách bài tập, kể cả chương trình chuẩn và nâng cao, bởi vì đề thi thông thường là nguyên liệu được chọn lọc từ sách giáo khoa và sách bài tập mà học sinh đã được học trong chương trình được làm mới lại với một đề bài khác hoặc câu hỏi khác. Nắm vững được các điểm này, vận dụng thành thạo các dạng bài tập theo các chủ đề thì chắc chắn các em sẽ tự tin làm bài tốt.
Một lưu ý nữa là khi bước vào phòng thi, các em cần có sự bình tĩnh, cẩn thận trong đọc và phát hiện yêu cầu của đề thi tránh việc vội vã dẫn đến nhầm lẫn, hiểu sai yêu cầu của đề dẫn đến mất điểm đáng tiếc. Sau khi đọc qua đề một lượt, tùy theo năng lực của mình, các em có thể lựa chọn, làm những câu hỏi dễ trước, sau đó giải quyết đến các câu hỏi khó hơn để tránh mất thời gian. Phần bài làm cần chú ý cả ba khía cạnh giải bài tập đúng, đầy đủ các bước giải và trình bày bài thi đẹp. Cẩn thận xem lại bài thi trước khi rời phòng thi nếu còn thời gian.
Phan Xuân Quang (giáo viên môn toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) 
Đề phân hóa 4 mức độ: Dễ, trung bình, khó và cực khó
Thầy Lê Anh Tuấn (giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) cho biết đề thi minh họa môn toán của Bộ GD-ĐT đảm bảo phân loại thí sinh với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ bằng 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cụ thể, đề thi chia nhỏ thành 10 câu với 12 ý, hướng đến mở rộng cơ hội cho thí sinh gia tăng điểm số, đặc biệt là với thí sinh có mục tiêu đỗ tốt nghiệp. Đề thi phân hóa thành 4 mức độ: Dễ, trung bình, khó và cực khó. Những câu hỏi ở mức độ khó và cực khó bao gồm bất đẳng thức, giá trị lớn nhất – giá trị nhỏ nhất và hình giải tích phẳng (hệ tọa độ Oxy). Trong đó, câu 10 (bất đẳng thức, giá trị lớn nhất – giá trị nhỏ nhất) có mức độ khó hơn năm trước, thí sinh có thể dễ dàng nhận diện được phương pháp làm nhưng lại rất khó trong quá trình giải. Đặc biệt, câu hình giải tích phẳng với sự xuất hiện kiến thức đường tròn bàng tiếp (hiếm khi xuất hiện trong đề thi 5 năm gần đây) chứng tỏ kiến thức trong đề thi sẽ rất rộng và lạ. Những câu hỏi ở mức độ trung bình, khó bao gồm câu 9 (xác suất thống kê), câu 4 (bất phương trình), câu 6 (hình học không gian). Những câu hỏi này tương tự như đề thi năm trước. Những câu hỏi còn lại ở mức độ dễ, giúp thí sinh dễ dàng lấy điểm. Theo thầy Tuấn, đề thi đảm bảo phân loại thí sinh (đề rộng và lạ), đồng thời với việc gia tăng số lượng câu hỏi dễ là việc gia tăng mức độ câu hỏi khó. Vì thế, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6-6,5 điểm.
N.Huê (ghi)
 
 
 

Bình luận (0)