Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ôn thi cấp tốc, có nên chăng?

Tạp Chí Giáo Dục

Sĩ tử có thể ôn thi tại nhà và ôn theo nhóm chứ không nhất thiết phải đến các trung tâm luyện thi. Ảnh: N.Anh

Còn gần một tháng nữa đến kỳ thi ĐH, CĐ 2012, trong thời điểm này nhiều sĩ tử dành thời gian đăng ký ôn thi ở các trung tâm luyện thi ĐH cấp tốc.
Đi học vì theo tâm lý đám đông
Anh Tiến Nam(Dĩ An, Bình Dương) cho biết con gái anh vừa thi tốt nghiệp lớp 12 xong là gia đình đã nhờ người quen tìm phòng trọ ở TP.HCM để anh kịp thời đưa con lên ôn thi ĐH cấp tốc. Con gái anh dù không muốn đi ôn thi vì thời gian quá ngắn và còn phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp, nhưng để thỏa lòng ba mẹ nên đành phải nghe theo. Còn em Khánh An (Đồng Xoài, Bình Phước) đang ôn thi ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phân vân: “Vừa thi xong tốt nghiệp, em và nhóm bạn cùng lớp liền xuống thành phố đăng ký vào lớp ôn thi ĐH cấp tốc. Em không biết học cấp tốc thế này có đạt kết quả tốt không, nhưng các bạn nói không ôn thi khó mà đậu được ĐH…”.
Có nhiều trường hợp thí sinh đi ôn thi cấp tốc vì không tin tưởng vào bản thân, hoặc vì phong trào và có thể do sự lôi kéo, rủ rê của bạn bè, do tâm lý coi ôn thi cấp tốc như là một liều thuốc “an thần” trước khi bước vào kỳ thi.
Một điều mà các phụ huynh cũng như các em học sinh có nhu cầu ôn thi cấp tốc cần lưu ý là không phải trung tâm ôn luyện nào cũng đảm bảo chất lượng. Phương pháp giảng dạy của nhiều giáo viên hướng dẫn ôn thi khó tiếp thu (do đa số họ là giảng viên của các trường ĐH). Vì thời gian ít, hầu hết giáo viên đều giải quyết sẵn những nội dung ôn luyện, đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ một khối lượng kiến thức khá lớn (chủ yếu bắt buộc sĩ tử học bài là ghi nhớ máy móc). Không hiểu được kiến thức làm cho người học rất căng thẳng, thụ động. Khi gặp một bài toán hay một vấn đề ở dạng mới là lúng túng và thường tỏ ra nản chí.
Không nhất thiết phải ôn thi ĐH cấp tốc
Thực tế, theo nguyên tắc, đề thi có thể rơi vào kiến thức của chương trình THPT. Trong đó chủ yếu là lớp 12, có liên quan đến kiến thức lớp 10, 11 nhưng không nhiều, chủ yếu là kiến thức cơ bản mang tính hệ thống. Do đó, một học sinh nắm chắc kiến thức của chương trình lớp 12 sẽ có đủ điều kiện để vượt qua các kỳ thi trước mắt mà không phải vất vả đi tìm các trung tâm ôn luyện. Mặt khác, hầu hết các trường THPT đều bố trí thời gian để ôn luyện, tăng cường thêm nội dung để học thi. Đồng thời, giáo viên đảm nhiệm các bộ môn có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn học sinh học tập, ôn luyện một cách khoa học. Còn đối với những thí sinh tự do, để thi ĐH năm 2012 đạt kết quả cao, các em nên chủ động tự bổ sung kiến thức theo chương trình và sách giáo khoa hiện hành, tự học những phần kiến thức mới và đăng ký ôn tập tại các lớp ôn luyện của trường THPT.
Như vậy, để đảm bảo thời gian, sức khỏe, trạng thái tâm lý cho các kỳ thi ĐH trước mắt, học sinh không nhất thiết phải đi ôn thi ĐH cấp tốc. Thay vào đó, sĩ tử có thể ôn thi tại nhà, ôn thi trên mạng và ôn theo nhóm. Nếu nội dung nào chưa hiểu có thể trao đổi với thầy cô để tìm được lời giải thích hợp nhất. Các bạn thí sinh ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị cho mình những điều kiện tốt nhất và tích lũy thật vững chắc những kiến thức cơ bản, hệ thống và toàn diện để tự tin bước vào kỳ thi ĐH, CĐ.
Nguyễn Lê Hoàng
(ĐH Nguyễn Huệ)
Thử thách lớn nhất đối với những cô, cậu học trò lần đầu tiên sống xa nhà đó là áp lực tâm lý xoay xở làm sao vừa thích ứng với cuộc sống mới vừa học tập có hiệu quả để vượt qua kỳ thi, thỏa mãn kỳ vọng của gia đình. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)