Bước vào tháng 5, tháng ôn thi tốt nghiệp THPT, cháu tôi với học lực khá giỏi đang học lớp 12 tại một trường phổ thông ở TP.HCM tâm sự: “Trường cháu cấm túc điên cuồng.
Sáng học cả tuần, chiều hai, tư, sáu học, chiều ba, năm, bảy, chủ nhật cấm túc từ trưa đến 9 giờ tối. Học sinh dò bài ôn chỉ vấp một chút: ở lại cấm túc! Từ trước khi thi học kỳ 2, cháu dậy sớm vào 1-2 giờ sáng, học đến 4 giờ, nằm nghỉ đến 5 giờ rồi dậy ôn bài và đi học. Ban đầu cháu thấy như thế hiệu quả, nhưng sau hai tuần đầu óc cháu bão hòa không còn chút gì minh mẫn”.
Ôn tập quyết liệt, tập trung thế nhưng nhiều học sinh và cả giáo viên thừa nhận chỉ sau kỳ thi tú tài vài ngày kiến thức ôn tập biến mất khỏi đầu học sinh như chưa từng được học. Đó cũng là một trong những lý do giải thích vì sao tỉ lệ đậu tú tài tại nhiều tỉnh thành luôn rất cao (lên đến gần 100%), tuy nhiên lại có nhiều bài thi ở kỳ thi đại học chỉ 1-2 điểm. Dù đề thi đại học thực tế vẫn bám sát chương trình phổ thông theo nghĩa chỉ cần nắm vững kiến thức phổ thông cũng có thể đạt tối thiểu 4 điểm ở kỳ thi đại học…
Không ai phủ định sức ép ở mọi kỳ thi luôn tồn tại cũng như việc học ôn đòi hỏi mọi học sinh phải cố gắng hơn. Nhưng thời gian biểu kinh hoàng nói trên có lẽ chỉ giải quyết tỉ lệ đậu cao ngất ngưởng ở nhiều tỉnh thành. Trong khi đó, kiến thức vượt qua kỳ thi được chuẩn bị theo kiểu học vẹt, thuộc lòng nhanh chóng rơi vào cảnh “của thiên trả địa” sau kỳ thi.
LÊ ANH NHI (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Theo TTO
Bình luận (0)